Người ta thường ví von rằng, thương vụ M&A (Mua bán Sáp nhập Doanh nghiệp) giống như một cuộc hôn nhân giữa hai doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, tôi cho rằng, việc kết hôn giữa hai cá nhân cũng có thể được xem xét tương tự như quá trình thực hiện một thương vụ M&A.
Để một “thương vụ” hôn nhân giữa hai cá nhân đạt thành công tối ưu, với kết quả là 1 + 1 = 2 + ∞, cá nhân có thể áp dụng 7 bước giống như doanh nghiệp khi thực hiện M&A:
1 – Chọn đối tượng
- Doanh nghiệp: Chọn đối tượng cần mua/bán/sáp nhập phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp dựa trên: ngành nghề kinh doanh, tốc độ phát triển, quy mô …của doanh nghiệp đối tượng.
- Cá nhân: Hai người tìm kiếm đối tượng phù hợp với mục tiêu phát triển của bản thân dựa trên sự phù hợp về: Công việc, tầm nhìn xây dựng sự nghiệp của bản thân, điểm mạnh điểm yếu của bản thân và đối tượng muốn theo đuổi…
2 – Điều tra sơ bộ
- Doanh nghiệp: Điều tra về doanh nghiệp đối tượng định M&A qua các thông tin công khai. Thường thì doanh nghiệp tự làm bước này mà không nhờ các chuyên gia tư vấn. Nhưng đối với các thương vụ lớn, có thể thuê chuyên gia làm báo cáo ngay trong giai đoạn này và xây dựng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp
- Cá nhân: Tự điều tra, nghe ngóng về đối tượng. Thu thập thông tin về tình trạng hôn nhân của đối tượng. Thường thì kẻ đi săn (nam/hoặc nữ tùy trường hợp) tự làm bước này, tuy nhiên cũng có trường hợp đối với kẻ đi săn có nhiều mối quan hệ, họ có thể nhờ bạn bè cùng phân tích lên kế hoạch, cung cấp thông tin giúp.
3 – Thỏa thuận chung cơ bản
- Doanh nghiệp: Bên mua gửi Letter of Intent cho bên bán. Hai doanh nghiệp biết ý định M&A của nhau. Sau đó, đi đến thống nhất cơ bản về cách thức mua bán, thời gian, quy trình các bước mua bán.
- Cá nhân: Kẻ đi săn ngỏ lời bắt đầu mối quan hệ. Hai bên biết ý định của nhau. Đồng ý cơ bản trở thành người yêu. Tiến đến thống nhất cơ bản về lộ trình yêu nghiêm túc để cưới. Nếu là yêu chỉ để trải nghiệm thì coi như thương vụ M&A thất bại ở bước thỏa thuận cơ bản.
4 – Due Diligence chính thức (Rà soạt đặc biệt)
- Doanh nghiệp: Bên mua thuê chuyên gia làm DD phân tích tình hình của bên bán kĩ nhất có thể trong thời gian hạn chế. Thường quá trình làm DD chỉ dài từ 1-2 tháng. (Có trường hợp cả hai bên đều thuê chuyên gia). Dịch vụ của những chuyên gia này gọi là M&A Advisory. Họ làm DD về các lĩnh vưc cơ bản: Tài chính, Thuế, Pháp lí, Business, Nhân sự. Nhiều trường hợp gồm cả IT và các yếu tố khác.
- Cá nhân: Hai bên liệt kê các điểm cần phải thống nhất và tự rà soát kĩ lưỡng về đối phương. Chuyện này không thuê chuyên gia được. Phi Hoa tham khảo có 10 mục cần rà soát như sau: (1)Tài chính, (2) Con cái, (3)Điểm chung, (4) Quan hệ xã hội, (5) Định hướng sự nghiệp, (6) Thiết kế hẹn hò nhau sau kết hôn, (7) Tình dục, (8) Tôn giáo và đạo đức, (9) Chia sẻ việc nhà, (10) Không gian cá nhân sau kết hôn.
5 – Đàm phán
- Doanh nghiệp: Hai bên đàm phán dựa trên kết quả phân tích của các chuyên gia. Kết quả phân tích sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến cách định giá, thỏa thuận giá mua bán.
- Cá nhân: Hai người tiếp thu quan điểm của đối phương dựa trên 10 điểm kia. Đàm phán nếu cần đối phương hiểu và làm theo quan điểm của mình. Kết quả nói chuyện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lên kế hoạch kết hôn hoặc kế hoạch đi cưới người khác.
6 – Thỏa thuận chính thức
- Doanh nghiệp: Các điều khoản đã được thống nhất và tiến hành công bố công khai trên truyền thông như mọi người thấy hai lãnh đạo công ty hay bắt tay nhau trên TV.
- Cá nhân: Tiến hành lễ cưới để công bố chính thức với mọi người, như mọi người vẫn nhìn thấy ảnh cưới trên mạng xã hội,…
7 – Hậu M&A
- Doanh nghiệp: Đi vào quá trình tái cơ cấu lại bộ máy để hoạt động sản xuất sinh lợi nhuận và phát triển hơn. Đặc biệt là bên bị mua thường sẽ bị cơ cấu lại. Có thể nhờ chuyên gia tái cơ cấu.
- Cá nhân: Đi vào quá trình cùng chung sống để sinh con và hai người cùng phát triển sự nghiệp. Có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm của người khác hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn.
Kết luận
Hoa nghĩ hôn nhân sẽ khó hơn M&A, bởi trong hôn nhân, mọi thứ không logic như làm kinh doanh. Hoa chỉ tự tin làm M&A Advisor. Nhưng từ M&A học được rất nhiều cho hôn nhân đấy mọi người ạ.
Phi Hoa – Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Đầu tư – M&A