Built to Sell: Định hình chiến lược M&A từ khi bắt đầu xây dựng công ty

Chiến lược M&A ngay từ khi xây dựng công ty

Tại Mỹ, mục tiêu của Startups không chỉ là IPO mà cash out bằng cách bán lại công ty cho 1 bên khác rất phổ biến. Việc này cũng dần phổ biến ở Nhật khi mà chiến lược M&A là cách để doanh nghiệp có chủ già tìm người kế nghiệp và doanh nghiệp có chủ trẻ nhưng đang bế tắc trong hướng đi, không thể lớn hơn nữa tìm cách phát triển.

Mình có một anh bạn chỉ sinh năm 89, nhưng đã lập và bán qua 4 công ty (Bắt đầu lập từ thời sinh viên. Bây giờ đang làm công ty thứ 5 với mục tiêu IPO công ty này). Thông qua việc lập và bán lại các công ty chỉ trong 2-5 năm sau thành lập, anh bạn này thu về được nhiều khoản tiền lớn. Từ đó lại có vốn làm tiếp công ty khác cũng như trở thành nhà đầu tư, một người thành đạt trong giới doanh nhân khi chưa đầy 35 tuổi.

Ngày nay, ở Việt Nam cũng dần phổ biến xu hướng “xây dựng để bán” (built to sell). Với chiến lược này, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn là thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư để thực hiện việc mua lại thông qua thỏa thuận mua bán & sáp nhập (chiến lược M&A).

Vậy làm thế nào để xây dựng một doanh nghiệp ‘Built to Sell’ thành công? Dưới đây là một số bí quyết quan trọng.

1. Định rõ ngách thị trường

Đầu tiên, bạn cần xác định rõ ngách thị trường mà doanh nghiệp của bạn muốn nhắm đến. Cần chắc chắn rằng ngách này đủ nhỏ để chỉ sau 3 năm công ty bạn có chỗ đứng và tạo được tên tuổi nào đó nhưng thị trường cũng đủ lớn – phình ra có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai và phù hợp với các nhà đầu tư hoặc công ty bạn muốn thu hút. Đặc biệt thị trường ngách này thể hiện được thế mạnh của người founder và những key members sáng lập công ty. Tốt nhất là chọn người phù hợp trước chọn việc để giao khi khởi nghiệp.

2. Xây dựng sản phẩm/ dịch vụ đột phá

Việc tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ đột phá, có thể tạo ra sự khác biệt lớn trên thị trường sẽ giúp doanh nghiệp của bạn nổi bật và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tốt nhất là bạn có một sản phẩm/ dịch vụ mà không ai có (tính độc quyền) hoặc công ty bạn cung cấp dịch vụ sản phẩm với 1 triết lý/ quy trình/ bước nào đó mà thị trường không có và giải quyết bài toán ngách của thị trường mà ít người nhận ra.

Đảm bảo rằng sản phẩm/dịch vụ của bạn không chỉ độc đáo mà còn có thể mở rộng và tái tạo trong tương lai khi bạn mở rộng quy mô công ty.

3. Thiết lập hệ thống quản lý và quy trình tốt

Ngay từ đầu bạn đã xác định lập công ty để bán nghĩa là bạn cần có 1 quy trình tốt để tới năm thứ 3-5 là bạn có thời gian đi làm việc với các nhà đầu tư. Đồng thời, quy trình cũng giúp cho những nhà đầu tư tiềm năng thấy rằng doanh nghiệp của bạn có thể vận hành một cách mượt mà dù có thay đổi về quyền sở hữu. Quy trình này giúp doanh nghiệp định giá cao hơn nếu nó không phụ thuộc vào từng cá nhân.

4. Chuẩn bị tài chính minh bạch

Đảm bảo rằng bạn có một hệ thống tài chính rõ ràng và minh bạch. Ví dụ như: Đóng tiền thành lập công ty thực sự (điều này nhiều doanh nghiệp quên, xử lý các chi phí hoá đơn, báo cáo tài chính minh bạch, nộp thuế đầy đủ…). Điều này không chỉ giúp bạn theo dõi tình hình tài chính của doanh nghiệp, mà còn tạo lòng tin cho các nhà đầu tư.

5. Xây dựng một thương hiệu mạnh

Một thương hiệu mạnh sẽ tạo ra sự nhận biết trên thị trường và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Đầu tư xây dựng thương hiệu để xác lập vị trí trên thị trường nhiều khi còn quan trọng hơn lợi nhuận trước mắt. Tới giai đoạn, thương hiệu mạnh giúp thuyết phục nhà đầu tư rằng chỉ cần họ rót tiền vào, bạn có thể bùng nổ doanh thu.

6. Tạo mối quan hệ với nhà đầu tư từ sớm

Mối quan hệ là một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận M&A, càng có nhiều quan hệ với các nhà đầu tư tương lai khả năng đàm phán giá càng cao. Nếu không có nhiều quan hệ với Nhà đầu tư từ sớm, có thể thông qua tư vấn chiến lược để định vị và tạo mối quan hệ. Đây là 1 khoản đầu tư dài hạn để bạn có thể bán công ty vào thời điểm được giá nhất.

Kết luận

Xây để bán là chiến lược M&A rất thích hợp với các doanh nhân có sẵn kinh nghiệm và đã thành công ở 1 mảng nào đó.

Phi Hoa nghĩ rằng đây sẽ là xu hướng trong 10 năm tới của doanh nghiệp Việt Nam và là việc Hoa muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt.

Phi Hoa – Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Đầu tư – M&A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *