Nhật Bản qua 2 kỳ Olympics

Mới đây vào ngày 8/8/2021, lễ bế mạc với chủ đề Worlds We Share (Thế giới chúng ta chia sẻ) đã chính thức khép lại Olympic Tokyo 2020. Đây là lần thứ hai Tokyo đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới; sau lần đầu tiên vào năm 1964. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo nhận nhiều phản hồi trái chiều. Vậy lý do gì khiến Nhật Bản kiên quyết tổ chức Olympic dù đã bị hoãn một năm? Dưới góc nhìn của một người dân sống ở Nhật Bản, Hoa có một vài quan điểm của bản thân về Olympics tại Nhật nói riêng; và tiềm năng của nó đối với thế giới nói chung.

Nội dung chính

Olympics và tham vọng nâng cao vị thế quốc gia của các nước chủ nhà

Olympics – Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh

Thế vận hội Olympic là một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Đó là ngày hội tranh tài ở nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một đại hội thể thao không chỉ là đua sức thể lực mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Thế vận hội được tổ chức xen kẽ, cách nhau 2 năm (vào các năm chẵn). 

Lợi ích đạt được từ việc đăng cai thế vận hội

Nếu chỉ xét đến Lợi nhuận thu được từ việc đăng cai Olympic; thì thực sự doanh thu trực tiếp mang lại không đáng kể là bao so với chi phí mà các nước chủ nhà đã bỏ ra. Chi phí tổ chức các kỳ Olympic lịch sử đều dao động từ vài tỷ đến vài chục tỷ đô la. Điển hình, là Olympic Bắc Kinh 2008 đã ngốn hết gần hơn 45 tỷ đô la; hay Olympic Sochi 2014 tổ chức với tổng chi phí đầu tư hơn 51 tỷ đô la. Thế nên nếu chỉ nhìn vào những con số doanh thu ở mức 5-8 tỷ đô la như thống kê dưới đây, thì có vẻ việc đăng cai Olympic là thương vụ đầu tư tệ hại.

Các nguồn lợi nhuận từ Olympic

Tuy nhiên, có vẻ các nước chủ nhà lại kỳ vọng vào những lợi ích gián tiếp lớn hơn sau thời gian đăng cai các kỳ Thế vận hội. Việc đăng cai Thế vận hội Olympic có một tác động tích cực đến du lịch, cơ hội việc làm và cơ sở hạ tầng của các thành phố đăng cai và các vùng lân cận.

Tăng trưởng kinh tế rõ rệt tại các quốc gia đăng cai Olympics.

Qua dữ liệu của bốn kỳ Thế vận hội Olympic Vancouver 2010, London 2012, Sochi 2014 và Rio 2016; một nghiên cứu gần đây của công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers cho thấy rằng: Trong bảy năm chuẩn bị cho Thế vận hội, cả bốn quốc gia đăng cai đều đạt tăng trưởng kinh tế (GDP). Chi tiêu cho Vancouver 2010 đã tăng GDP của Canada thêm 3,4 tỷ đô la (Canada) trong giai đoạn 2003-2010; sự tăng trưởng tương tự cũng được chứng kiến ở Anh trước London 2012 (13,8 tỷ Bảng Anh); tại Nga trước Sochi 2014 (9,5 tỷ đô la Mỹ); và tại Brazil trước Rio 2016 (37,1 tỷ real).

Nhiều cơ hội việc làm được tạo ra

Thế vận hội cũng tạo ra những cơ hội có 1-0-2 cho doanh nghiệp nhỏ và những người thất nghiệp. Điển hình như hơn 8500 việc làm được tạo trong ngành du lịch; 2000 việc làm được tạo cho người thổ dân tại Olympic Vancouver 2010; hay 2200 doanh nghiệp nhỏ trở thành những nhà cung cấp/tài trợ cho Thế vận hội Rio 2016. 

Liệu đây có phải là lý do Nhật Bản kiên quyết tổ chức Olympics 2020?

Olympic đã mang lại rất nhiều sự thay đổi cả về diện mạo lẫn kinh tế cho thành phố tổ chức. Lần theo lịch sử Olympic vào năm 1964, Hoa dần hiểu ra được lí do tại sao Nhật Bản mong muốn đứng ra tổ chức thế vận hội năm nay. Liệu có phải vì lợi ích đất nước hay không? Cùng đọc tiếp những dòng bên dưới để trả lời cho câu hỏi trên của Hoa.

Nhật Bản và 2 mùa đăng cai Olympics

Ký ức về Olympics mùa hè 1964

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Nhật Bản

Vào 57 năm trước, Thế vận hội đầu tiên được tổ chức tại châu Á do Nhật Bản đăng cai. Nó đã tạo nên một sự “bùng nổ” cả về thể thao, kinh tế và môi trường. Hơn hai triệu vé được bán ra, khán giả phủ kín chỗ ngồi tại tất cả các sự kiện trong nhà và ngoài trời. Bao gồm lễ khai mạc, lễ bế mạc và các sự kiện thể thao. Có đến 93 quốc gia tham dự Olympic Tokyo 1964. Đây là con số đông đảo nhất của một kỳ Olympic, tính đến thời điểm đó. Đó cũng là lần đầu tiên Olympic được phát sóng vệ tinh trên toàn thế giới. Thu hút đến khoảng 800 triệu lượt xem. Olympic 1964 trở thành kỳ đại hội thể thao đắt giá nhất lịch sử tính đến thời điểm đó.

Sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Nhật Bản sau Olympics 1964

Thế vận hội năm 1964 thường được nhắc đến trong các câu chuyện kể về việc Nhật Bản “Vươn lên như phượng hoàng từ đống tro tàn”. Robert Whiting- một nhà văn người Mỹ từng miêu tả trước Olympic 1964: “Tokyo là một vùng đất ô nhiễm và nhiều khói bụi. Dòng người bất tận xếp hàng để nhận trợ cấp thực phẩm”. Điều này phần nào do ảnh hưởng của chiến tranh Thế giới thứ hai.

Olympic 1964

Thế vận hội năm 1964 diễn ra vào thời điểm quan trọng như vậy trong lịch sử Nhật Bản. Chính nó đã mở đường cho nhiều năm phát triển nhanh chóng và tái hòa nhập toàn cầu thành công. Kể từ đó, nền kinh tế Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ và thăng hạng trên bản đồ GDP thế giới. Đỉnh cao sau đó là nước Nhật đã vượt lên đứng thứ 2 thế giới về GDP. Có lẽ vì vậy, Thế vận hội ngày nay có một vị trí đặc biệt trong trí tưởng tượng của công chúng Nhật Bản.

Sự trắc trở của Olympics 2020

Khi được thông báo vào năm 2013 rằng Tokyo sẽ một lần nữa đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè vào năm 2020. Thủ tướng Abe Shinzō bày tỏ sự phấn khích; và hy vọng rằng: Sự kiện có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực ở Nhật Bản thế kỷ XXI.

Trong bài phát biểu trước IOC, Abe nói: “Khi tôi nhắm mắt lại, những cảnh sống động từ Lễ khai mạc ở Tokyo năm 1964 quay trở lại trong tôi. Tinh thần Olympic cũng dạy chúng tôi rằng di sản không chỉ là về các tòa nhà; thậm chí không phải về các dự án quốc gia. Đó là về tầm nhìn toàn cầu và đầu tư vào con người”. 

Tuy nhiên, Olympics đã không diễn ra theo dự kiến bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Dịch Covid-19 khiến lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm của Thế vận hội, IOC phải hoãn sự kiện lại một năm. Điều này để đảm bảo sự an toàn cho tất cả người tham gia.

Một năm sau, tức năm 2021, song hành cùng với thời gian đến gần sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này là số ca lây nhiễm ngày càng tăng lên tại Nhật Bản. Chủng Covid biến thể mới lây lan một cách chóng mặt. Trong một ngày tại Nhật Bản, có hơn 1000 ca nhiễm mới. Tình trạng này dấy lên lo ngại về sự lây nhiễm không thể kiểm soát nếu tổ chức Olympics vào thời điểm này.

Nhật Bản vẫn kiên quyết tổ chức Olympic sau 1 năm hoãn lại, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn kiên quyết tổ chức Thế vận hội năm nay theo như lịch trình đã công bố (từ 23-7 đến 8-8). Quyết định để Nhật Bản đăng cai Thế vận hội đã nhận được sự chỉ trích dữ dội trên các phương tiện truyền thông; và không nhận được sự đồng tình của công chúng.

Vào ngày 23/7 vừa qua; sau nhiều cân nhắc, đắn đo, Olympic Tokyo 2020 diễn ra theo đúng kế hoạch. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử, những trận đấu được mong chờ sẽ diễn ra mà không có khán giả đến xem trực tiếp. Tại một số địa phương khác, bao gồm Fukushima sẽ có số lượng hạn chế người hâm mộ được tham gia các sự kiện. Mặc dù các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt để phòng chống dịch bệnh; nhưng không thể phủ nhận về nỗi lo dịch bệnh COVID-19 vẫn bao trùm lên Olympic Tokyo 2020.

Olympics 2020: có “thế vận” nhưng không có “hội”

Nhật Bản kiên quyết tổ chức thế vận hội vì lí do gì?

Chính quyền của Thủ tướng Suga rất kiên định trong việc tổ chức Olympic Tokyo 2020; vì họ đã đầu tư cả về tài chính lẫn mong mỏi chính trị vào sự kiện này. Nếu Olympic bị hủy bỏ có nghĩa là 26 tỷ USD đã bỏ ra sẽ mất trắng.

Ngoài ra, có lẽ Thủ tướng Suga hy vọng chính quyền của ông sẽ càng nâng cao được vị thế; nếu tổ chức thành công Thế vận hội bất chấp đại dịch. Sau đó, Thủ tướng Suga có thể quyết định tổ chức cuộc bầu cử vào Hạ viện vào tháng 8; trước khi ông phải đối mặt với cuộc bầu cử thủ lĩnh của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9. Giáo sư Craig Mark chỉ ra sự kiện Olympic thành công trong đại dịch sẽ giúp Thủ tướng Suga xuất hiện như một người hùng.

Lễ khai mạc Olympics- “cánh cửa sổ của toàn nhân loại”

Tối 23/7, Olymic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc tại sân vận động quốc gia Nhật Bản.

Sự kiện này đánh dấu sự mở màn kỳ Olympic đặc biệt nhất từ trước đến nay. Lễ khai mạc Olympic không đón khán giả, và được truyền hình trực tiếp đến hàng tỷ người xem trên khắp thế giới. Olympic Tokyo 2020 với khẩu hiệu của phong trào Olympic: “Nhanh hơn – Cao hơn – Mạnh hơn” (Faster – Higher – Stronger); được bổ sung từ “Cùng nhau” (Together) để thành: “Nhanh hơn – Cao hơn – Mạnh hơn – Cùng nhau”. Khẩu hiệu ngoài việc động viên các VĐV thi đấu hết sức mình để lập những kỷ lục mới; nó còn muốn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết trong bối cảnh toàn thế giới đang phải ứng phó với khó khăn hiện tại – dịch Covid-19.

Khẩu hiệu Olympic Tokyo2020

Lễ khai mạc Olympic không có những tiết mục quá hoành tráng.

Thay vào đó là sự đơn giản và truyền tải đầy đủ ý nghĩa của kỳ Olympic khó khăn bậc nhất lịch sử. Buổi lễ không chỉ tinh giảm về số lượng người tham gia biểu diễn; số lượng VĐV tham dự lễ khai mạc cũng bị giảm đi. Chỉ có khoảng 6.000/11.000 VĐV ở Olympic tham dự lễ khai mạc.

Bầu không khí u buồn cũng là một phần của các buổi lễ nhằm tưởng niệm hàng triệu người đã thiệt mạng vì đại dịch trong gần 2 năm qua; cũng như những nạn nhân của sóng thần, động đất và thảm họa hạt nhân của Nhật năm 2011. Ở một góc độ nào đó, buổi lễ phản ánh và tham chiếu những gì đã diễn ra trên toàn thế giới.

Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020-2021

Olympics – Bữa tiệc thể thao đắt đỏ nhất hành tinh

Việc trở thành nước chủ nhà của một kỳ Thế vận hội thật ra không hào nhoáng như vẻ bề ngoài của nó! Olympic luôn được xem là bữa tiệc thể thao hoành tráng và đắt đỏ nhất hành tinh.

Chi phí tổ chức Olympic

Chi phí đăng cai Olympic Tokyo dự tính ban đầu là 7,3 tỷ USD

Ban đầu, trong hồ sơ đấu thầu đăng cai Thế vận hội 2020, Nhật Bản dự tính sẽ chi 7,3 tỷ USD cho công tác tổ chức. Việc Olympic hoãn lại một năm đưa chi phí đội lên thêm gần 3 tỷ USD. Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng bởi thực tế còn lớn hơn nhiều lần.

Tuy nhiên chi phí thực tế vượt quá 200% dự toán ban đầu

Theo Forbes, Ủy ban Kiểm toán Quốc gia Nhật Bản báo cáo rằng chi phí cuối cùng ở mức 22 tỷ USD. Trong khi đó, tờ báo chuyên về tài chính Nikkei khẳng định, hóa đơn tổ chức Olympic là con số khổng lồ; lên tới 28 tỷ USD. Chi phí cho Olympic Tokyo 2020 đã vượt quá 200% dự tính ban đầu. Đó thực sự là canh bạc quá lớn mà nước Nhật có thể mất trắng và gánh chịu hậu quả khôn lường.

Olympics Tokyo 2020 và vết rạn nứt xã hội Nhật Bản

Nước Nhật đầu thế kỷ 21 cho thấy hình ảnh của một xã hội ít sự đòi hỏi thậm chí là “uể oải”. Đằng sau một xã hội có vẻ “uể oải” là tinh thần nổi dậy. Qua việc việc nhiều người dân phản đối kỳ Thế Vận Hội năm nay, những rạn nứt trong xã hội Nhật Bản ngày càng rõ nét và chân thực hơn bao giờ hết. 

Nhiều cuộc thăm dò ý kiến đã diễn ra ghi nhận ý kiến phản đối tổ chức Olympic chiếm áp đảo

Theo kết quả khảo sát của tờ Yomiuri Shimbun, có tới 59% người dân Nhật Bản mong muốn Thế vận hội bị hủy bỏ; trong khi chỉ có 39% ủng hộ sự kiện này.

Một cuộc thăm dò khác được thực hiện bởi TBS News cho thấy 65% muốn Thế vận hội bị hủy bỏ hoặc hoãn lại; (trong đó, 37% bỏ phiếu hủy bỏ sự kiện hoàn toàn và 28% kêu gọi hoãn lại một lần nữa).

Một cuộc thăm dò tương tự vào tháng 4 do hãng thông tấn Kyodo thực hiện cho thấy 70% muốn Thế vận hội bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.

Tổ chức Olympic Tokyo 2020 nhận nhiều ý kiến phản đối

Chiến dịch “Dừng ngay Thế vận hội Tokyo”

Ở một diễn biến khác, chiến dịch có tên gọi “Dừng ngay Thế vận hội Tokyo” đã tiến hành thu thập chữ ký trực tuyến từ đầu tháng 5. Chiến dịch này nhận được 350.000 ý kiến tán thành, kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội Tokyo 2020. Đồng thời, những người tham gia kiến ​​nghị chuyển hướng các dịch vụ y tế quan trọng đến đông đảo công chúng. Người dân cho rằng kinh phí tổ chức đại hội nên được sử dụng để hỗ trợ những người đang lao đao vì đại dịch Covid-19.

Chiến dịch “Cancel the Tokyo Olympics”

Tạm biệt Olympics Tokyo, cảm ơn Nhật Bản.

Dù thế nào đi chăng nữa, một kỳ Olympics đã về đích an toàn và thành công. Thế giới cũng cần gửi một lời cảm ơn chân thành đến các cấp chính quyền Nhật bản, Thành phố Tokyo và cả người dân Nhật Bản. Tất cả đã nỗ lực trong hoàn cảnh khủng hoảng vì đại dịch COVID-19.

 Phía sau những hình ảnh đẹp nhất, hay nhất truyền đi là gánh nặng, là những nỗi lo thật sự lớn

Sau 57 năm chờ đợi, nhiều doanh nghiệp, người dân háo hức chờ đón Olympic quay lại Tokyo với nhiều cơ hội mở ra. Thế nhưng dịch bệnh đã hủy hoại mọi kế hoạch, giấc mơ. Và chính phủ của họ đã phải chi ra một số tiền kỷ lục trong hoàn cảnh thiếu đi sự hỗ trợ từ nhiều phía. Nhật Bản vốn có bản lĩnh đối mặt và ứng phó những hiểm họa khôn lường. Có lẽ, họ đã biết cách vượt qua khó khăn để mang đến sự hài lòng nhất có thể cho những ngày thi đấu vừa qua.

“Cùng nhau” chiến đấu, vượt lên những thách thức

Vì vậy, cùng với lời cảm ơn, là sự ghi nhận một bài học vô giá từ đất nước, con người Nhật Bản; trong cách gọi cổ xưa với tinh thần truyền thống mạnh mẽ nhất: “Nippon, Nippon”, những âm thanh thường vang lên trong các cuộc tranh tài thể thao của họ. Đó cũng là cách để thế giới này truyền đi, lan tỏa một tinh thần mới của Olympic; rằng: Con người cần thay đổi hơn để xóa bỏ những khoảng cách, “cùng nhau” tạo dựng niềm tin để Trái đất; và “cùng nhau” con người sẽ bớt mong manh hơn trước những hiểm họa khôn lường.

Chiến đấu, chiến thắng để “cùng nhau” là thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ nhất; được các ngôi sao thể thao thế giới thể hiện nhiều nhất trong suốt 16 ngày tranh tài của đại hội. Tạm biệt Olympic Tokyo 2020. Tạm biệt và cảm ơn! 

thể bạn cũng quan tâm

🌻 OMOTENASHI; Nghệ thuật chăm sóc khách hàng đỉnh cao của người Nhật!

🌻 Cha đẻ Uniqlo: Từ tay trắng biến tiệm may nhỏ thành đế chế thời trang lừng lẫy!

🌻 Nước Nhật thật đặc biệt Kỳ 4: Xã hội Nhật ít bị ảnh hưởng của chính trị

🌻 Nước Nhật thật đặc biệt Kỳ 3: Sự bi quan của người Nhật!

🌻 Bài diễn thuyết của Phi Hoa về “Đất nước Nhật Bản nhìn từ Việt Nam và vấn đề người lao động nước ngoài ở Nhật Bản”


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé!

 🌻Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

 🌻Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

 🌻Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *