Chưa đầy 2 tháng nữa là đến tháng 4-mùa tựu trường ở Nhật. Trong không khí mùa xuân tràn ngập sắc hoa anh đào, cùng nắm tay ba mẹ háo hức đến trường tiểu học dự lễ khai giảng (Nyugakushiki) vào lớp 1, ắt hẳn sẽ là 1 kỉ niệm đẹp không bao giờ quên của các con. Để con có thể bắt đầu 1 năm học mới đầy niềm vui, trải nghiệm những giờ học thú vị cùng thầy cô và bạn bè ở 1 ngôi trường mới, chắc chắn không ít ba mẹ đã lo chuẩn bị tươm tất cho con từ năm trước rồi. Với kinh nghiệm có con nhỏ bước vào tiểu học năm vừa qua, admin hiểu được những bỡ ngỡ, lo lắng của các bạn đang có con chuẩn bị vào lớp 1 năm nay. Vì vậy, admin hi vọng qua bài viết này có thể cung cấp được một số thông tin cần thiết nhất.
Nếu con của bạn có ngày sinh trong khoảng từ ngày 2/4/2016 đến ngày 1/4/2017 thì tháng 4 năm nay (2023), con sẽ bắt đầu vào học tiểu học. Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, ba mẹ cần phải làm gì? Sau đây là hành trình của nhà admin.
1. Chuẩn bị tâm lý cho con
Sau khi nhận được giấy thông báo quyết định trường học từ shiyakusho, vợ chồng admin cùng con đến trường để con tận mắt nhìn thấy trường tiểu học sắp tới mình sẽ học trông như thế nào? có gì thú vị ở đó…và giải thích vì sao không học ở trường cũ nữa mà chuyển sang trường tiểu học này. Trẻ con thường tò mò, thich khám phá những điều mới mẽ, vì vậy mình đã tận dụng nó để khơi dậy sự háo hức, mong sớm được vào trường mới học, thay thế cái cảm giác lo lắng trong con, như sợ xa trường lớp bạn cũ, sợ học ở 1 nơi xa lạ…
Trong lần gặp đầu tiên này, vì chỉ có nhà admin và thầy giám hiệu nên tiện trò chuyện làm quen với nhà trường và trình bày sơ về gia cảnh của mình. Qua đó, admin cũng nắm được tình hình trường học sắp tới của con, đặc biệt khi biết được có học sinh người Việt đang học lớp mấy tại trường, admin cảm thấy vui và yên tâm phần nào. Vì sao? Vì trường đang có học sinh người Việt thì chắc chắn thầy cô cũng sẽ có kinh nghiệm dạy học trong 1 lớp không phải chỉ có học sinh Nhật.
Đa số thầy cô này đều hiểu được sự khác biệt văn hóa hay thói quen của học sinh Việt nên sẽ có những hướng dẫn cụ thể, những phương pháp truyền đạt riêng cho con để con sớm quen và hòa nhập với trường lớp. Khi nghe có anh chị người Việt đang học ở trường này, con mình vui và tự tin hẳn lên, khác với sự rụt rè ban đầu, vì con biết được con không hề cô độc trong ngôi trường mới này.
2. Điều chỉnh lại lịch sinh hoạt hàng ngày của con
Khi con vào tiểu học thì bạn phải điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt của con để con thích nghi dễ dàng với môi trường mới. Nếu ở mẫu giáo (Hoikuen), con được ngủ trưa thì lên tiểu học con phải làm quen với việc không có giờ ngủ trưa nữa. Ngoài ra, để con không bị bỡ ngỡ khi vào trường tiểu học, ad nghĩ nên tập cho con làm quen dần với giờ giấc sinh hoạt mới và trang bị những kỹ năng cần thiết cho con. Cụ thể như sau:
3. Thời gian chuẩn bị hồ sơ
Song song với việc rèn cho con khả năng tự lập, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1, bạn cũng cần lưu ý về thời gian chuẩn bị hồ sơ cho con.
Vì 2 con của admin được đưa sang Nhật vừa đúng độ tuổi vào tiểu học nên không học mẫu giáo (Hoikuen) tại Nhật. Nếu bạn nào có con đang học mẫu giáo trường Nhật thì trình tự chuẩn bị sẽ hơi khác ở chỗ chuẩn bị từ tháng 10 năm trước, lúc con còn đang học mẫu giáo nhé.
- Tháng 10: nộp Đơn Chọn trường tại văn phòng tiếp nhận của trường tiểu học mình chọn.
- Giữa tháng 11: Thông báo về tình trạng nộp đơn.
- Cuối tháng 11: hết hạn nộp Đơn Chọn trường.
Trường sẽ gửi giấy thông báo về việc đi khám sức khỏe vào một ngày nhất định do quận tổ chức. Hãy cố gắng thu xếp công việc để đi cùng con nhé. Vào buổi khám sức khỏe, phụ huynh và bé sẽ được phỏng vấn, chủ yếu là để hỏi tình hình tâm lý và sức khỏe của bé có sẵn sàng vào lớp một chưa, chẳng hạn bé có khó khăn gì khi phát âm không, khi vào lớp 1 cần hỗ trợ gì đặc biệt không, nếu bé là người nước ngoài thì có gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Nhật không, v.v…
- Đầu tháng 12: Đối với trường hợp nộp đơn trái tuyến, trường sẽ thực hiện bốc thăm tuyển chọn nếu có quá nhiều đơn lựa chọn vào 1 trường.
- Giữa tháng 1: Thông báo kết quả.
- Tháng 2 và 3: Tổ chức gặp mặt phụ huynh sẽ có con nhập học lớp 1, giới thiệu tổng quan về trường, các vật dụng cần chuẩn bị và ngày trường khai giảng.
4. Mở một tài khoản ngân hàng
JAPAN POST BANK (yucho- ゆうちょう) hoặc ngân hàng nào đó do trường chỉ định. Tài khoản này dùng để chuyển tiền ăn trưa, phí hội phụ huynh (PTA), phí hoạt động ngoại khóa… Thường thì nhà trường sẽ gửi thông báo trước cho phụ huynh là ngày nào, sẽ trừ trong tài khoản tiền gì, để phụ huynh chuẩn bị tiền có sẳn trong tài khoản.
5. Chuẩn bị các vật dụng cần thiết (mua và dán nhãn)
Khi nhận được một danh sách các đồ đạc cần chuẩn bị, ad vô cùng ngạc nhiên vì bé chỉ mới học lớp 1 thôi mà đã có quá nhiều đồ, liệt kê ra cũng phải đến gần chục chiếc túi và khăn các loại, như túi đựng đồ cá nhân, túi đựng giày đi trong trường (uwagutsu), túi đựng quần áo thể dục, túi đựng khăn, bàn chải, ly, túi đồ dùng cho bữa ăn trưa, túi đựng nón bảo hiểm khi động đất,… Mỗi loại còn có cả kích thước và yêu cầu đặc biệt riêng.
Admin đã khá bối rối không biết nên mua những món đồ đó ở đâu nhưng rất may mắn là đã được thầy cô hướng dẫn tận tình luôn chổ để mua. Nếu không có thời gian đi mua, bạn có thể đăng kí nhờ trường mua giúp luôn cả combo cho con là tiện nhất. Trường hợp muốn tiết kiệm chi phí tối đa, bạn có thể ưu tiên tìm mua ở shop 100 Yên, món đồ nào không có thì có thể tìm ở các cửa hàng văn phòng phẩm gần nhà.
Trong danh sách các vật dụng cần chuẩn bị do nhà trường phát, thường sẽ ghi rỏ những món đồ nào trường sẽ phát cho con vào tháng 4, những đồ nào phụ huynh cần mua. Sau đây là danh sách các vật dụng cần mua và dán nhãn:
- Cặp sách hoặc cặp da chống gù (Randoseru): tùy theo trường có thể khác nhau. Có trường không bắt buộc phải mua cặp có logo của trường, loại nào cũng được. Nếu có điều kiện kinh tế, bạn có thể mua Randoseru với màu sắc và hoa văn con thích trên các trang bán hàng online như Amazon, Rakuten,… hoặc đến mua trực tiếp tại Nitori, hay các trung tâm thương mại như AEON,… Trường hợp muốn tiết kiệm và không ngại dùng đồ tái sử dụng, bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng đồ cũ, hoặc xin lại từ bạn bè, người quen.
- Giày đi trong trường (uwagutsu/ uwabaki) và túi đựng giày: nên xác nhận với trường xem có quy định riêng về màu sắc của giày hay không vì nếu giày mang ở lớp mẫu giáo của con còn vừa thì bạn có thể không cần mua mới.Bạn có thể mua ở các shop bán đồ trẻ em hoặc đặt mua online)
- Đồng phục đến trường: tùy theo trường học sẽ có quy định mặc đồng phục hay không. Nếu có quy định mặc đồng phục thì theo ad, bạn nên đăng kí mua tại trường sẽ tiện hơn.
- Đồng phục thể dục và túi đựng : bạn có thể tự mua cho con. Trường hợp của ad là đăng kí đồng phục thể dục tại trường để được nhà trường thêu sẵn tên của con lên áo và quần thể dục luôn. Túi đựng bạn tự mua được vì dễ tìm tại shop 100 Yên hoặc các cửa hàng văn phòng phẩm.
- Khăn tay: dùng để lau tay, mồ hôi, nên chuẩn bị khoảng 5 cái để con thay mỗi ngày. Shop 100 yên có nhiều mẫu khăn tay đẹp cho con tha hồ lựa chọn.
- Dụng cụ học tập:
+ Hộp đựng viết : Một số trường tiểu học có quy định hộp bút không có hình họa tiết. Nên chọn loại nào có nắp đậy hoặc có chấu cài vào vì trẻ con hay nghịch dễ bị rơi ra.
+ Bút chì, tẩy, thước, đồ chuốt bút chì. Bút chì (B hay 2B) – 3 cây màu đen và 1 cây màu đỏ. Ở Nhật các con cần dùng bút chì đỏ trong lớp hàng ngày để sửa bài nên bạn đừng quên mua cho con nhé. Lưu ý : đa số bút chì bấm (bút chì kim) và cây gôm tẩy được dùng phổ biến ở Việt Nam thường bị cấm ở 1 số trường tiểu học tại Nhật, chẳng hạn như trường học con của admin. Theo kinh nghiệm của admin, không nên mua bút chì ở cửa hàng 100 yên vì chất lượng không tốt, khi chuốt hay bị gãy ngòi, tuy giá rẻ nhưng khó dùng.
+ Hộp đựng đồ thủ công
+ Hộp bút màu
+ Dụng cụ làm thủ công (kéo, hồ/keo dán… )
+ Bộ đồ dùng ăn trưa tại trường: túi đựng đồ dùng, khăn trải bàn ăn, khăn mặt nhỏ, khăn giấy/ khăn ướt , cốc nhựa, bàn chải đánh răng và túi đựng (tùy theo yêu cầu của trường và nhu cầu của bé) dùng để vệ sinh răng miệng sau khi ăn trưa.
- Còi báo động (bohanbuza): ad thấy hầu hết các bé tiểu học ở Nhật đều có gắn còi này trên cặp nên cũng chuẩn bị cho con để yên tâm chứ trường học không bắt buộc. Bạn có thể mua ở shop 100 Yên nhưng ít mẫu đẹp hoặc mua online những mẫu con thích.
Tất cả các vật dụng từ nhỏ đến lớn đều phải dán nhãn tên của con. Mình thấy các bà mẹ Nhật thường đặt mua 1 bộ con dấu tên để in tên của con lên tất cả các đồ dùng. Bộ này sẽ in tên con của bạn theo nhiều kích thước (size) khác nhau từ bé đến lớn để phù hợp với các loại vật dụng, sách vở của nhà trường. Hoặc bạn có thể mua các tem dán tên ở shop 100 Yên để con tự tập ghi tên và dán, như trường hợp của ad. Con sẽ rất thích và biết giữ gìn đồ dùng của mình hơn nếu con bạn tự dán và viết tay nhé.
Như vậy, cơ bản là bạn có 4 việc cần chuẩn bị khi con đang ở giai đoạn tiền tiểu học rồi nhé. Hi vọng mùa tựu trường sắp tới đây, các bậc phụ huynh sẽ cùng con có 1 bước ngoặc đáng nhớ trong trang sách tuổi thơ màu hồng của con.