Phải công nhận rằng: Dù Nhật là nước có nền kinh tế đứng thứ 3 Thế giới, nhưng vẫn là một xã hội vô cùng khép kín! Vì vậy rất khó để người nước ngoài có thể thành công ở đây. Để lập nghiệp ở Nhật, mẫu người lý tưởng nhất, thuận lợi nhất để thành công phải có 3 yếu tố sau: (1) là người Nhật, (2) là nam giới, (3) là người nhiều tuổi (thường từ 40 tuổi trở lên).
Muốn lập nghiệp thành công ở Nhật: Bạn phải là người Nhật!
Khó có thể tìm thấy tấm gương người nước ngoài thành công vang dội ở Nhật. Ngay cả một người tuyệt vời như ông Son Masayoshi (sáng lập Softbank) cũng gặp khá nhiều khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp. Dù sinh ra ở Nhật, lớn lên như người Nhật. Nhưng trong mắt người Nhật, ông vẫn là người nước ngoài. Vì ông không đăng ký kinh doanh bằng tên Nhật mà để tên gốc tiếng Hàn Quốc, nên ngân hàng khó cho vay tiền hơn. Khách hàng nhìn thấy tên chủ công ty là tên người nước ngoài cũng ít tin tưởng hơn… Nếu không có người vợ Nhật quốc tịch Nhật thì dù là người có tầm như ông cũng gặp không ít khó khăn! Nhất là khi công ty chưa thực sự có tiếng.
Bạn phải là nam giới?! Nếu không, rất khó lập nghiệp ở Nhật!
Là phụ nữ ở Nhật, rất khó leo lên cấp lãnh đạo hoặc làm quản lý cấp cao. Trên Sàn chứng khoán Nikkei 225 Index, KHÔNG có CEO nào là nữ. Trong số 19 thành viên nội các của Thủ tướng Abe, chỉ có 1 người là nữ. Đó là bà Satsuki Katayama – Bộ trưởng các vấn đề giới tính và khôi phục địa phương. Tỉ lệ nữ làm quản lý cấp cao ở Nhật cũng chỉ chiếm 11% (2019). Hai con số này không những thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp… Mà còn thấp hơn một xã hội cũng trọng nam khinh nữ như Việt Nam. Ở Việt Nam, dù sao cũng có khoảng 30 nữ CEO – chiếm khoảng 5% trong tổng số các công ty lên sàn – 2015.
Phụ nữ Nhật đi làm sau khi kết hôn rất ít. Và một khi đã nghỉ làm chăm con một thời gian dài thì tìm việc lại rất khó. Nhiều nghiên cứu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại nặng vì phụ nữ không được cấn nhắc đưa lên các vị trí cao trong doanh nghiệp và chính phủ.
Yếu tố cuối cần khi lập nghiệp ở Nhật: Bạn phải là người nhiều tuổi!
Quan điểm của bạn ít được coi trọng nếu bạn còn ít tuổi
Nếu bạn còn dưới 40 tuổi thì tức là chưa phải tuổi lập thân ở Nhật. Ở Nhật dù làm kinh doanh hay làm chính trị, tiếng nói của bạn chỉ có nhiều giá trị khi tuổi của bạn từ 40 trở lên. Có ai để ý rằng báo chí hay truyền hình Nhật khi đưa tin về một nhận định hay quan điểm của ai đó đều ghi tên người đó kèm tuổi của họ không? Điều này khác hẳn ở Mỹ hay các nước khác.
Câu chuyện thực tế từ cấp trên ngày trước của Hoa
Hồi xưa cấp trên của mình có kể một câu chuyện vui rằng: Khi dự án tư vấn cho chính phủ của anh về chính sách năng lượng tương lai được báo Nikkei phân tích, anh đã từ chối không nêu tên mình với vai trò là chủ dự án. Bởi lúc đó anh mới 38 tuổi. Những chính trị gia, những quản lý cao cấp sẽ coi nhẹ quan điểm của anh khi báo đưa tin chuyên gia A (38 tuổi) nói rằng chính phủ nên…. Anh đã thương lượng nhiều. Và báo Nikkei đồng ý giới thiệu anh với ngoại lệ: không ghi tuổi bên cạnh. Thật đáng suy ngẫm phải không các bạn?
Thực tế thì là độ tuổi trung bình của người Nhật khoảng 44. Và với cái xã hội đặc biệt coi trọng tiền bối, lễ nghĩa; thì tuổi trẻ khó được thừa nhận và hiếm khi có đất để bứt phá. Có lẽ không ít người cũng có trải nghiệm tương tự trong công việc ở Nhật: Phát biểu của mình không được coi trọng bằng một phát biểu y hệt từ một người nhiều tuổi hơn!
Kết lại
Dù xã hội Nhật có dần cởi mở hơn với người nước ngoài, trao cho phụ nữ nhiều cơ hội hơn xưa, khuyến khích tuổi trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, quan niệm cố hữu trên cũng khó thay đổi nếu không qua vài thế hệ. Sống ở đâu cũng nên hiểu rõ về đặc điểm của xã hội đó. Có như vậy thì mới thích nghi được và mới biến hóa được tốt nhất để thành công!
Có thể bạn cũng quan tâm về Cuộc sống ở Nhật
🌻 Cuộc sống ở Nhật: Những khác biệt trong quan điểm về gia đình của người Nhật và người Việt?!
🌻 Tại sao người Nhật ít nói? Cảm nhận của Phi Hoa khi ở Nhật
🌻 Kinh doanh tại Nhật: Cách Hoa gây ấn tượng với lãnh đạo cấp cao tập đoàn lớn trong lần gặp đầu?!
🌻 Kinh doanh – Đi làm tại Nhật: Nguyên tắc cần biết khi bạn đi uống với người Nhật?!
Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé:
🌻 Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas
🌻 Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH
🌻 Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z