[Gặp gỡ thứ Tư] CEO ONE-VALUE: Nhiều vùng xám luật khiến M&A trắc trở

Báo chí

Thị trường mua bán & sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong những năm qua dù sôi động nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, rất quan tâm nhưng còn e ngại về những rào càn.

Nhadautu.vn đã phỏng vấn bà Phi Hoa, người sáng lập và Tổng giám đốc công ty ONE-VALUE – một công ty tư vấn chiến lược đầu tư – M&A chuyên về thị trường Việt Nam và Nhật Bản để tìm hiểu những góc khuất và triển vọng của thị trường này.

Xin bà nêu một số thương vụ tiêu biểu mà ONE-VALUE “làm mai” tại Việt Nam trong thời gian qua.

Bà Phi Hoa: Năm 2018, tôi thành lập Công ty ONE-VALUE với mong muốn tạo ra giá trị độc đáo và khác biệt cho khách hàng. Tên gọi “ONE-VALUE” hàm ý sự duy nhất, thể hiện mục tiêu của chúng tôi: cung cấp giá trị độc tôn mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Chúng tôi không chỉ mang lại giải pháp mà còn cam kết đồng hành lâu dài. Khi làm việc tại Nhật Bản, tôi thường chia sẻ một phương châm đơn giản nhưng sâu sắc: “Khách hàng đã chọn mình, mình không để họ thất vọng”.

Bà Phi Hoa, người sáng lập và Tổng giám đốc công ty ONE-VALUE. Ảnh: ONE-VALUE.

Công việc chính của chúng tôi là tư vấn chiến lược, kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn về đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) cho các doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó, ONE-VALUE cũng hỗ trợ các tập đoàn Nhật Bản khi họ muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Chúng tôi giúp họ nghiên cứu thị trường, bao gồm phân tích nhân khẩu học và xây dựng phương thức bán hàng hiệu quả. Những khách hàng tiêu biểu như SoftBank, Sumitomo Forestry, Saizeriya… đã chọn ONE-VALUE làm đối tác tư vấn. Với những khách hàng này, chúng tôi tiến hành khảo sát thị trường, sau đó đề xuất chiến lược và định hướng kinh doanh phù hợp.

Trong số nhiều dự án mà ONE-VALUE đã hợp tác và tư vấn, có những công ty Nhật Bản quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, như Aeon Mall. Với Aeon Mall, chúng tôi đang điều tra và xây dựng chiến lược thiết kế các trung tâm thương mại tương lai của họ. Aeon có kế hoạch phát triển khoảng 30 trung tâm thương mại tại Việt Nam và họ muốn có nhiều ý tưởng đổi mới tại các Trung tâm thương mại sắp xây dựng. Hiện nay, ONE-VALUE là đơn vị điều tra khảo sát thị trường và đề xuất các ý tưởng mới cho Aeon nhằm thu hút khách hàng Việt Nam sau 10 năm nữa.

Một mảng quan trọng khác của ONE-VALUE là tư vấn M&A. Một số doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam chọn cách tự vận hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không thể làm một mình mà phải mua lại hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua M&A. Lúc đó, ONE-VALUE đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật tìm kiếm và mua lại các đối tác Việt Nam phù hợp để cùng nhau phát triển.

Hiện tại, cùng lúc, ONE-VALUE đang xử lý khoảng 105 thương vụ M&A ở các giai đoạn khác nhau, từ kết nối ban đầu, thẩm định doanh nghiệp, ký hợp đồng, định giá cho đến mua bán và công bố. Một số thương vụ đã hoàn tất, nhưng không phải tất cả đều được công khai trên truyền thông, vì nhiều đối tác không muốn công bố thông tin. Một trong những thương vụ chúng tôi có thể chia sẻ là giữa Aeon Entertainment và Beta Cinema, với tổng quy mô đầu tư của thương vụ lên tới 5.000 tỷ đồng, với mục tiêu phát triển hệ thống rạp chiếu phim. Đây là một trong những thương vụ nổi bật nhất trong lĩnh vực tiêu dùng năm nay.

Bà Phi Hoa và ông Nobuyuki Fujiwara - Chủ tịch Aeon Entertainment tại lễ công bố thành lập Liên doanh Beta Media và Aeon Entertainment.
Bà Phi Hoa và ông Nobuyuki Fujiwara – Chủ tịch Aeon Entertainment tại lễ công bố thành lập Liên doanh Beta Media và Aeon Entertainment. Ảnh: ONE-VALUE.

Ngoài ra, ONE-VALUE còn tham gia các thương vụ thuộc nhiều lĩnh vực khác. Một ví dụ đáng chú ý là ngành dịch vụ cưới, nơi chúng tôi vừa công bố thương vụ đầu tư hàng triệu USD giữa một công ty Nhật Bản với doanh thu gần 1 tỷ USD và một doanh nghiệp tổ chức lễ cưới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện nhiều thương vụ khác liên quan đến bất động sản, năng lượng và y tế, nhưng đa số các thương vụ này không được công bố công khai.

ONE-VALUE hiện có khoảng 6.800 doanh nghiệp trong mạng lưới của mình, trong đó hơn 100 doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi muốn tiếp tục dẫn đầu ngành về M&A và thúc đẩy xu hướng ngược lại, giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện M&A tại Nhật Bản.

Tiềm năng từ sức tiêu dùng tăng

Là một công ty “mai mối” giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, bà đánh giá ra sao về khẩu vị M&A của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam? Đâu là những lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật ưa thích, nhắm tới trong thời gian tới?

Bà Phi Hoa: Như tôi đã chia sẻ, hiện chúng tôi đang làm việc với khoảng 105 doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư vào Việt Nam. Những doanh nghiệp này chủ yếu quan tâm đến các ngành có thế mạnh của Việt Nam và những lĩnh vực tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Các lĩnh vực đầy hứa hẹn của Việt Nam bao gồm giáo dục và y tế, do nhu cầu tiêu dùng lớn và liên tục tăng. Với dân số 100 triệu và thu nhập bình quân đầu người đang cải thiện nhanh chóng, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho những ngành này. Chi tiêu cho y tế và giáo dục tại Việt Nam cũng cao hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó, tại Nhật Bản, cả hai lĩnh vực này đều đang suy giảm do dân số giảm và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, năng lượng cũng là một mảng được các nhà đầu tư Nhật đặc biệt quan tâm. Trước đây, Việt Nam đã tạo cú hích lớn cho thị trường năng lượng tái tạo bằng cách áp dụng biểu giá mua điện ưu đãi (FiT). Mặc dù chương trình FiT đã kết thúc, nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư vẫn không hề giảm. Thay vào đó, họ đang chuyển hướng sang những phân khúc ngách đầy tiềm năng như điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời và thủy điện.

Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu một lượng điện đáng kể để đáp ứng nhu cầu nội địa. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp Nhật Bản, tham gia vào thị trường và ký kết các thỏa thuận mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Kho bãi và vận tải, đặc biệt là vận tải lạnh, cũng thu hút nhiều sự chú ý. Dù công nghệ có phát triển thế nào, ngành kho bãi và logistics vẫn không thể thay thế, nhất là khi thương mại điện tử đang bùng nổ. Với sự gia tăng tiêu dùng và nhu cầu về thực phẩm tươi sống, vận tải lạnh trở thành phân khúc quan trọng. Các doanh nghiệp Nhật có nhiều thế mạnh về công nghệ và tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực này, và họ đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để mở rộng hoạt động.

Lĩnh vực thực phẩm cũng là một trong những điểm đến đầu tư phổ biến. Với mức thu nhập ngày càng cao, người Việt có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu ăn uống. Các công ty thực phẩm Nhật Bản đang tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam bằng cách tự mở kênh phân phối hoặc mua lại các doanh nghiệp phân phối địa phương để nhanh chóng thâm nhập thị trường.

Nhìn chung, các nhà đầu tư Nhật Bản coi Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng, nơi họ có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Ngoài ra, ngành công nghệ thông tin (IT) cũng được quan tâm đáng kể. Việt Nam không chỉ phát triển các giải pháp IT cho thị trường nội địa mà còn trở thành một trung tâm gia công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một lĩnh vực hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút đầu tư lớn từ Nhật Bản trong tương lai.

Như bà nói ở trên, ngành dược và chăm sóc y tế có nhiều tiềm năng và nhiều doanh nghiệp dược Nhật Bản đã mua cổ phần của doanh nghiệp dược Việt Nam. Làm sao để có thêm nhiều thương vụ?

Bà Phi Hoa: Trong lĩnh vực dược phẩm, tôi nhận thấy Việt Nam đang mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất dược tại đây, nhưng vẫn chưa cho phép họ tham gia phân phối. Đây là một trở ngại lớn bởi không thể có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nếu thiếu khâu phân phối. Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần cân nhắc mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phân phối, nhưng đi kèm một số giới hạn. 51% cho doanh nghiệp Việt và 49% cho doanh nghiệp nước ngoài theo tôi là một tỉ lệ hợp lí, đủ để vừa thúc đẩy ngành dược, nhưng vẫn đảm bảo được quyền kiểm soát của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc nới lỏng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty dược đại chúng vượt mức 50%, nhằm tạo điều kiện thu hút thêm nguồn vốn đầu tư quốc tế. Tôi cũng kỳ vọng vào việc rút ngắn thời gian phê duyệt các thủ tục liên quan đến nâng hạn mức sở hữu này trong thời gian tới. Thực tế, chúng tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến việc mua cổ phần của các công ty dược tại Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục còn rườm rà và thời gian xử lý kéo dài có thể trở thành rào cản, làm giảm đi cơ hội hợp tác và đầu tư giữa hai bên.

Việt Nam là một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng, nơi nhu cầu thuốc và thực phẩm chức năng đang tăng cao. Khi mức sống của người dân được cải thiện, đi kèm theo đó là sự gia tăng các bệnh liên quan đến thói quen sinh hoạt. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam để sản xuất và cung cấp các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Nếu họ đầu tư, ngành dược Việt Nam sẽ được nâng cao về tiêu chuẩn sản xuất và kỹ thuật, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng quốc tế nhưng giá cả phải chăng hơn.

Tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm dược phẩm hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Người Việt Nam từ lâu đã được đánh giá cao về năng lực nghiên cứu và sự chăm chỉ. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam không chỉ giúp phát triển ngành dược trong nước mà còn tạo bàn đạp để mở rộng ra các thị trường khác trong khu vực.

Khi các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, chi phí sẽ giảm đáng kể nếu họ được cấp phép và đăng ký bằng sáng chế thuận lợi. Để tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư, tôi nghĩ Nhà nước cần xây dựng những cơ chế rõ ràng và cụ thể cho quy trình này, tránh một số quy định vẫn còn chung chung, đôi khi gây ra những khó khăn trong việc tư vấn và chuẩn bị hồ sơ cho khách hàng.

Việc cấp phép đôi khi phụ thuộc nhiều vào quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, trong khi các tiêu chuẩn chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này vô hình trung tạo ra những “vùng xám” khiến nhà đầu tư e ngại.Bà Phi Hoa, người sáng lập và Tổng giám đốc công ty ONE-VALUE

Cụ thể, việc cấp phép đôi khi phụ thuộc nhiều vào quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, trong khi các tiêu chuẩn chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này vô hình trung tạo ra những “vùng xám” khiến nhà đầu tư e ngại.

Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy ngành dược và giáo dục là hai lĩnh vực có nhiều “vùng xám” nhất. Trường hợp cụ thể là một khách hàng của chúng tôi. Doanh nghiệp này chuyên vận hành chuỗi phòng khám nha khoa, đã mất 2-3 năm để xin giấy phép tại Việt Nam nhưng chưa thành công. Để đáp ứng yêu cầu đăng ký, họ đã phải thuê mặt bằng tạm thời làm địa chỉ đăng ký, nhưng do chưa có giấy phép, việc vận hành phòng khám vẫn chưa thể thực hiện. Trong suốt thời gian đó, họ phải duy trì chi phí thuê mặt bằng mà chưa thể khai thác. Tôi rất tiếc khi nghe vị khách này chia sẻ rằng, nếu trong năm nay không thể hoàn tất thủ tục, họ sẽ cân nhắc việc rời khỏi Việt Nam và tìm cơ hội ở những thị trường khác.

Chưa có cơ chế rõ ràng cho đầu tư vào data center

Chính phủ đang làm tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ cao, trong đó có chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu (data center). Bà nhận thấy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài ra sao?

Bà Phi Hoa: Có hai lĩnh vực mà anh nhắc đến liên quan chặt chẽ đến hoạt động của ONE-VALUE, đó là ngành bán dẫn và trung tâm dữ liệu. Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo Nikkei của Nhật Bản, tôi đã nhấn mạnh rằng Việt Nam và Nhật Bản có tiềm năng hợp tác sâu trong lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt là trong phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, Nhật Bản đang thiếu hụt nhân sự có chuyên môn cao trong ngành này, nhưng với năng lực và tiềm năng sẵn có, người Việt hoàn toàn có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn Nhật Bản.

Bà Phi Hoa, người sáng lập và Tổng giám đốc công ty ONE-VALUE.
Bà Phi Hoa, người sáng lập và Tổng giám đốc công ty ONE-VALUE. Ảnh: ONE-VALUE.

Tuy nhiên, vấn đề lớn là chúng ta đang thiếu cơ sở đào tạo chuyên biệt. Cách đây vài tuần, tôi đã làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để đề xuất xây dựng một chương trình hợp tác kỹ thuật. Trong đó, JICA có thể tài trợ vốn ODA nhằm thành lập một trung tâm đào tạo nhân sự bán dẫn tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực. JICA đã tiếp nhận đề xuất này và đang lên kế hoạch phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam để triển khai trong năm tới.

Về lĩnh vực trung tâm dữ liệu, đây cũng là mảng đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp phát triển trong ngành IT và sáng tạo phần mềm, đồng thời cũng là điểm đến đầu tư của các tập đoàn quốc tế như Google và Apple. Để hỗ trợ cho các hoạt động này, các trung tâm dữ liệu trở thành yếu tố không thể thiếu. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc đầu tư vào phát điện cho các trung tâm dữ liệu, vì các cơ sở này tiêu thụ lượng điện năng rất lớn.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà chúng tôi gặp phải là chưa có sự rõ ràng về cơ chế và quy trình cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập và vận hành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đây là một vấn đề quan trọng cần được làm rõ, bởi các nhà đầu tư muốn thấy tính minh bạch và nhất quán trong các quy định.

Chúng tôi hy vọng rằng, với tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam và sự quan tâm từ các doanh nghiệp Nhật Bản, những rào cản này sẽ sớm được tháo gỡ để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Vừa rồi có nhiều ông lớn như Google, Oracle đầu tư vào trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia chứ không đến Việt Nam. Theo bà, đâu có lý do?

Bà Phi Hoa: Việc các tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây tại Thái Lan, Malaysia, và Indonesia thay vì Việt Nam, tôi cho rằng nguyên nhân chính đến từ giá điện và sự thiếu rõ ràng trong cơ chế đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, các quy định chưa nêu rõ liệu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào trung tâm dữ liệu có được hưởng ưu đãi hay không, cũng như các trình tự thủ tục cần tuân thủ như thế nào. Điều này có thể tạo ra sự bất an cho các nhà đầu tư.

Chưa có sự rõ ràng về cơ chế và quy trình cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập và vận hành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.Bà Phi Hoa, người sáng lập và Tổng giám đốc công ty ONE-VALUE

Hiện đã có ít nhất hai doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ với ONE-VALUE về sự quan tâm đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng đang đối mặt với những băn khoăn về nguồn điện. Trung tâm dữ liệu tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ và yêu cầu nguồn điện phải ổn định, không được phép xảy ra sự cố. Để đáp ứng điều này, mô hình hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) cần được triển khai. DPPA cho phép các trung tâm dữ liệu mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo thay vì phải thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi các nhà đầu tư thấy được sự minh bạch và nhất quán trong các chính sách, cũng như cam kết về nguồn điện ổn định, tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong khu vực cho các doanh nghiệp công nghệ lớn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: báo Nhà Đầu Tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *