Một mô hình đào tạo mầm non theo triết lý và mô hình giáo dục của Nhật.
Sang Nhật du học với học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật, gắn bó với đất nước mặt trời mọc ở những vị trí quan trọng trong các tập đoàn lớn nhưng sau 10 năm, chị Phi Hoa vẫn trở về Việt Nam với một giấc mơ rất đẹp: mang mô hình giáo dục mầm non tiên tiến của Nhật ứng dụng vào đào tạo trẻ em Việt Nam.
Triết lý của yêu thương
Sakurasaku Plus là thương hiệu có thâm niên và nổi tiếng trong ngành giáo dục trẻ mầm non và đào tạo giáo viên mầm non chuẩn Nhật. Công ty có trụ sở tại Ginza, Tokyo, hiện đang kinh doanh gần hơn 60 trường trên toàn Nhật. Theo kế hoạch của Sakurasaku Plus, vào năm 2025, hệ thống này sẽ triển khai khoảng 100 trường trên toàn Nhật. Không phải ngẫu nhiên, Sakurasaku Plus được phụ huynh Nhật đón nhận nồng nhiệt đến như vậy. Với triết lý mỗi trẻ em như một cây anh đào và những đóa hoa của cây chính là nụ cười của trẻ, hệ thống trường mầm non này trân trọng cá tính, sáng tạo riêng của mỗi học viên và nuôi dạy trẻ trong tinh thần kỷ luật, trách nhiệm biểu trưng của người Nhật. “Đây chính là yếu tố khiến tôi quyết định mang mô hình này về ứng dụng tại Việt Nam”, chị Phi Hoa, người sáng lập Công ty Đào tạo và Phát triển nhân tài Hana, chia sẻ.
Quyết định này đến với chị Phi Hoa sau nhiều năm sống và làm việc trong lĩnh vực đầu tư ở đất nước mặt trời mọc cũng như việc chị “lên chức” trở thành bà mẹ bỉm sữa. Chị chia sẻ, từ xưa đến nay, Nhật luôn là cường quốc đi đầu châu Á trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.
Nền giáo dục tiên tiến của đất nước này chú trọng vào yếu tố đạo đức, con người, đề cao tính kỷ luật và tinh thần tự lập và không đặt nặng việc thi cử của học sinh, không tổ chức theo kiểu gom học sinh có điểm số cao lại với nhau cũng như chủ trương “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người. “Những người làm giáo dục Nhật cho rằng điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ và mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng. Đây là điều mà nền giáo dục Việt Nam cần học hỏi rất nhiều”, chị Phi Hoa nói.
Không ứng dụng toàn bộ mô hình và triết lý giáo dục của Sakurasaku, chị Phi Hoa còn kết hợp thêm với Cross, một thương hiệu giáo dục khác của Nhật để hoàn thiện HanaHome, chuỗi hệ thống trường mầm non của riêng mình tại Việt Nam. Cơ sở HanaHome đầu tiên của chị Phi Hoa ở thành phố Hà Nội và đang lên kế hoạch mở rộng ở các địa phương khác. Tiếp thu chương trình học có bản quyền và tinh thần giáo dục Nhật từ 2 đối tác chiến lược, phương thức giáo dục của HanaHome là học thông qua trò chơi. Chơi để trưởng thành, chơi để khám phá, và tận hưởng hạnh phúc tuổi thơ.
Chị Phi Hoa chia sẻ: “Các bé sinh ra đã có sẵn trí tò mò, sáng tạo và thông minh. Các bé có hạnh phúc hay không, khi trưởng thành có thành công hay không không phải do lúc nhỏ được học nhiều kiến thức hay nhiều ngoại ngữ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chính yếu tố được yêu thương từ những người xung quanh, được tôn trọng cảm xúc và được thoả mãn về mặt tình cảm tạo nên một con người hạnh phúc và thành công, đặc biệt đối với trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi”.
Vì 2 lý do trên, chị Phi Hoa xác định sẽ chú trọng yếu tố cá nhân là trên hết khi tiếp cận giáo dục trẻ. Cô đòi hỏi đội ngũ giáo viên thực sự yêu trẻ, lấy trẻ làm trung tâm, chia sẻ đồng cảm với các nhu cầu vui chơi, cảm xúc của trẻ. Đây chính là điểm khác biệt của HanaHome với các hệ thống giáo dục khác.
Góp thêm nụ cười trẻ
Để làm được điều này, HanaHome thường xuyên đưa giáo viên sang Nhật, giao lưu trao đổi kinh nghiêm để đội ngũ giảng dạy được đào tạo theo chuẩn Nhật. Giáo viên mầm non Nhật cũng định kỳ về HanaHome để giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm.
Năm 2008, chị Phi Hoa sang Nhật du học với Học bổng toàn phần (MEXT Scholarship) của Chính phủ Nhật. Sau khi tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh – quản trị nhân lực Đại học Osaka, chị là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Deloitte Consulting Nhật, phụ trách việc phát triển nhóm kinh doanh cho Deloitte Consulting. Vị trí này giúp cô có điều kiện đầu tư và gặt hái nhiều thành công trong các dự án lớn giữa Việt và Nhật. Cô cũng là tác giả của tập sách: “Du học Nhật Bản – 3.000 ngày với nước Nhật”, một tập sách truyền cảm hứng sống tốt sống có ích cho giới trẻ Việt Nam nỗ lực tìm cơ hội vươn lên.
Chị Phi Hoa cho biết, bản thân rất yêu thích hoạt động giảng dạy, mong muốn đào tạo con người Việt Nam có được những tố chất và đức tính tốt đẹp như con người Nhật như tự lập, chăm chỉ, hòa đồng, kỷ luật… Do vậy, triết lý giáo dục của HanaHome là Tự tôn – Tự lập – Tự tìm tòi sáng tạo – Tự hòa đồng. Trường được trang bị đầy đủ các giáo cụ hiện đại, thư viện riêng cho trẻ với số lượng sách truyện phong phú, không gian lớp học rộng rãi với các đồ dùng bằng gỗ tự nhiên, sân chơi trong nhà và ngoài trời.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội đầu tư mở trường mầm non tại Việt Nam là khá lớn bởi mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ em ra đời. Hiện Việt Nam đang có hơn 5 triệu trẻ em trong độ tuổi mầm non. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước hiện có khoảng 15.256 trường mầm non dân lập và tư thục. Trong năm học 2017-2018, ngành mầm non có thêm 375 trường. Trong đó, nhóm trường mầm non ngoài công lập có số lượng tăng cao, 307 trường. Tuy nhiên, con số này vẫn không đủ phục vụ cho nhu cầu ngày một tăng của cả nước.
Góp được một cánh tay trong công tác giáo dục mầm non nước nhà, chị Phi Hoa chia sẻ, đó là quyết định khiến chị hạnh phúc khi quay trở về. “Mỗi đứa trẻ là những bông hoa và nụ cười của trẻ là niềm hạnh phúc nhất. Tôi tin, khi mình và đội ngũ giáo viên có thể mang đến trẻ nụ cười tin yêu, trẻ sẽ có một tuổi thơ đẹp đẽ, một nền tảng vững chắc để trưởng thành”, bà mẹ 2 con nói vậy.
Nguồn: nhipcaudautu.vn