Hướng dẫn chi tiết tất cả trình tự khởi nghiệp và xây dựng công ty ở Nhật

Hoa nghĩ rằng khi bạn đọc bài viết này có nghĩa là bạn quan tâm đến “Khởi nghiệp tại Nhật Bản” ở một khía cạnh nào đó, nhưng bạn chưa biết phải làm gì. Trong bài viết này, Hoa sẽ chia sẻ cho bạn các bước cụ thể bạn cần thực hiện để bắt đầu kinh doanh tại Nhật Bản cũng như những kinh nghiệm từ những ngày đầu thành lập ONE-VALUE INC.

Hoa tin rằng khi bạn đọc đến cuối bài viết này, bạn sẽ có một ý tưởng rõ ràng về những gì bạn cần làm để bắt đầu kinh doanh tại Nhật Bản và bạn cũng có thể từng bước chinh phục được ước mơ của mình như Hoa bạn nhé!

Nội dung chính

Làm thế nào để khởi nghiệp ở Nhật? Chuẩn bị khởi nghiệp tại Nhật cần chuẩn bị những gì ?

Khởi nghiệp theo định nghĩa đơn giản đối với tất cả chúng ta hiểu là bạn có ý tưởng kinh doanh nào đó, muốn tự làm chủ và không phải đi làm thuê cho doanh nghiệp hay công ty khác. Khi bạn tự mình bắt đầu kinh doanh thì có thể gọi là khởi nghiệp.  

Với Hoa, khởi nghiệp tại Nhật Bản thực chất không phải là một điều gì đó quá khó khăn, xa vời. Thách thức lớn nhất đó chính là khi bắt đầu kinh doanh làm sao có thể đưa được doanh nghiệp của mình đi đúng hướng và đạt đến những thành công. Quan trọng hơn nữa là bạn đã chuẩn bị những gì trước khi bước vào công việc kinh doanh tại Nhật. 

Để kinh doanh thành công, ta cần xem xét những rủi ro khác nhau trước khi bắt đầu kinh doanh và phát triển kinh doanh. Hoa muốn chia sẻ cùng bạn những câu hỏi mà chính Hoa đã hỏi bản thân mình trước khi bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ONE-VALUE INC. 

1.1 Khi nào “khởi nghiệp” ? 

Tại sao bạn lại muốn mở doanh nghiệp tại Nhật Bản ? Với Hoa, việc mở một công ty đơn thuần  rất dễ dàng và dường như rất nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản đều có thể làm được việc này. Tuy nhiên, việc kinh doanh tạo ra được doanh thu, lợi nhuận và việc quản lý dòng tiền lại là một việc vô cùng khó khăn. Nếu nhất thời bạn đưa ra được một ý tưởng độc đáo, một kịch bản “hoàn hảo” và ngay lập tức bạn “khởi nghiệp” thì rất có thể doanh nghiệp của bạn sẽ gặp thất bại. 

Khởi nghiệp tại Nhật cần chuẩn bị những gì

Khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng và việc quản trị doanh nghiệp còn là cuộc chiến với chính bạn. Bạn phải chuẩn bị đầy đủ ít nhất 3 yếu tố, đó là tài chính, mối quan hệ và đặc biệt đó là cơ hội từ thị trường. Quan trọng hơn, Hoa nghĩ bạn không nên khởi nghiệp vì thấy những người xung quanh mình khởi nghiệp và bản thân mình phải chạy theo “trend”. Khi bạn khởi nghiệp, sự chín mùi về thời gian và sự ủng hộ của gia đình cũng là những yếu tố quan trọng để bạn có thể khởi nghiệp thành công. 

Sau khi, đã nắm chắc những yếu tố trên lúc ấy bạn mới nên bước vào con đường khởi nghiệp và tạo lập kinh doanh. 

1.2 Bạn muốn làm gì sau khi sau khi mở công ty tại Nhật Bản ? 

Bạn muốn làm gì khi bắt đầu kinh doanh, bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp tạo ra những giá trị và giải quyết những vấn đề gì cho xã hội? Lời khuyên mà Hoa dành cho bạn là nên có một tầm nhìn nhất định trước khi bắt đầu kinh doanh, ngoài đặt câu hỏi tại sao bạn muốn bắt đầu kinh doanh, bạn cần phải phân tích ngành nghề, phân tích nhu cầu xã hội (xã hội đang cần gì, xã hội đang thiếu những gì?) và cảm nhận thực tế từ kinh nghiệm của bản thân.   

Tự mình đặt ra những giả định, những tình huống mà doanh nghiệp có thể gặp phải và tìm ra hướng đi tốt nhất để công ty của mình có thể sống sót và cạnh tranh với những đối thủ khác tại một môi trường khắc nghiệt như Nhật Bản 

1.3 Phân tích điểm mạnh điểm yếu, năng lực bản thân để khởi nghiệp 

Sau khi làm rõ những gì bạn muốn làm sau khi thành lập doanh nghiệp, Hoa khuyên bạn hãy suy nghĩ về các nội dung kinh doanh và kế hoạch kinh doanh cụ thể. Bằng cách trải qua một vòng về phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân ( ví dụ như xã hội đang thiếu nhân lực, bạn có thể tự phân tích điểm mạnh, yếu bản thân xem mình có thể khởi nghiệp trong mảng giới thiệu nhân lực hay không ?,…) 

Để rõ ràng hơn, bạn có thể tự vẽ cho mình một biểu đồ nhỏ thể hiện những yếu tố như “điều bạn muốn làm”, “điều bạn có thể làm”, “điều mà bạn làm tốt nhất” và “nhu cầu thị trường”. Sau khi liệt kê những yếu tố trên, bạn sẽ biết được lĩnh vực hoặc ngành nghề nào phù hợp với con đường khởi nghiệp của mình.  

1.4 Thủ tục để thành lập công ty ở Nhật 

Khi bắt đầu kinh doanh, có thể cần nhiều thủ tục pháp lý và giấy phép, và có rất nhiều việc phải làm. Tất cả các quy trình và thủ tục cần thực hiện Hoa liệt kê trong đường link bên dưới để các bạn tiện theo dõi.  

Xem thêm: https://phihoa.com/2020/09/15/huong-dan-thu-tuc-xin-visa-kinh-doanh-o-nhat-ban/

Các mô hình kinh doanh có thể chọn khi khởi nghiệp 

Một khi bạn đã có một ý tưởng khởi nghiệp vững chắc, bạn cần biết mình đang kinh doanh loại hình kinh doanh nào ? 

Có hai phương pháp kinh doanh chính để khởi nghiệp: 

Start-up: Một mô hình kinh doanh nhằm mục đích tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn để tạo ra một thị trường mới, phát triển nhờ huy động vốn 

Small-business: Mô hình kinh doanh mở rộng dần hoạt động kinh doanh tại thị trường hiện có, phát triển không cần huy động vốn theo từng thời kỳ, chỉ cần vốn đầu tư ban đầu 

Các công ty Start-up hướng đến những bước phát triển nhảy vọt dựa vào huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư. Mô hình start-up thường hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề có tính chất đổi mới, đột phá, v.v.  

Small-business gần với hình ảnh của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì nó vận hành công việc kinh doanh bằng cách huy động vốn vừa phải và không có nhiều rủi ro. Đặc thù của mô hình small-business là không cần huy động vốn qua từng thời kỳ, bạn có thể dùng vốn đầu tư ban đầu để kinh doanh và tiếp tục xoay vòng dòng tiền để tiếp tục vận hành doanh nghiệp của mình hoặc trong những tình huống có thể vay vốn từ ngân hàng. Với mô hình này không cần những bước nhảy vọt thật nhanh nên không cần liên tục kêu gọi, huy động vốn. 

Lời khuyên của Hoa là nếu bạn muốn đi theo mô hình start-up bạn cần phải tiếp cận với các Venture Capital, các NĐT ngay từ khi bắt đầu giai đoạn khởi nghiệp, còn khi bạn đi theo hướng Small-business thì điều này không quá quan trọng. Quan trọng là công ty bạn có thực sự mang được sản phẩm (dịch vụ) phục vụ xã hội hay không. Với mô hình Small-business, nếu công ty bạn có những lĩnh vực mới, bạn cũng có thể mở những start-up riêng tuỳ theo điều kiện vào thời điểm đó. 

Cả hai mô hình kinh doanh đều có những ưu / nhược điểm riêng, vì vậy bạn phải làm rõ lý do tại sao bạn bắt đầu kinh doanh và mục tiêu của bạn trước khi bắt đầu kinh doanh.

Các bước chuẩn bị khởi nghiệp khi còn đi làm thuê 

Hoa nghĩ cách tốt nhất để có thể chuẩn bị được cho việc khởi nghiệp tại Nhật Bản đó ngay khi bạn đang làm việc tại một công ty Nhật bản. Lấy ví dụ cụ thể từ bản thân, Hoa đã có dự định ấp ủ xây dựng ONE-VALUE INC.  ngay khi từ những ngày đầu gia nhập và làm việc tại công ty tư vấn Deloitte Tohmatsu với vai trò chuyên viên tư vấn chiến lược kinh doanh, 

Khi bạn đi làm sẽ có một mức lương ổn định, giúp cho chúng ta có sự an tâm nhất định về vấn đề tài chính và cộng với những yếu tố Hoa liệt kê bên dưới sẽ giúp các bạn khi bắt đầu khởi nghiệp sẽ vững tin hơn. 

3.1 Tạo kết nối trong và ngoài công ty 

Sau khi bắt đầu kinh doanh, về cơ bản bạn phải tự mình điều hành doanh nghiệp. Thường thì bạn sẽ dễ nản lòng. Trong trường hợp như vậy, bạn có thể dựa vào các mối quan hệ bên trong và bên ngoài công ty mà bạn có được khi còn là nhân viên của công ty ấy. Hãy suy nghĩ trước về những người mà bạn sẽ cần để bắt đầu khởi nghiệp của riêng mình và tích cực giao tiếp với họ trong thời gian bạn làm công ty. 

Tích lũy kiến thức khi khởi nghiệp là điều cần thiết

3.2 Tích lũy kinh nghiệm làm việc 

Khi là nhân viên văn phòng, dù bạn có thất bại thì tiền lương của bạn cũng không bị gián đoạn. Hãy nắm bắt cơ hội làm việc bằng cách chủ động thử thách, thất bại và học hỏi. Ở Deloitte Consulting Nhật Bản, Hoa đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm đáng quý, những bài học hữu ích cho việc khởi nghiệp sau này. Tuy nhiên, nếu bạn không có điều kiện tích luỹ kinh nghiệm trực tiếp, bạn có thể tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân qua việc học hỏi những người có kinh nghiệm, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó 

3.3 Tích luỹ tiền để khởi nghiệp 

Con đường khởi nghiệp không bao giờ có dấu chân của kẻ lười nhác. Để thành công, bạn cần tiết kiệm hơn, nỗ lực hơn. Khó khăn về vốn rất phổ biến với những start-up. Do đó, thời gian đầu tiên khi vốn còn hạn hẹp, doanh nghiệp cần giảm bớt chi tiêu. Có thể việc tiết kiệm sẽ khiến bạn cảm thấy kém thoải mái và chưa tiện nghi nhưng hãy cố gắng vượt qua nó. Bạn cần tiết kiệm bằng cách giảm chi tiêu cá nhân của mình, giảm những khoản chi cho các chuyến du lịch xa xỉ và dồn lực để kinh doanh vì tiền đang là ưu tiên hàng đầu lúc khởi nghiệp. Bạn cần phải tích luỹ tiền và thời gian để cho những kế hoạch thật chỉnh chu cho tương lai.

Những điều cần học khi tham gia khởi nghiệp

Doanh nhân hay những nhà khởi nghiệp sẽ luôn có rất nhiều điều để phải học hỏi. Nếu bạn quen thuộc với các lĩnh vực khác nhau cũng như nắm kiến ​​thức thực tế sẽ được giải thích dưới đây, Hoa tin kiến ​​thức đó có thể giúp bạn áp dụng trong việc phát triển start-up của mình. 

4.1 Marketing và kiến thức để bán hàng 

Peter Drucker-cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh thời hiện đại, nổi tiếng với câu nói : “Mục đích của việc kinh doanh là tìm kiếm và giữ khách hàng” và “Mục tiêu của marketing là khiến cho việc bán hàng trở nên dư thừa”. 

Như Drucker nói, marketing là biết và hiểu khách hàng tốt đến mức sản phẩm và dịch vụ cung ứng sẽ phù hợp hoàn toàn với khách hàng và tự nó sẽ được bán. Một cách lý tưởng, marketing sẽ dẫn đến kết quả là có khách hàng đã sẵn sàng mua. Khi đó toàn bộ công việc phải làm là đảm bảo cho sản phẩm hoặc dịch vụ luôn sẵn có. 

“Marketing” là một khái niệm được du nhập từ nước ngoài vào Nhật trong khoảng những năm 1950, và là một thuật ngữ đã được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp sản xuất. Vào thời điểm đó, cơ cấu công nghiệp chính là “công nghiệp sản xuất”. 71 năm đã trôi qua kể từ đó, và bây giờ “ngành công nghiệp dịch vụ” đang hỗ trợ cho ngành công nghiệp Nhật Bản. Sự thay đổi này đang thay đổi khái niệm về marketing của chính nó. 

Từ trước đến nay, marketing là để tăng giá trị của sản phẩm và bán “sản phẩm hoặc dịch vụ”, nhưng trong thời hiện đại, người tiêu dùng có thể tự mình biết được giá trị của sản phẩm họ quan tâm thông qua Internet. 

Huy động vốn khởi nghiệp như thế nào

Trong bối cảnh đó, điều rất quan trọng trong marketing trong tương lai là giá trị của dịch vụ nằm ở “tiêu dùng theo trải nghiệm”. Loại trải nghiệm nào, cảm nhận của khách hàng và cách tạo ra giá trị trải nghiệm thông qua dịch vụ là những ý tưởng rất quan trọng để marketing. 

4.2  10 quyển sách mà Hoa nghĩ sẽ rất thiết thực cho việc khởi nghiệp tại Nhật Bản của bạn 

Thu thập thông tin từ sách là phương tiện thu thập thông tin trực tiếp từ các chuyên gia giỏi với bề dày thành tích đã được kiểm chứng. Dưới đây là một số cuốn sách mà Hoa vô cùng tâm đắc và chính bản thân đã đọc một vài quyển để áp dụng cho start-up của mình.  

  • プロフェッショナルの条件――いかに成果をあげ、成長するか 

( Quyến sách được dịch từ quyển sách gốc The essential Drucker ; Tác giả : Peter Drucker) 

  • マイケル・ポーターの競争戦略  

(Tạm dịch: Chiến lược cạnh tranh của Michael Porter; Tác giả: Michael E. Porter) 

  • 競争優位の戦略―いかに高業績を持続させるか 

( Quyến sách được dịch từ quyển sách gốc Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors; Tác giả: Michael E. Porter) 

  • 学習する組織――システム思考で未来を創造する 

(Quyến sách được dịch từ quyển sách gốc The fifth discipline; Tác giả Peter Senge) 

  • リーダーになる 

(Quyến sách được dịch từ quyển sách gốc  On becoming a leader; Tác giả: Warren Bennis) 

  • 考える技術・書く技術―問題解決力を伸ばすピラミッド原則 

(Quyến sách được dịch từ quyển sách gốc The minto pyramid principle; Tác giả: Barbara Minto) 

  • 問題解決プロフェッショナル 

(Tạm dịch: Giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp; Tác giả: 齋藤 嘉則) 

  • 仮説思考 

(Tạm dịch: Tư duy giả thuyết; Tác giả: 内田 和成 ) 

  • 論点思考 

(Tạm dịch : Tư duy luận điểm; Tác giả : 内田 和成 ) 

  • V字回復の経営 

(Tạm dịch: Quản lý kinh doanh theo hình chữ V; tác giả: 三枝匡 ) 

Những quyển sách này không những giúp bạn có thể hiểu sâu về khởi nghiệp, về kinh doanh mà con giúp bạn có một tư duy kinh doanh, giỏi hơn về cách đi sale. Do vậy đây là những quyển sách mà Hoa cực kỳ tâm đắc. 

Thống kê về các trường đại học có nhiều người làm CEO nhất tại Nhật Bản 

Teikoku Databank công bố dữ liệu về bảng xếp hạng các trường đại học có số lượng sinh viên của các trường đã nắm giữ vị trí CEO của nhiều công ty và tập đoàn lớn tại Nhật Bản . 

Kết quả theo thứ tự là Đại học Keio thứ nhất, Đại học Waseda thứ hai và Đại học Tokyo thứ ba. Khi đến các trường đại học này, bạn có thể học nhiều thứ khác nhau như quản lý, kinh tế, luật,… cần thiết cho việc khởi nghiệp và khi ở trong một môi trường có nhiều người có chung đam mê và nhiệt huyết giống bạn. Chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận với những cơ hội hơn. 

Nếu các bạn là du học sinh tại Nhật Bản, chắc hẳn các bạn sẽ biết được người Nhật khá xem trọng việc bạn đến từ trường đại học nào. Theo Hoa định kiến này, đang dần được thay đổi. Hiện nay có rất nhiều chủ doanh nghiệp, những start-up triệu đô chỉ đến từ những ngôi trường rất bình thường. 

Làm thế nào để khởi nghiệp tại Nhật

Suy cho cùng, thành công của khởi nghiệp phụ thuộc lớn nhất vào động lực và nỗ lực của bản thân mình chứ không phải là điều gì khác. 

Tuyển nhân viên khi bắt đầu khởi nghiệp 

Khi bạn nghĩ về các nguồn lực quản lý, bạn có thể nghĩ ngay đến những thứ như “con người / sản phẩm / tiền bạc / thông tin”. Tuy nhiên, nguồn lực quản lý cũng bao gồm tài sản trí tuệ. Ví dụ như:  thương hiệu / dữ liệu / bí quyết / sức mạnh tổ chức hay là sáng chế. 

Trong số các nguồn lực quản lý đa dạng như vậy, lần này Hoa sẽ chia sẻ với bạn biết “con người” và “tiền bạc” quan trọng nhất trong quản lý. 

Một khi Hoa bắt đầu kinh doanh, Hoa không thể tự mình kinh doanh được. Hoa cần khách hàng cho các dịch vụ mà công ty Hoa phát triển, Hoa cần những đồng nghiệp có thể giúp Hoa mở rộng kinh doanh và Hoa cần những chuyên gia để có thể tham khảo ý kiến ​về việc quản lý. Để khởi nghiệp, sự kết nối với “con người” là không thể thiếu. Bạn có thể tìm kiếm những partner có cùng chí hướng khởi nghiệp giống mình và hợp tác với nhau. Khi bắt đầu khởi nghiệp, chúng ta không đủ tài chính để có thể thuê quá nhiều người do vậy lời khuyên của Hoa là hãy cố gắng tìm cho mình những đồng sự, những partner thay vì thuê người làm việc. 

Sau khi business của bạn đi vào ổn định, bạn có thể tìm kiếm nhân sự mới cho công ty qua những nền tảng khác. Tại Nhật Bản, một “hình thức tuyển dụng mới” trên Twitter đã ra đời và nhiều start-up, nhà quản lý khởi nghiệp, nhân viên chính các công ty đã và đang xây dựng thương hiệu bằng cách gửi tin nhắn tìm kiếm những cơ hội khởi nghiệp mỗi ngày. Do đó, bạn có thể kết nối được rất nhiều nhân tài qua các SNS.

Các cách huy động vốn ở Nhật 

7.1 Huy động vốn từ những người thân quen  

Khi bạn mới bắt đầu khởi nghiệp, bạn có thể huy động vốn từ những người tin tưởng bạn và hiểu rõ việc bạn đang làm như gia đình, bạn bè,… Hoặc bạn có thể kêu gọi bằng các hình thức huy động vốn từ cộng đồng. Crowdfunding là hình thức tài trợ cho một dự án hoặc liên doanh bằng cách tăng cường sự đóng góp tiền từ một số lượng lớn người tham gia, thường thông qua internet. Crowdfunding tạo cơ hội cho các doanh nhân huy động một số vốn lớn từ cộng dồng, hay cụ thể hơn là bất kỳ ai có tiền đều có thể đầu tư. 

7.2 Xin tài trợ từ các nhà đầu tư thiên thần( Angel Investor) 

Nhà đầu tư thiên thần là một cá nhân giàu có có thể tài trợ cho một công ty mới thành lập hay một dự án start-up. Các doanh nhân trước đây đã bước ra từ các công ty M & A hoặc các tập đoàn đầu tư, hoặc những người đã từng là chủ tịch của một công ty lớn, thường đầu tư vào việc phát triển thế hệ tiếp nối. Các Angel Investor có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn các quỹ đầu tư mạo hiểm, thường thì họ hiếm khi tham gia vào việc quản lý công ty và khuyến khích những nhà khởi nghiệp tự do quản trị kinh doanh. 

7.3 Vay tiền từ các tổ chức tài chính Nhà nước ở Nhật như JFC-日本政策金融公庫, tận dụng chế độ 創業支援融資 

“新創業融資制度”- được hiểu là chế độ cho vay khởi nghiệp của JFC rất phổ biến để huy động vốn tại thời điểm bắt đầu kinh doanh, nhưng điều khó khăn trong việc tiếp nhận hệ thống cho vay này là “自己資金要件”-điều kiện về vốn chủ sỡ hữu. Có thể khó vay vốn nếu bạn không có vốn chủ sỡ hữu khoảng 1 triệu yên. Ngoài ra, không thể thực hiện hành vi “見せ金”-(trước khi gây quỹ, vay tiền từ bạn bè và gia đình và thu về 1 triệu yên)” bởi vì JFC sẽ điều tra rất kỹ hồ sơ và các nguồn thu của bạn để chắc chắn rằng không có dòng tiền đột ngột vào tài khoản nhằm ngăn chặn những hành vi thu lợi bất chính. Vì vậy, bạn cần phải tự chuẩn bị tiền và sẽ phải giải trình cụ thể về quá trình tích luỹ của bản thân. 

Để biết thông tin về cách huy động vốn từ các ngân hàng và các quỹ đầu tư một cách rõ hơn, Hoa đã có 2 video nói về vấn đề này tại kênh Youtube PHI HOA-CHINH PHỤC NHẬT BẢN. 

Link cách gọi vốn trực tiếp phần 1: https://www.youtube.com/watch?v=3_91y… 

Link phần 2: Hoa nói về cách vay vốn 0% từ ngân hàng Nhật: https://youtu.be/Sohb6fWqwJM 

7.4  Tham gia các cuộc thi ý tưởng kinh doanh tại Nhật Bản 

Một trong những cách hữu hiệu để có thêm tiền khởi nghiệp đó là giành giải thưởng trong cuộc thi kinh doanh, nhận giải thưởng và sử dụng giải thưởng làm quỹ khởi nghiệp. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá quan trọng việc mình có giành giải hay không mà hãy tham gia với tinh thần rèn luyện và cố gắng ghi nhận những ý kiến góp ý cho ý tưởng khởi nghiệp từ BGK của cuộc thi và những người xung quanh. Đây là cơ hội tốt để bạn có thêm nhiều mối quan hệ mà có thể giúp ích cho con đường khởi nghiệp về sau 

7.5 Xin tài trợ từ Quỹ đầu tư mạo hiểm-Venture capital (VC) 

Nếu bạn muốn thành lập một công ty, bạn chắc chắn nên cân nhắc việc huy động vốn từ khoản đầu tư mạo hiểm. VC không chỉ đầu tư mà còn giới thiệu khách hàng và nguồn nhân lực / đối tác kinh doanh. 

Tuy nhiên, để nhận được một khoản đầu tư, cần phải suy nghĩ sâu sắc về kế hoạch kinh doanh và chuẩn bị thật tốt. Đây cũng chính là cơ hội để kiểm tra lại kỹ lưỡng doanh nghiệp và công ty của mình, bạn sẽ có thể phát triển doanh nghiệp của mình một cách xây dựng và nhanh chóng hơn. 

7.6 Vay tiền từ ngân hàng 

Sau khi bạn đã khởi nghiệp 3 năm thì đây có là thời điểm mà bạn có thể nghĩ đến việc vay tiền từ ngân hàng. Các khoản vay sẽ giúp hỗ trợ các nhu cầu về vốn một cách nhanh chóng, cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiếp cận nhiều cơ hội mới và phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vì là kênh truyền thống nên khi vay tiền từ ngân hàng bạn nên chuẩn bị trước những vấn đề sau: 

  • Phác thảo mục đích vay vốn kinh doanh 
  • Xây dựng lịch sử tín dụng tốt 
  • Chứng minh khả năng trả nợ của DN 
  • Tận dụng tài sản thế chấp nếu được yêu  

Ngoài ra cũng còn nhiều yếu tố khác bạn cần phải cân nhắc khi quyết định vay tiền từ ngân hàng.

Lời khuyên của Phi Hoa dành cho bạn muốn khởi nghiệp 

Từ đầu đến giờ, Hoa đã chia sẻ cùng bạn những việc cần làm để bắt đầu kinh doanh tại Nhật Bản, những thứ cần chuẩn bị và những điều cần học. Phải biết bản thân muốn gì, không chạy theo “trend”, biết được thị trường cần gì, nhu cầu đang ở đâu,… Và đặc biệt là phải biết từ bỏ. Từ bỏ những cuộc chơi, từ bỏ những mối quan hệ không cần thiết. Tập trung vào tiết kiệm tiền bạc, dành thời gian để tích luỹ thời gian. 

Cuối cùng, Hoa nhắn gửi với bạn rằng niềm tin của bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác để bắt đầu kinh doanh. Là một doanh nhân, hãy có niềm tin mạnh mẽ nhất và tiến về phía trước với niềm tin đó. Phi Hoa sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các bạn- những nhà khởi nghiệp trẻ vời đầy những ước mơ và hoài bão chinh phục Nhật Bản, những người sẽ đóng vai trò tích cực trong việc biến ngày mai trở thành một xã hội tốt đẹp hơn. Chúc các bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công! 

Trong video dưới đây Phi Hoa có chia sẻ cụ thể các vấn đề và giải đáp một số thắc mắc của các bạn về vấn đề khởi nghiệp tại Nhật, nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan bạn có thể gửi thông tin về [email protected] để được giải đáp nhanh nhất nhé!

Có thể bạn cũng quan tâm

🌻Giới thiệu Dự án Lao động kỹ năng đặc định (Tokutei) ngành xây dựng 2021

🌻4 hình thức du học Nhật Bản bạn cần biết!

🌻Du học Nhật Bản: Một số lưu ý quan trọng về chi phí, trường học và làm thêm!

🌻Du học Nhật: Chuyện sinh viên ngủ gật trong giờ học!

🌻Chuyện du học: Quá trình Hoa thi đỗ học bổng MEXT!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé:

🌻Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

🌻Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

🌻Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *