“Lát nữa đi” – lời hứa suông của cha mẹ có thể khiến con trẻ bị tổn thương

hinh-anh-lat-nua-di-loi-hua-suong-cua-cha-me-co-the-khien-con-tre-bi-ton-thuong

Nuôi dạy con trẻ chưa bao giờ là việc đơn giản với bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Trẻ nhỏ dù vô tư nhưng cũng lại dễ dàng bị tổn thương bởi những câu nói vô ý từ người lớn. “Lát nữa đi” – câu nói tưởng chừng như bình thường và vô cùng đơn thuần kia, đối với trẻ nhỏ lại có một sức “sát thương” lớn, có thể khiến tâm hồn non nớt của trẻ bị tổn thương

Hãy đến với bài viết sau và cùng Phi Hoa phân tích tác hại của những lời hứa suông từ các bậc phụ huynh đến với tâm lý – hành vi của trẻ nhỏ và cách khắc phục nhé!

Trẻ bị tổn thương đơn thuần vì một câu nói “Lát nữa đi”

Bạn đang gấp gáp thay đồ cho nhanh để kịp giờ làm thì bỗng dưng bé con lại tới níu tay và nũng nịu: “Ba ơi xem cái này đi, xem cái này đi”? Bạn đang chăm chú nấu cơm trong bếp thì con lại gọi: “Mẹ ơi lại đây nghe nè, nghe cái này nè”?

Trong những lúc như thế, một số phụ huynh bày tỏ sự xót xa khi đành hẹn “Khi khác nha con” vì không thể ưu tiên thời gian cho trẻ. Tuy nhiên cũng có phần lớn cha mẹ lại cảm thấy bình thường với những câu nói qua loa, mang tính chất đối phó như:“Lát nữa đi con”, “Một tí nữa nha”, “Để sau nha”.

Tuy nhiên, bà Moeko Ohno – Giám đốc Đại diện của Tổ chức Hỗ trợ Sức khỏe Tinh thần Nhật Bản đã chỉ ra rằng “Một lời nói qua loa cũng giống như một lời hứa suông”… “Chính vì vậy, tốt nhất là đừng vội hứa bừa hẹn đại về điều gì cả”.

Tương tự, nếu bạn đã hứa với con trẻ rằng một lát nữa, bạn sẽ nghe câu chuyện của con sau khi nấu ăn hoặc một tí nữa sẽ xem bộ tranh ghép hình con làm, thì nhất định bạn phải thực hiện. Vì đối với trẻ nhỏ, “Một lát nữa”, “Một tí nữa” chính là một lời hứa từ cha mẹ, nếu cha mẹ cứ liên tục thất hứa thì dần dần con cái sẽ mất niềm tin vào cha mẹ. Khi đó, sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề trong quá trình khôn lớn của con.

Những lời hứa suông của cha mẹ ảnh hưởng thế nào đến trẻ nhỏ?

Dieu gi se xay ra voi mot dua tre cu bi cha me noi suong "Lat nua di"
Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ cứ bị cha mẹ nói suông “Lát nữa đi”

Trong cuộc sống, lời hứa là sự xác tín, trách nhiệm và niềm tin, đặc biệt đối với con trẻ, việc giữ lời hứa lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu ba mẹ giữ lời hứa với con ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt thì con sẽ ngày càng tin tưởng vào cha mẹ. 

Ngược lại, nếu phụ huynh cho rằng con trẻ chóng quên mà không giữ lời hứa, thì chắc chắn sẽ khiến niềm tin của con đối với cha mẹ bị lay động. Từ đó gây nên những ảnh hưởng không nhỏ trong tâm lý của con em mình. Vậy, điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ cứ bị cha mẹ nói suông “Lát nữa đi”?

Mất đi hứng thú và động lực

Thử nghĩ xem trẻ bị tổn thương như thế nào khi phấn khích khoe với ba mẹ rằng: “Ba mẹ ơi lại đây xem! Con nhảy dây được rồi nè!”, “Con vừa xếp được chồng gỗ rất cao nè”, “Con vừa vẽ được một bức tranh nè” nhưng chỉ nhận lại thái độ “cho qua” của cha mẹ?

Nhà tâm lý học lâm sàng Eiko Kawai cũng lên tiếng về vấn đề này: “Dù bạn có bận rộn đến đâu, nếu bạn phớt lờ và hờ hững nói “Lát nữa đi” với con vào thời điểm này, sự tự tin và cảm xúc thăng hoa của trẻ sẽ tụt giảm không phanh. Dần dần trẻ sẽ mất đi động lực của mình”. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh hãy dành chút thời gian, động viên con nhỏ mỗi khi bé hào hứng khoe về thành tích của mình, thay vì gạt đi và nói “Để sau”.

Dần quên mất cách lắng nghe

Masanobu Takahama, Đại diện của Hanamaru Study Group cho biết rằng: “Gia đình là một lớp học để trẻ học cách lắng nghe mỗi ngày”. Takahama cũng nhấn mạnh “Trên trường lớp, trẻ được dạy phải biết nhìn vào mắt cô giáo khi đang lắng nghe cô giảng bài. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên vô nghĩa nếu như ở nhà, cha mẹ lại không nhìn thẳng vào mắt con cái khi nói chuyện”.

Cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, cha mẹ biết lắng nghe, thì con cái cũng sẽ học được cách lắng nghe. Ngược lại, khi cha mẹ luôn tìm cách lờ đi những câu chuyện của con trẻ, đứa trẻ ấy cũng sẽ lớn lên một cách lãnh cảm, sẽ chẳng biết lắng nghe cũng như chia sẻ cùng mọi người xung quanh.

Xa cách và không muốn nói chuyện với cha mẹ

Giao tiếp trong gia đình là nền tảng cơ bản và vô cùng quan trọng cho sự phát triển các mối quan hệ xã hội sau này của trẻ. Tuy nhiên, nếu con đang cố gắng tìm đến cha mẹ để trò chuyện nhưng lại bị ngắt lời bằng một câu nói đầy thờ ơ: “Để sau nha” hoặc sự hững hờ, thiếu tập trung của cha mẹ, thì trẻ nhỏ sẽ dần cảm thấy khó chịu với việc giao tiếp. Từ đó, ngày một xa cách và không còn muốn trò chuyện cùng cha mẹ như trước nữa.

Tre nho se tro nen xa cach va khong con muon tro chuyen cung cha me
Trẻ nhỏ sẽ trở nên xa cách và không muốn trò chuyện cùng cha mẹ

Có xu hướng tìm người thay thế vị trí của cha mẹ

Trong cuốn sách nuôi dạy con cái của Masami Sasaki – bác sĩ tâm lý trẻ em, đã đề cập đến việc ngày càng có nhiều trẻ em cố gắng thu hút sự chú ý của các giáo viên mẫu giáo trong trường bằng các cách tiêu cực như nghịch ngợm, cố ý gây khó chịu, thậm chí là phá phách,…

Sở dĩ trẻ làm vậy vì chúng đã có quá nhiều nỗi cô đơn và khoảng trống trong tâm hồn, do hậu quả của việc nhiều lần bị cha mẹ từ chối. Vì thế, các con đã có những hành động tiêu cực trên để có được sự quan tâm của cô giáo như một người mẹ thứ 2 và có thể lấp đầy cảm xúc của mình. 

Sử dụng một “Lát nữa đi” khác để hạn chế việc tổn thương trẻ nhỏ

Một lời nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt như “Lát nữa đi” không ngờ lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sự phát triển của con nhỏ đến vậy. Thế nhưng đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không khỏi tránh được những ngày bận rộn, hay những công việc khó lòng mà gác lại ngay được. 

Vậy, làm sao để có cách trả lời con mà không gây tổn thương trẻ nhỏ? Hãy cẩn trọng trong thái độ, lời nói, đồng thời sử dụng “Lát nữa đi” với phiên bản hiệu quả hơn cụ thể như:

Đừng ngại giải thích với con vì sao ba mẹ chưa thể làm việc này bây giờ

Kyoko Iwatate, một Giáo sư tại Đại học Tokyo Gakugei, chuyên về tâm lý học phát triển và giáo dục mầm non từng chia sẻ: Các cha mẹ nên tránh việc nói cộc lốc trống không với trẻ. Thay vào đó, hãy dạy trẻ khả năng “trì hoãn sự hài lòng” bằng việc bày tỏ sự đồng cảm, đồng thời kiên nhẫn giải thích cho con hiểu rằng vì sao mình chưa thể chơi cùng bé lúc này.

Khi học được cách bình tĩnh và tiết chế lại mong muốn của mình, bé sẽ biết chờ đợi và nhẫn nại thay vì nằng nặc đòi cha mẹ bằng được.

Cho con biết rằng ba mẹ vẫn luôn lắng nghe con

Đôi khi, dù không bận rộn nhưng cũng chưa thực sự sẵn sàng để lắng nghe câu chuyện của con, ba mẹ có thể làm theo cách mà nhà tâm lý học lâm sàng Fukuda đã gợi ý: “Một mặt bạn vẫn thể hiện mình đang lắng nghe con. Một mặt, bạn cố gắng tạm dời câu chuyện vào lúc khác”.

Hãy đồng điệu với câu chuyện của con và chứng minh rằng mình vẫn đang tập trung vào những gì con đang kể, bằng cách cảm thán như “Ồ vậy hả con?” “Chà hay ghê, thú vị ghê!” “Con cảm thấy vậy luôn hả?”

Hay tim cach cho con biet rang: Cha me luon lang nghe con
Hãy tìm cách cho con biết rằng : Ba mẹ vẫn luôn lắng nghe con

Ngoài ra, nếu ba mẹ thực sự không có thời gian để tiếp tục “bị” cuốn vào câu chuyện của con thì hãy cố gắng hiểu đại khái điều trẻ muốn kể là gì. Sau đó nhẹ nhàng gợi ý con: “Ba/mẹ cũng muốn nghe tiếp về chủ đề này nhưng thời gian không cho phép. Con có thể kể sau cho ba mẹ được không?”. Với cách thể hiện này, trẻ nhỏ sẽ cảm nhận được rằng ba mẹ vẫn luôn chăm chú lắng nghe câu chuyện của mình, dẫu rằng nó chưa thực sự kết thúc.

Quy tắc “1 phút gắn bó”

Đừng trì hoãn hay ngó lơ đi khi một đứa trẻ yêu cầu. Hãy luôn sẵn sàng dành chút thời gian thực hiện những yêu cầu nhỏ nhặt của con, tuy 1 phút chẳng đáng là bao nhưng đã đủ để khiến bé con hài lòng và ít vướng bận tay chân hoặc không ngừng làm phiền cha mẹ.

Nếu cha mẹ tiếp tục buông lời cộc lốc “Lát nữa đi con” “Để sau nha con” sẽ dần khiến trẻ rơi vào cảm giác tuyệt vọng, thậm chí nhiều bé còn cảm thấy như đang bị “bỏ rơi”.

Bài viết trên là những chia sẻ của Phi Hoa về cách nuôi dạy con trẻ và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa với con trẻ. Trẻ nhỏ là những tâm hồn mỏng manh cần được yêu thương, quan tâm, lắng nghe. Chính vì vậy, ba mẹ và người lớn hãy học cách lắng nghe con trẻ, đừng để những hành động nhỏ, những lời nói vô ý khiến trẻ bị tổn thương!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé:

Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bảnhttps://bit.ly/3hm6pBH

Youtube những chia sẻ của Hoahttps://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *