7 sự thật thú vị về Hoàng hậu Nhật Bản

Masako là nữ thường dân thứ hai, sau mẹ chồng bà (cựu Hoàng hậu Emerita Michiko), kết hôn với một thành viên Hoàng gia Nhật. Vậy nên câu chuyện về cuộc đời của bà, hay cuộc sống của một Hoàng hậu trong những bức tường hoàng cung luôn được nhiều người tò mò muốn biết. Trong bài viết này, Phi Hoa sẽ chia sẻ 7 sự thật không phải ai cũng biết về vị Hoàng hậu tài năng và nổi tiếng này.  

1. Từ chối lời tỏ tình của Nhật Hoàng tận… 2 lần

Tháng 10/1986, trong buổi tiệc trà ngoại giao tiếp đón công tước xứ Lugo của Tây Ban Nha, bà Masako đã có cơ hội gặp gỡ Thái tử Naruhito. Thiên hoàng Naruhito (lúc bấy giờ là Thái tử) đã “trúng tiếng sét ái tình” khi lần đầu gặp gỡ bà Masako. Thái tử đã chủ động theo đuổi người phụ nữ giỏi giang này trong 6 năm tiếp theo và bị bà từ chối phũ phàng đến 2 lần.  Tuy nhiên, đến tháng 12/1992, vì cảm động trước sự chân thành của Thái tử, Hoàng hậu Masako mới chính thức nhận lời cầu hôn của Naruhito. Sau đó họ đính hôn vào tháng 1/1993 và kết hôn sau 6 tháng. 

Hôn lễ hoàng gia được tổ chức vào ngày 9/7/1993

2. Là hoàng hậu thường dân thứ 2 của hoàng gia Nhật 

Trước đó, chính mẹ chồng của Hoàng hậu Masako là cựu hoàng hậu Michiko Shoda cũng là một thường dân. Tuy được sinh ra trong một gia đình tư bản giàu có và sở hữu trình độ học vấn xuất sắc, nhưng chỉ vì là thường dân nên Hoàng Thái tử Akihito và cựu hoàng hậu Michiko Shoda đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại truyền thông mới đến được với người mình yêu. Giống như vậy, bà Masako Owada cũng vấp phải nhiều sự phản đối cũng như sự ngờ vực của bao con mắt mới có thể đứng ở vị trí Hoàng hậu 

3. Gia đình quan chức lớn

Hoàng hậu Masako Owada là con gái lớn của ông Owada Hisashi, thẩm phán Toà án quốc tế, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và bà Egashira Yumiko, từng làm thư ký Tổng giám đốc hãng hàng không Air France Far East trước khi kết hôn. Sau khi chào đời, bà Masako cùng gia đình cư trú tại khu Sakurajōsui, Setagaya, Tokyo thuộc Bộ Ngoại giao. Do tính chất công việc của cha mẹ, bà Masako đã là một công dân toàn cầu trước cả khi đến trường đi học. 

4. Nói lưu loát được 5 thứ tiếng 

Sinh ra trong một gia đình tri thức, nhờ vậy, ngay từ nhỏ bà Masako đã được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và được giáo dục kỹ lưỡng. Masako trải qua tuổi thơ tại Nga và New York trong những nhiệm kỳ “đi sứ” của cha mình. Sau vài năm trở lại Nhật Bản, gia đình Owada đã quay lại Hoa Kỳ khi Masako đang học năm thứ hai trung học. Là một sinh viên xuất sắc, bà đã học chuyên ngành kinh tế tại Harvard, rồi sau đó tới Đại học Tokyo để học cao học. Tới năm 1988, Masako làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Anh và tiếp tục học tại Đại học Oxford El Balliol. Vì vậy bà có thẻ nói thông thạo nhiều ngoại ngữ khác nhau trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Cụ thể là bà có thể nói được tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp.

bà Masako

5. Tốt nghiệp Đại Học Harvard 

Năm 1979, bà Masako theo học trường trung học Belmont trong 2 năm và là chủ tịch Hội Học sinh Danh dự Quốc gia Hoa Kỳ. Bà Masako ghi danh vào khoa Kinh tế Quốc tế của Đại học Harvard /Radcliffe College năm 1981. Masako cùng với Jeffrey Sachs cùng nhau nghiên cứu luận văn và nhận kết quả là học vị cử nhân kinh tế loại giỏi vào tháng 3 năm 1985. 

6. Bị trầm cảm vì không sinh được con trai 

Tương tự như mẹ chồng mình, Hoàng hậu Masako cũng phải vật lộn với áp lực từ luật lệ hoàng gia và việc sinh con nối dõi. Những áp lực từ nhà chồng và dư luận đã đẩy Masako lúc bấy giờ rơi vào cảnh trầm cảm kéo dài. 

Năm 1999, sau 6 năm kết hôn, Thái tử phi Masako mới mang thai nhưng không may bị sảy. Đến tháng 12/2001, bà hạ sinh Aiko – cô công chúa đầu lòng, đây cũng là thời điểm khó khăn với Masako khi bà vẫn bị chỉ trích, chịu áp lực phải sinh thêm hoàng tử. Một lần nữa, Thái tử phi Masako lại hứng chịu sự gièm pha từ nhà chồng và giới truyền thông, dẫn đến tình trạng tâm lý bất ổn.  

Năm 2004, cơ quan Hoàng gia tiết lộ bà đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh, một chứng bệnh tâm thần liên quan đến trầm cảm hoặc áp lực kéo dài. Do đó, Hoàng hậu Masako thường xuyên vắng mặt trong các sự kiện quan trọng và không thể làm tròn trách nhiệm của mình. 

7. Bà đã cùng Nhật Hoàng đấu tranh vượt qua trầm cảm 

Hoàng hậu Masako dù không thể sinh được người con trai nối dõi cho hoàng tộc và phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm nhưng bà may mắn vẫn có một người chồng tâm lý bên cạnh. Thái tử đã giữ đúng lời hứa năm xưa, ông luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ người vợ của mình trước sự công kích của dư luận và báo giới cũng như những luật lệ hà khắc của hoàng cung. Nhờ vậy, cùng với tình yêu thương của Thái tử Naruhito, bản tính mạnh mẽ của mình và sự cảm thông của người dân Nhật Bản, Công nương Masako dần hồi phục sau 15 năm đấu tranh với bệnh trầm cảm và tích cực xuất hiện trong các sự kiện trọng đại của hoàng gia. 

Hoàng hậu Masako từng bị trầm cảm vì không sinh được con trai

Kết luận: Có thể nói, mối tình của Hoàng hậu Masako Owada và Nhật hoàng Naruhito là một trong những mối tình đẹp nhất lúc bấy giờ. Cuộc sống tù túng lại phải đối mặt với căn bệnh khó chữa, Hoàng hậu Masako dường như không còn điểm tựa nào nhưng may mắn bà vẫn còn có chồng bên cạnh. Sau tất cả, vị thái tử chung tình vẫn giữ trọn lời hẹn ước năm xưa: “anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời, bằng tất cả khả năng của mình” ông luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ người vợ của mình. Có lẽ sẽ chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn một người đàn ông luôn yêu thương, bảo vệ vợ mình trước mọi khó khăn sóng gió.  

Ngày nay khi vai trò của phụ nữ đã trở nên độc lập hơn, phụ nữ có những công việc riêng tách biệt với vai trò làm vợ, làm mẹ và hoàng hậu Masako cũng vậy. Trước khi trở thành Hoàng hậu, bà Masako là một người phụ nữ rất tài giỏi. Nhưng đối với hoàng hậu Masako, bà không chỉ chịu những áp lực xã hội giống như những phụ nữ Nhật Bản khác mà bà còn phải chịu những ràng buộc của chế độ quân chủ. Thật đáng tiếc cho tài năng của bà giờ đây đã không còn được đóng góp cho hoàng cung và quốc gia của mình. Nhưng ở một khía cạnh nào đó bà vẫn luôn là một sự đóng góp to lớn, là một hậu phương vững chắc của Nhật hoàng. Cá nhân của mình thì mình rất mong muốn những người phụ nữ tài giỏi như thế này nên có những đóng góp cho sự hiện diện của hoàng cung và quốc gia một cách rõ ràng hơn là sự tồn tại mờ nhạt như bây giờ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *