Cách nghỉ việc mà không bị ghét

Một vấn đề mà bất cứ ai khi đi làm cũng đều gặp phải, đó là vấn đề nghỉ việc. Làm thế nào để nghỉ việc mà không bị ghét? Hôm nay, Hoa sẽ chia sẻ vấn đề này với tư cách một nhà tuyển dụng, một người chủ doanh nghiệp. 

1. Nghỉ việc có kế hoạch

Nghỉ việc đối với một người đang đi làm luôn luôn là một quyết định cần phải đắn đo suy nghĩ và là một cái quyết định quan trọng. Tuy nhiên, Hoa thấy đặc biệt là trong cả công ty của Hoa hay một số công ty Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ nghỉ việc hầu như là cảm tính, không có kế hoạch và cũng không nói trước việc này cho quản lý hay là chủ doanh nghiệp. Điều này làm cho cấp trên, chủ doanh nghiệp cảm thấy vô cùng bất ngờ và đôi khi sự nghỉ việc đột ngột của các bạn sẽ gây cản trở, gây thay đổi kế hoạch, ảnh hưởng đến công việc và kinh doanh bình thường của công ty.  

Nghỉ việc có kế hoạch

Chính vì vậy, để nghỉ việc mà không bị ghét thì các bạn hãy nghỉ việc một cách có kế hoạch. Khi các bạn lo lắng, băn khoăn, cân nhắc về chuyện nghỉ việc, hãy chia sẻ với cấp trên của mình, với bộ phận nhân sự, chia sẻ với những người mà bạn cảm thấy tin tưởng trong công ty. Nếu công ty bạn đang làm việc là một công ty rất coi trọng nhân sự và sẵn sàng giải quyết các vấn đề khúc mắc mà bạn đang gặp phải thì có thể vấn đề của bạn sẽ được giải quyết và bạn sẽ cảm thấy yêu công ty, muốn tiếp tục gắn bó với công ty nhiều hơn.

2. Nghỉ việc có trách nhiệm

1. Báo trước 30 ngày trước khi mình nghỉ việc:

Có một số công ty, các bạn còn phải báo trước cả hai đến ba tháng. Để công ty không gặp khó khăn về vấn đề nhân sự. Hơn thế nữa, trên hợp đồng bạn đã ký trước khi vào công ty, sẽ có ghi rõ khoảng thời gian cần báo trước khi nghỉ việc. Bạn nên kiểm tra lại trước nhé!

2. Hoàn thiện các công việc đang phụ trách

Hoa đã gặp rất nhiều trường hợp các bạn sắp nghỉ việc thì coi như mặc kệ tất cả. Các công việc bạn đang phụ trách, tài liệu đang dang dở nhưng vì có quyết định nghỉ việc, các bạn quyết định “không quan tâm” và cho rằng mình đã hết trách nhiệm với nó.

Nếu các bạn có suy nghĩ như vậy thì thật sự rất là đáng tiếc. Bởi vì, nếu như các bạn không có trách nhiệm với nơi bạn đã từng làm việc ấy thì tiếng xấu và đánh giá tiêu cực về bạn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của bạn rất nhiều. Không phải chỉ là người chủ doanh nghiệp, không phải chỉ là người cấp trên trực tiếp cảm giác rất là bức xúc, khó chịu và ấn tượng không tốt với bạn. Kể cả những đồng nghiệp trong công ty, một vài người nào đó biết đến các bạn có thể nghe được những lời đánh giá và nhận định không tốt về bạn.

Đặc biệt là trong một số công ty, khi tuyển dụng thường sẽ tham khảo từ công ty làm việc cũ của bạn. Những trường hợp này, nếu công ty mới nhận đánh giá không tốt thì xem như bạn đã tự đánh mất 1 cơ hội tốt rồi. Chính vì vậy, khi nghỉ việc các bạn phải thật là lưu ý nhé.  

3. Hãy nghỉ việc “thành công”

Hãy làm tốt nhất có thể trước khi nghỉ việc và ra đi trong hào quang, phải bàn giao công việc ở trong người khác để người khác có thể tiếp nối công việc của mình.

Hoa đã từng gặp những người nghỉ việc có trách nhiệm và đặc biệt là ở Nhật Bản. Một xã hội luôn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm tự giác và việc không làm phiền phức cho người khác. Hoa thấy mỗi một người nhân viên Nhật khi nghỉ việc thường người ta sẽ làm một quyển sổ hay là danh sách những ghi chú (note) về các công việc của họ trong thời gian trước và cần có những theo dõi (follow up) các thứ như thế nào, người vào sau cần chú ý những cái gì, danh sách những khách hàng, các mối liên lạc và các cái vấn đề mà người ta đang gặp phải.

Hãy chứng tỏ rằng bạn là một nhân viên chuyên nghiệp và khiến cho cấp trên của bạn phải tiếc nuối vì sự ra đi của bạn. Khi bạn có tư duy về chuyện nghỉ việc thì hãy cố gắng lên, hãy làm hết kế hoạch của mình, hãy để cho cấp trên thấy được là mình đã cố gắng hết sức. Cho dù công việc mình cố gắng hết sức hoàn thành này chưa phù hợp với công ty, chưa đưa đem lại kỳ vọng 100% đi chăng nữa nhưng bạn là một người chăm chỉ cần mẫn và chuyên tâm làm việc.

Hãy nghỉ việc "thành công"

Công ty là một trường học là trường đời, là một trang hành trình của cuộc đời. Khi mình vào một công ty đó là mình bắt đầu một hành trình và khi mình ra khỏi công ty đó là mình tốt nghiệp, mà tốt nghiệp thì các bạn phải tốt nghiệp với loại ưu, chứ đừng tốt nghiệp kiểu vớt hoặc là bị nhà trường đuổi học. Vì vậy, nếu các bạn nghỉ việc với cái tâm thế rằng nghỉ việc trong thành công, nghỉ việc loại tốt rồi bạn đi tiếp. Và rồi công ty tiếp theo, hay là cuộc đời tiếp theo của bạn sẽ là cuộc đời mà bạn luôn luôn tự hào về công ty cũ như, và là một cách nghỉ việc mà ai cũng sẽ yêu quý bạn.  

4. Không nói xấu công ty và đồng nghiệp cũ

Có một số bạn gặp những  trường hợp xích mích ví dụ như là xích mích với sếp cũ hay là bất mãn về cách đánh giá hay là mức lương v.v… đôi khi có thể đi nói xấu rồi bàn tán về công ty cũ. Theo cái quan sát của Hoa, chưa bao giờ thấy một ai mà nói xấu công ty cũ hay là không trân trọng quá khứ có thể thành công được.

Vì vậy, hãy tập cho mình một thói quen đó là : lặp lại, bắt chước thói quen của người thành công và hạn chế không làm những hành vi của những người thất bại, của những người có tư duy tiêu cực. Khi chúng ta đã nghỉ việc rồi, chúng ta hãy xem môi trường cũ của chúng ta như là một bài học trong cuộc sống, là một kinh nghiệm trong cuộc sống và kinh nghiệm đó giúp chúng ta có lựa chọn tốt hơn trong tương lai, giúp chúng ta có được những nhận thức.

Vừa rồi Hoa đã chia sẻ về bốn điều khiến cho các bạn nghỉ việc mà không bao giờ bị ghét. Thường là nghỉ việc mọi người đều suy nghĩ rất tiêu cực, nhưng bản thân Hoa thì không thấy như vậy. Mỗi công việc là một trải nghiệm đáng quý và đáng trân trọng. Vì vậy, hãy nghỉ việc như thế để mỗi lần nghỉ việc là mỗi lần các bạn có thêm sự thăng tiến trong cuộc đời, các bạn nhé.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *