Đi ăn với khách Nhật cần nắm 10 quy tắc sau để không bị thất lễ! 

10 nguyên tắc ăn uống khi giao tiếp với khách Nhật, cấp trên người Nhật

Hoa sẽ trao đổi với các bạn 10 nguyên tắc cần phải nắm rõ khi mình đi tiếp khách, đi ăn uống với khách hàng Nhật Bản. Thành thạo những bí quyết này đồng nghĩa với khả năng cao bạn đã nắm giữ Nguyên tắc giao tiếp ứng xử trong kinh doanh (ビジネス マナー ) để trở thành một doanh nhân  (ビジネスマン) giàu kinh nghiệm trong mắt đối tác và khách hàng người Nhật. 

Các bạn hãy đọc kỹ bài này; và lưu lại 10 nguyên tắc sau để tránh bị thất lễ khi giao tiếp trên bàn ăn với người Nhật nhé! 

Nội dung chính

Video chia sẻ của Hoa về 10 quy tắc dùng bữa với Khách Nhật

Nguyên tắc thứ 1: Vị trí ngồi nên được cân nhắc cẩn thận

Một nguyên tác ngầm ở Nhật là vị trí ngồi trong cùng thường sẽ dành cho những người đứng đầu, chức vụ cao nhất. Đây cũng là vị trí ngồi xa cửa nhất. Bởi vậy, nếu chỉ có 2 người trong buổi tiệc đó, bạn sẽ cần cẩn trọng nhường chỗ cho đối tác của mình ngồi ở phía trong cùng. Hành động này sẽ khiến cho hình ảnh của bạn trở nên tinh tế hơn.

Thường các kiểu ghế của Nhật sẽ được chia ra làm 2 loại chính. Loại thứ nhất là kiểu dáng sofa. Loại thứ hai là kiểu ghế gỗ rời, tách riêng. Nếu buổi tiệc của bạn có sự xuất hiện của 2 loại ghế này, hãy chủ động mời đối tác ngồi ở ghế sofa – vị trí tốt hơn mình. Đây là một nguyên tắc ứng xử cơ bản (マナー) để thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho người còn lại. 

Tuy nhiên, các bạn cần đặc biệt lưu ý vì nguyên tắc này không áp dụng được trong tất cả các trường hợp. Ví dụ như trong buổi gặp mặt có khoảng từ 5 đến 7 người từ 2 công ty khác nhau; chỗ ngồi chính giữa mới chính là vị trí dành cho người quan trọng nhất. Lý do là bởi chỉ khi ngồi vị trí này thì người đứng đầu mới có thể tham gia vào hầu hết các cuộc hội thoại một cách thoải mái và thuận tiện nhất. Những nguyên tắc này có thể sẽ gây khó dễ cho bạn trong khoảng thời gian đầu nhưng Hoa tin rằng, chỉ cần các bạn chú ý quan sát và thực sự để tâm, bạn sẽ thành thục được chúng.

Nguyên tắc thứ 2: Người chọn món đầu tiên nên là đối tác

Khách hàng hay đối tác là vô cùng quan trọng, bạn nên để họ chọn món trước!

Bạn có thể hỏi rằng: Anh/chị đã chọn được món nào chưa? Sau khi đối tác trả lời món của họ, bạn cũng sẽ gọi món của mình.

Để minh họa rõ hơn, bạn có thể tưởng tượng mình đang ngồi cùng với đối tác. Điều đầu tiên nên làm là đưa menu cho họ và nói là “いかがされますか。” (Anh/ Chị chọn món gì ạ?)・お決まりですか。Câu hỏi này tuy đơn giản nhưng khách hàng có thể cảm nhận được sự quan tâm đến từ mình. Sau khi đã lựa được món, bạn có thể gọi nhân viên để chuẩn bị món cho khách hàng. 

Nguyên tắc thứ 3: Lưu khi nâng cốc cùng đối tác

Nguyên tắc này tuy quan trọng nhưng rất nhiều người lại chưa được biết đến hoặc quên mất. Khi cạn chén (乾杯) hay nâng cốc với đối tác, bạn cần chú ý đến vị trí nâng của cốc. Tại sao lại vậy? Người Nhật có nguyên tắc rằng nếu bạn là người có chức vụ cao thì sẽ để cốc cao hơn những người còn lại. Khi bạn đi ăn một mình với khách hàng, lúc này để thể hiện sự tôn trọng, khách hàng sẽ là người cần được đề cao. Chính vì thế bạn cần nâng chén sao cho chén của mình thấp hơn khách hàng. Bạn cần thực sự lưu ý điểm này nếu không muốn thất lễ với khách hàng. 

Thực tế, nguyên tắc này không được biết đến phổ biến ở người Việt. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng người Nhật sẽ không thích chạm cốc nhiều như Việt Nam. Có thể thấy trong các buổi tiệc ở Việt Nam, cứ cách vài phút là cạch một lần. Tuy nhiên, người Nhật lại hoàn toàn trái ngược. Họ sẽ chỉ chạm cốc hay nâng chén 1 lần vào trước bữa ăn mà thôi. 

Nguyên tắc 4: Gắp thức ăn cho khách hàng bằng đũa của mình được xem là thiếu tôn trọng

Trong các cuộc hội ngộ hay tiếp khách của Việt Nam, chúng ta thường thể hiện sự hiếu khách, tôn trọng của mình bằng cách gắp thức ăn cho đối tác bằng chính đôi đũa của mình. Hay nhiều người thậm chí còn nhường thức ăn trong bát của mình cho khách hàng. Hành động này đối với người Nhật thường được coi là thiếu sạch sẽ, thiếu tôn trọng. Nếu bạn thực sự muốn gắp thức ăn cho khách, bạn có thể dùng một đôi đũa khác để thể hiện sự tinh tế của mình nhé!

Nguyên tắc số 5: Nên mời đối tác ăn trước, giữ tốc độ ăn phù hợp

Khi các đĩa thức ăn đã được bày trên bàn chẳng hạn:

Hãy chú ý tránh đụng đũa, ăn trước khách hàng. Nhất là đối với cấp trên, người có chức vụ cao hơn mình. Thay vào đó, bạn nên mời họ ăn trước một cách lịch sự. Khi người ta bắt đầu ăn rồi thì lúc này mình mới nên đụng đũa. Hoa tin rằng đây là một phép lịch sự tối thiểu bạn cần phải nắm được.

Nếu trong bữa ăn cần bàn về công việc:

Trong trường hợp này, các bạn nên nhìn tốc độ ăn của khách để điều chỉnh tốc độ của mình. Nếu như khách chưa ăn được gì nhiều mà bạn đã ăn hết rồi thì thực sự sẽ rất thất lễ. Chính vì vậy hãy chú ý điều chỉnh tốc độ ăn của mình theo khách hàng. Nắm vững nguyên tắc này sẽ khiến bạn trở nên tinh tế hơn và khách hàng cũng sẽ thoải mái hơn khi dùng bữa với mình.

Nguyên tắc 6: Chú ý nếu khách đã uống hết đồ uống

Bạn cần thể hiện sự quan tâm của mình khi đối tác đã dùng hết đồ uống

Khi bạn quan sát đối tác đã uống hết đồ uống trong cốc (cốc trà, cốc rượu hay bia); bạn hãy tinh tế đề xuất: 何を食べ間れますか。 (Anh/chị có muốn uống gì nữa không? ). Đừng bao giờ để cốc của đối tác ở trong tình trạng cạn sạch. Hãy để tâm và chủ động hỏi ý kiến của họ. Hành động này của bạn sẽ thể hiện sự quan tâm cũng như là trân trọng người đối diện.

Nhớ rót rượu/ bia cho đối tác!

Khi đi tiếp khách Nhật mà cần uống rượu, bia, bạn còn cần phải lưu ý thêm một nguyên tắc nữa cũng rất quan trọng. Hãy luôn là người chủ động rót rượu hoặc bia cho khách. Một số nhà hàng khi phục vụ sẽ mang luôn một cốc đã rót rượu hoặc bia sẵn. Nhưng đôi khi, một số nơi bạn sẽ được phục vụ với một chai rượu hoặc bia chưa được rót. Lúc đó, bạn hãy là người chủ động rót cho họ nhé! Khách hàng cũng sẽ lịch sự rót lại cho bạn, cần tránh tối đa việc để họ tự cầm tự rót. 

Nguyên tắc thứ 7: Vừa ăn vừa nói chuyện là hành động nên tránh

Chỉ nói chuyện khi đã nuốt xong thức ăn!

Hành động vừa ăn vừa nói là một điều tối kị trong tiếp khách. Nói chuyện với một cái miệng đầy thức ăn sẽ khiến cho đối phương có cảm giác không sạch sẽ và không lịch sự cho lắm. Thậm chí đối tác có thể cảm thấy ái ngại và không thoải mái vì họ sợ làm phiền bạn ăn. 

Không nên tạo tiếng động khi ăn

Tiếng động có thể được tạo ra khi chúng ta nhai thức ăn; hay cũng có thể là tiếng lách cách từ bát đũa khi gắp thức ăn. Dù là vô tình nhưng bạn cũng nên chủ động hạn chế lại và tạo cho mình thói quen nhai khép miệng. Điều này có thể giảm nhiều lần âm thanh có thể phát ra do nhai đó.

Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, việc bạn tạo ra tiếng động khi ăn sẽ khiến cho người đối diện biết rằng bạn đang rất ngon miệng và hài lòng với món ăn. Ví dụ khi bạn ăn mì ramen chẳng hạn. Tiếng húp mì soạt soạt, tạo ra tiếng (音を立てる). Đây là một dấu hiệu bạn đang ăn rất ngon lành. Bạn đang thưởng thức, hài lòng và tận hưởng (楽しめる). Tuy nhiên, chỉ có một số trường hợp như vậy thôi. Tốt hơn hết là vẫn cố gắng không tạo ra tiếng khi ăn; đặc biệt là va đập của đũa bát và nhai thức ăn. 

Nguyên tắc thứ 8. Dùng dao, dĩa đúng cách

Khi tiếp đón đối tác VIP, thường thường các bạn sẽ phải tổ chức ở một nơi sang trọng. Chính vì thế, nắm được nguyên tắc dùng dao nĩa là vô cùng quan trọng để không bị luống cuống. Hoa có thể lấy ví dụ như các bàn tiệc ở các nhà hàng Tây của Pháp hoặc Ý. Hoa đã may mắn có khá nhiều cơ hội đến những nhà hàng như vậy. Sau khi bước vào nhà hàng, trên bàn tiệc sẽ bày rất nhiều dao, dĩa cũng như là thìa. Nếu như bạn không có kinh nghiệm và chưa nắm được nguyên tắc thì thực sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu khách hàng là một người hay quan sát, họ sẽ nhận ra ngay và có thể đánh giá bạn là thiếu kinh nghiệm thực chiến.

Hoa có thấy một quy tắc khá đơn giản mà cách bạn có thể áp dụng đó là: Nên chọn dao và dĩa từ ngoài vào trong. Đừng nên chỉ thấy cái gì tiện tay hoặc đúng với ý thích của mình là cầm. Điều này sẽ làm lộ ra điểm yếu của bạn và cho thấy bạn chưa thực sự để tâm vào đối tác. 

Nguyên tắc thứ 9: Tránh nói lớn tên công ty đối tác và công ty mình

Khi các bạn tiếp khách ở nơi công cộng như nhà hàng: 

Sau nhiều lần đón tiếp đối tác, Hoa nhận ra bạn không nên nói tên công ty của đối tác; cũng như là tên công ty của mình một cách quá lớn, quá lộ liễu, gây sự chú ý từ nhiều người. Một điều cấm kỵ hơn cả là nói tên công ty bên thứ 3 của mình. Hoa có thể lấy ví dụ như ABC 社の。。。Thay vào đó bạn nên nói rằng: Vấn đề này (例の件ですが。。。) để tránh gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Còn đối với trường hợp phòng tiếp khách là phòng kín (個室), lúc này bạn có thể chia sẻ những thông tin riêng tư và mang tính bí mật cao hơn. Vì phòng kín là nơi chỉ có bạn và đối tác, bí mật kinh doanh của hai bên sẽ không bị lộ ra bên ngoài. Chính vì thế, nếu bạn là người khôn ngoan, hãy dựa vào tính chất công việc và nội dung cuộc tiếp khách để chủ động chọn địa điểm cho phù hợp đối với cả hai bên.

Đặc biệt trong các thương vụ M&A, bạn cần thận trọng khi tiết lộ tên công ty mua hoặc bán 

Theo những gì Hoa quan sát, một dự án sẽ không được gọi bằng tên chính thức mà thường được bàn bằng nickname mà chỉ người trong cuộc biết. Ví dụ như Diamond (kim cương); hay có thể là Mirai (tương lai) chẳng hạn. Chính vì thế, khi bạn trao đổi với đối tác, bạn nên chú ý sử dụng nickname trong suốt cuộc nói chuyện để tránh bị tiết lộ quá lộ liễu ra bên ngoài. 

Điều này có thể được áp dụng cả trong công ty của bạn. Bạn chỉ nên tiết lộ thông tin về đối tượng mua hoặc bán cho sếp hoặc nội bộ trong team của bạn mà thôi. Tránh nói chuyện phiếm hoặc vô tình nói ra đối với những nhân viên khác trong công ty. Đây là một nguyên tắc tối quan trọng các thương vụ kinh doanh! Một khi các bạn giữ kín được thông tin cho đối tác, trao đổi một cách có chừng mực, đúng nơi đúng lúc; thì Hoa tin đối tác của bạn sẽ có thể tin tưởng các bạn nhiều hơn, từ đó việc thảo luận kinh doanh sẽ dễ dàng hơn.

Nguyên tắc thứ 10: Nguyên tắc thanh toán và lời cảm ơn

Chú ý khi thanh toán tiền

Khi bạn muốn thiết đãi và thể hiện sự kính trọng đối với khách hàng

Hãy chủ động là người trả tiền nếu bạn thực sự muốn khách hàng nhìn thấy tầm quan trọng của họ đối với bạn. Một lưu ý khi trả tiền đó là bạn nên gọi lễ tân chứ không nên ngồi trước mặt khách hàng. Bạn có thể nói  会計お願いします。お勘定ください. (Vui lòng tính tiền cho tôi ạ!)Tốt hơn hết, bạn nên đi ra ngoài thanh toán ở chỗ mà đối tác không nhìn thấy. Hành động này có thể tránh để khách hàng rơi vào tình trạng ngượng ngùng và giành thanh toán với bạn. 

Nguyên tắc này tuy đơn giản nhưng cũng vô cùng quan trọng. Bạn có thể chờ đến lúc ăn đến món cuối – món tráng miệng rồi đứng lên thanh toán tiền trước. Đừng để cho khách là người phải đứng dậy trả tiền hay giành quyền trả tiền với bạn. 

Khi hai doanh nghiệp đối tác ngang tầm nhau?!

Hoa đã từng được đi tiếp các vị khách đến từ các công ty ngang hàng với mình. Thậm chí nhiều lúc Hoa còn không biết mingh là khách của họ hay họ là khách của mình nữa. Trong trường hợp này, Hoa nghĩ bạn không cần thiết phải nâng đối tác của mình lên cao quá mà giành trả tiền với họ. Tuy nhiên, điều cần thực sự để ý là hãy nghĩ lại xem những lần trước bên nào là người trả tiền. Nếu trước đó, họ đã từng là người thiết đãi thì lần này sẽ đến lượt bạn thể hiện sự thiện chí của mình.

Chia sẻ thêm là khi Hoa đi ăn với các giám đốc của các doanh nghiệp lớn; Hoa thường thấy họ thường chủ động và vui vẻ trả tiền trước. Kể cả khi hai công ty của Hoa và đối tác là ngang tầm nhau. Mặc dù vậy, bạn có thể thể hiện tấm lòng của mình bằng cách nói trước rằng “Hãy để tôi thanh toán hôm nay”. Hành động này cũng cho thấy bạn rất để tâm và ghi nhỡ những lần thiết đãi trước đó. 

Hãy nhớ nói lời cảm ơn!

Đừng quên cảm ơn đối tác và nhân viên ở nhà hàng

Khi bạn được ai đó thiết đãi, dù là cá nhân hay trên tư cách đối tác của công ty, bạn vẫn cần lịch sự nói lời cảm ơn. Bạn có thể nói rằng ご馳走様でした (Cảm ơn anh/chị đã mời tôi). Ngoài ra, bạn cũng nên gửi lời cảm ơn tới nhân viên – người đã hoàn thành nhiệm vụ của họ và chăm sóc bạn cẩn thận trong suốt quá trình tiếp khách. 

Để lễ độ và lịch sự nhất, ,bạn nên nói lời cảm ơn 3 lần.

🌻 Lần đầu tiên là khi bạn và đối tác vừa mới ăn xong 

🌻 Lần tiếp theo là khi bạn ra khỏi cửa hàng

🌻 Lần cuối cùng có thể là khi có cơ hội gặp gỡ đối tác lần gần nhất sau đó

Giả sử như bạn có cơ hội gặp mặt đối tác sau 2 tháng, bạn có thể nói: “Cảm ơn vì đã thiết đãi tôi lần trước, tôi đã rất ngon miệng”. Nếu bạn ghi nhớ được nguyên tắc này, Hoa nghĩ rằng các đối tác sẽ cảm thấy rất vui và hài lòng trong những lần hợp tác tiếp theo.

Video Hoa chia sẻ về 10 NGUYÊN TẮC VÀNG KHI ĐI ĂN VỚI KHÁCH HÀNG/ CẤP TRÊN NGƯỜI NHẬT


 Ngày hôm nay, Hoa đã chia sẻ rất chi tiết về nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh (ビジネス マナー ) cơ bản và rất quan trọng; khi các bạn đi ăn uống và tiếp khách Nhật. Hãy thử áp dụng những gì Hoa chia sẻ khi đi làm tại doanh nghiệp Nhật ! Tuy những nguyên tắc này có vẻ hơi khuôn mẫu nhưng lại rất hiệu quả. Chúng có thể giúp bạn trở nên dạn dày kinh nghiệm hơn; cùng với đó là thể hiện lòng tôn trọng đối với khách . Và sẽ khiến cho công việc của bạn thuận lợi hơn và người khác sẽ nhìn bạn với một ánh mắt khác.

Hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho Hoa nếu bạn thích chủ đề này hoặc có bất cứ thắc mắc gì trong việc đối đãi khách hàng Nhật nhé! Hoa sẽ cố gắng trả lời nhanh nhất.

Có thể bạn cũng quan tâm

🌻 Kinh doanh – Đi làm tại Nhật: Nguyên tắc cần biết khi bạn đi uống với người Nhật?!

🌻 Kinh doanh – Đi làm ở Nhật: Nguyên tắc trao danh thiếp với người Nhật!

🌻Phương pháp giỏi Tiếng Nhật 4 kỹ năng dành cho người muốn đi làm ở Nhật

🌻 5 điều Phi Hoa không thích về người Nhật!

🌻 Kinh doanh tại Nhật – Sức hút bất ngờ khi doanh nghiệp Nhật có Giám đốc nữ là người Việt Nam

🌻 Kinh doanh tại Nhật: Thủ tục cần biết khi bạn muốn xin Visa Kinh doanh ở Nhật!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé!

🌻Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

🌻Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

🌻Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *