Cuộc sống công chúa Nhật ra sao sau khi lấy thường dân?

Có lẽ các bạn còn nhớ rõ, vào tháng 10 năm 2021, tin công chúa Mako Nhật Bản kết hôn đã làm rúng động dư luận một thời gian. Tuy công chúa Mako không phải thành viên hoàng gia đầu tiên từ bỏ tước hiệu để kết hôn với người thường, cuộc sống sau khi kết hôn của cô vẫn là đề tài hấp dẫn đối với truyền thông và công chúng. Không chỉ tại Nhật mà cả tại Việt Nam hay các quốc gia khác, đã có nhiều cuộc bàn tán xoay quanh sự kiện này.  

1. Cựu công chúa Mako đã phải từ bỏ tước hiệu như thế nào? 

Sở hữu vị trí đặc biệt trong xã hội Nhật Bản hay nói cách khác là sở hữu hoàng hiệu tôn quý, các thành viên hoàng tộc sẽ mất đi một số quyền lợi mà đáng lẽ người dân Nhật Bản nào cũng được hưởng. Chẳng hạn giới hạn hoạt động, quyền tự do phát biểu, … Mỗi một thành viên hoàng tộc phải có trách nhiệm và cẩn thận với mọi hoạt động, lời nói vì nó sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt của cả hoàng gia Nhật Bản.  

Hơn thế nữa, theo luật hoàng gia Nhật, các công chúa sẽ tự động bị tước bỏ tước vị hoàng gia nếu kết hôn với dân thường. Tên công chúa cũng sẽ bị xóa khỏi “Kotofu” – gia phả hoàng tộc.  

Kể từ khi công chúa Mako và hôn phu Kei Komuro thông báo đính hôn vào năm 2017, cuộc hôn nhân của họ đã vấp phải nhiều tranh cãi, phản đối của công chúng và giới truyền thông. Một số người dân Nhật Bản cho rằng, một dân thường như Kei Komuro không hề xứng đáng với công chúa Mako. Sự miệt thị này cũng được thể hiện khi Kei Komuro trở về Nhật Bản để chuẩn bị cho đám cưới của mình vào ngày 26/10. 

Cách thời điểm diễn ra đám cưới của công chúa vài tuần, một số người thậm chí đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc hôn nhân, họ mang theo biểu ngữ yêu cầu “ngừng cuộc hôn nhân bị nguyền rủa” – thể hiện sự phản đối gay gắt của người Nhật đối với vợ chồng Mako.  

Lẽ ra, kết hôn là một chuyện đáng ăn mừng và cần sự chúc phúc của mọi người xung quanh thì công chúa Mako lại phải hứng chịu sự chỉ trích, chê trách của số đông dư luận và phải từ bỏ tước hiệu vì luật lệ hà khắc. 

2. Công chúa Aiko, người con duy nhất của Nhật hoàng hiện tại đang nằm trong tầm nhắm của dư luận 

Tương tự với “Cựu công chúa” Mako, công chúa Aiko cũng phải chịu những áp lực về chuyện kết hôn trong tương lai. 

Trả lời trong buổi họp báo lần đầu tiên hôm 17/3/2022, Khi được hỏi về dự định tương lai và quan điểm về hôn nhân, công chúa Aiko cho biết cô vừa hoàn thành năm thứ hai đại học và vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng về tương lai của bản thân. “Với tôi, hôn nhân dường như vẫn còn xa vời trong tương lai và tôi chưa thực sự nghĩ đến nó. Tôi không có suy nghĩ cụ thể nào về người bạn đời lý tưởng, nhưng nếu ở bên ai đó và chúng tôi có thể khiến nhau mỉm cười thì có lẽ đó là điều tuyệt vời”. 

Liệu Công chúa Aiko cũng sẽ bị mất tước hiệu và tài sản giống em họ của mình - Mako?

Thiên hoàng Naruhito lên ngôi vua vào năm 2019. Đó cũng là giây phút mà con gái ông sẽ bị ràng buộc chặt chẽ hơn bởi những quy định của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới dành cho con gái nhà vua. Công chúa Aiko cũng bị cấm kết hôn với thường dân. Nếu vi phạm điều này, cô sẽ bị mất hết tước hiệu và tài sản giống em họ của mình – Mako 

Nhưng hiện nay trong hoàng tộc, không còn quý ông độc thân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công chúa Aiko có thể sẽ không bao giờ kết hôn nếu không muốn bị tước bỏ vị hiệu công chúa. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tương lai của Công chúa Aiko bị phụ thuộc rất nhiều vào những cải cách Luật Hoàng gia trong giai đoạn sắp tới. Trừ khi luật pháp Nhật Bản có sự thay đổi, cho phép thành viên nữ hoàng gia được kế vị hoặc cho phép họ duy trì tước vị sau khi kết hôn với thường dân, nếu không, số phận của công chúa Aiko cũng đã được dự đoán trước. 

3. Tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” tồn tại khắp Nhật Bản 

Chế độ của Nhật Bản vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của xã hội phong kiến do đó còn quá hà khắc với phụ nữ. Tại Nhật Bản, quan niệm về vai trò của người phụ nữ đã vô tình đóng khung họ vào những bất công. Phụ nữ Nhật Bản thường được cho là phải có trách nhiệm chăm lo gia đình, con cái chu toàn mà không cần phải đi làm.  

Tại Nhật, khi phụ nữ lập gia đình và có con, họ thường nghỉ việc để chăm sóc con cái. Tình trạng này chủ yếu bắt nguồn từ môi trường làm việc tại các công ty. Người phụ nữ sau khi kết hôn và sinh con không được tạo điều kiện quay lại công việc chính thức ban đầu, hầu như chỉ được nhận những công việc bán thời gian, lương thấp, không có chế độ đãi ngộ. Nếu được đi làm thì họ phải sắp xếp công việc sao cho có thời gian lo cho con, thậm chí bị các đồng nghiệp khác chỉ trích nếu được tạo điều kiện tan làm sớm. Bên cạnh đó, những người phụ nữ có con mà vẫn đi làm còn bị xã hội lên án là “không chăm sóc con cái”. Áp lực gia đình, xã hội, mức lương lại thấp hơn, quyền lợi và triển vọng nghề nghiệp ít hơn… Tất cả những lý do đó đã trở thành “vật cản”, kìm chân phụ nữ Nhật Bản. 

Cho nên ở rất nhiều ngành nghề ở Nhật Bản, vẫn tồn tại sự bất công đối với các nhân sự nữ. Năm 2018, tin tức về Đại học Y Tokyo đã làm rúng động xã hội, một vụ bê bối có liên quan tới việc phân biệt đối xử với phụ nữ. Vào thời điểm đó, một bài đăng trên trang Yomiuri Shimbun viết rằng: “Đại học Y Tokyo bị tình nghi cố tình đánh rớt các thí sinh nữ trong kỳ tuyển sinh trong suốt 8 năm qua“. Tin tức này một lần nữa đưa chủ đề nhạy cảm về phân biệt giới tính lên cao. 


Chính tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” đã ít nhiều ảnh hưởng đến xã hội Nhật Bản. Nó không chỉ ảnh hưởng đến xã hội mà còn là rào cản cho vấn đề duy trì hoàng tộc Nhật Bản trong tương lai. Trong thời gian sắp tới, việc thay đổi luật Hoàng gia nên được xem xét và nới lỏng hơn. Ngoài để các thành viên hoàng tộc có cuộc sống tốt hơn mà còn để giữ gìn chế độ hoàng gia kéo dài trong tương lai. 

Rất mong những chia sẻ trên đây của Hoa giúp mọi người có cái nhìn mới hơn về Hoàng gia Nhật Bản. Hãy liên tục theo dõi website của Phi Hoa để thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về văn hóa, cuộc sống học tập, làm việc tại Nhật Bản bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *