Nuôi dạy con tại Nhật – Có nên cho trẻ tự lập từ sớm?

Cho con nhỏ tự đi học là đúng hay sai?  

Nay trên đường tan làm về nhà, Hoa nhìn thấy những em học sinh nhỏ dắt tay nhau băng qua đường lớn, lưng đeo chiếc cặp chống gù thật to và đầu thì đội những chiếc mũ vành vàng rất dễ thương. Hình ảnh này làm Hoa nhớ lại khoảng thời gian đầu mới tới Nhật, mình đã ngạc nhiên như thế nào bởi tính tự lập từ rất sớm của trẻ em Nhật Bản. Các bạn nào đã và đang sống ở Nhật thử nghĩ lại cùng Hoa số lần các bạn thấy trẻ em quấy khóc và đòi quà tại Nhật có phải hay không rất ít? 

Sống ở Nhật hơn chục năm, nay đã là mẹ của 2 con nhỏ, Hoa càng nghĩ càng thấy khâm phục cách dạy con của các bậc phụ huynh Nhật. Tưởng rằng cho trẻ tự đi học đến trường là một hành động vô tâm của người lớn thì đây lại là bước đi đầu tiên trong quá trình rèn luyện tính tự lập và kỷ luật cho bé. Trẻ tự mình mang vác tất cả túi xách, túi đi học của mình và cố chạy theo cha mẹ, không có chuyện cha mẹ mang tất cả cho con và bao bọc như tại Việt Nam. Đến các quán ăn, sau khi dùng xong bữa, trẻ tự biết dọn sạch mâm ăn và lau dọn trước khi đứng lên ra về.  

Cho con nhỏ tự đi học là đúng hay sai?

Phải chăng đây là hành động vô trách nhiệm của các bậc phụ huynh Nhật Bản?  

Ngoài ra, các bà mẹ Nhật bản cho rằng để con tự đi học cũng là một cách rất tốt để rèn luyện sức khỏe và kỉ luật. Hoa từng đọc thấy một bình luận tại một trang tin tức. Bình luận của bà mẹ này viết rằng quãng đường từ nhà của cô ấy đến trường tiểu học chỉ mất 10 phút đi xe ô tô nhưng lại mất đến 40 phút đi bộ. Tuy nhiên vì để con mình rèn luyện sức khoẻ và tuân theo quy tắc của nhà trường, hàng ngày cô ấy phải dậy từ rất sớm chuẩn bị cho con mình đi bộ đến trường. Đọc bình luận này, Hoa rất ngạc nhiên và khâm phục cách nghĩ của cô ấy.  

Nói đến đây, chúng ta không thể nào không nhắc đến thực trạng nghiện game online, internet và mạng xã hội của trẻ nhỏ Việt Nam trong những năm gần đây. Bản thân là mẹ của hai đứa trẻ, Hoa cũng rất hiểu tâm lý của các bậc phụ huynh ngày nay. Do khối lượng công việc hàng ngày và quỹ thời gian eo hẹp, Hoa và cũng như rất nhiều bậc phụ huynh không còn cách nào khác đành đưa con mình chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bảng. Điều này vô tình đã dẫn đến sức khoẻ con em mình giảm sút, đặc biệt là tỉ lệ trẻ em bị cận thị tại Việt Nam tăng cao trong 3 năm gần đây. Ngoài ra, do đắm chìm vào internet, các kỹ năng giao tiếp và xã hội của trẻ cũng bị hạn chế. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy việc ý thức rèn luyện sức khoẻ và các kỹ năng cần thiết cho trẻ nhỏ của các bậc phụ huynh Nhật Bản là điều rất đáng học hỏi. 

Dù nói là vậy nhưng chúng ta cũng không thể nào quên được vụ việc rất đau lòng và đáng tiếc xảy ra vào năm 2017, bé Nhật Linh học sinh lớp 3 bị bắt cóc và giết hại khi đang tới trường. Một vụ án rúng động Nhật Bản và Việt Nam lúc bấy giờ. Bản thân Hoa cũng phải tự hỏi chính mình rằng có dám để con tới trường một mình hay không?   

Phải chăng đây là hành động vô trách nhiệm của các bậc phụ huynh Nhật Bản?

Với suy nghĩ đó, là một bà mẹ 2 con- Hoa đã từng rất lo lắng và phân vân trong thời gian dài. Sau khi tìm hiểu, Hoa thật sự bất ngờ với các biện pháp an ninh được thiết lập riêng để đảm bảo an toàn cho các học sinh tiểu học. Các em học sinh đến trường vào buổi sáng và tan học vào chiều tối luôn được đi theo các nhóm nhỏ và sẽ có hội phụ huynh thay phiên nhau đứng gác ở các đoạn đường hay hướng dẫn các em qua đường ở nơi có đèn giao thông. Các em nhỏ còn được trang bị đồng hồ đeo tay hoặc chuông báo động treo trên cặp sách, khi kéo những thiết bị này lúc gặp nguy hiểm sẽ phát ra âm thanh báo động chói tai khiến người xung quanh chú ý. Hơn thế nữa, Hoa để ý thấy gần đây Nhật Bản còn phát triển các app GPS trên điện thoại để phụ huynh có thể theo dõi con em mình trong quá trình di chuyển đến trường và về nhà.  

Càng tìm hiểu, Hoa lại càng tìm ra nhiều lí do khác nhau để thuyết phục bản thân cho 2 đứa con tự đi bộ đến trường. Tuy nhiên, Hoa cũng ý thức được rằng việc rèn luyện tính tự lập và kỉ luật cho trẻ không có nghĩa để trẻ tự làm tất cả mọi thứ mà không có sự giúp đỡ của bố mẹ. Bố mẹ nên chiều chuộng và ủng hộ con đúng nơi và đúng lúc. Ngoài ra, chúng ta không nên hoàn toàn cấm cản con em mình tiếp xúc với internet mà cần đề cao sự tự do cho phép trẻ tiếp xúc với khoa học kĩ thuật ở một cường độ nhất định để tạo ra sự phấn khích, tò mò từ đó làm tiền đề cho sự phát triển tư duy và sáng tạo.  

Các bạn thì sao, các bạn nghĩ có nên cho con em mình tự đi học hay không? 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *