Dạo này Phi Hoa chuyên tâm làm M&A tuy mệt nhưng hay, và Phi Hoa cũng được rất nhiều bạn hỏi về M&A mua lại doanh nghiệp nên hôm nay Phi Hoa viết 1 bài chuyên môn ở đây giới thiệu và giải thích về 8 lợi ích của M&A được các nhà đầu tư kì vọng nhé!
1. Sự cộng hưởng sức mạnh của 2 doanh nghiệp – Synergy
Một trong những động lực phổ biến thúc đẩy các hoạt động M&A là việc tạo ra được giá trị “cộng hưởng” – nghĩa là sự kết hợp giá trị của công ty mua và công ty bị mua lại. Sự “Cộng hưởng” thường được chia làm hai dạng, bao gồm:
- Cộng hưởng cứng” (Hard Synergies): Thường liên quan đến việc tiết kiệm chi phí do lợi thế kinh tế nhờ quy mô công ty sau M&A sẽ lớn hơn (Economies of Scale). Quy mô lớn hơn, sản xuất với số lượng lớn hơn khiến giá thành sản phẩm/dịch vụ giảm đi, lợi nhuận cao hơn, ngoài ra một số bộ phận back office có thể gộp lại, từ đó cắt giảm chi phí vận hành.
- Cộng hưởng mềm (Soft Synergies): Đến từ việc gia tăng doanh thu do thị phần được mở rộng, dễ thống lĩnh thị trường hơn, các hoạt động bán chéo và sự gia tăng ưu thế trên thị trường nhờ có sức ảnh hưởng đến giá lớn hơn (Pricing power)
Nhờ vậy, khi hai công ty sáp nhập hoặc M&A kiểu mua lại thì giá trị chung của hai công ty có thể lớn hơn nhiều so với giá trị cộng lại khi hai công ty hoạt động riêng lẻ.
Nghĩa là 1+1 không bằng 2 mà có thể bằng 100. Giống như câu ông bà ta thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
2. Tăng Trưởng Nhanh
M&A chính là mua thời gian! Nên sau hoạt động M&A, việc phát triển công ty có thể sẽ nhận được 1 có huých tích cực. Đặc biệt khi một doanh nghiệp bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới và muốn tăng trưởng nhanh, họ có thể M&A các công ty trong ngành đó, để không phải xây từ đầu mà lại có sẵn know-how và nền tảng của công ty bị mua lại. Hơn nữa, rủi ro so với việc xâm nhập thị trường hoàn toàn mới cũng ít hơn.
3. Sức Cạnh Tranh Cao Hơn Trong Thị Trường
Công ty sau M&A có thể giảm bớt đối thủ cạnh tranh khi các công ty cùng lĩnh vực hoạt động được tập trung lại. Điều này giúp công ty sau M&A có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn hơn trong giá cả thị trường. Ngoài ra, công ty cũng có khả năng kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng, giảm đi sự phụ thuộc vào những bên liên quan khác trong thị trường
4. Mở Khoá Giá Trị Tiềm Ẩn
Các công ty bị mua lại có thể có nhiều giá trị tiềm ẩn chưa được khai thác vì nhiều lý do, ví dụ như quản lý kém, thiếu nguồn lực, định hướng sai, giám đốc thiếu năng lực v.v. Vì thế, thương vụ M&A giúp tái cấu trúc công ty bị mua lại để phát huy tối đa các giá trị tiềm ẩn, tạo ra giá trị chung lớn hơn.
5. Đa Dạng Hoá Lĩnh Vực Kinh Doanh
Nhiều công ty muốn đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh bằng cách mua lại các công ty khác ngành chứ không phải cùng ngành. Qua việc này, công ty đó có thể đa dạng hoá business model, đa dạng hoá danh mục đầu tư và giảm độ biến động và rủi ro nếu chỉ hoạt động trong một ngành duy nhất.
6. Tìm Kiếm Tài Nguyên/Năng Lực Độc Đáo
Công ty mua lại có thể tìm thấy những tài nguyên và năng lực độc đáo từ công ty bị mua lại, như đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) xuất sắc, đội sales mạnh, hoặc nhân sự đặc biệt tài năng.
Đây cũng chính là lí do mà Huawei mua lại Sharp, hay các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc nhảy xô vào mua lại các doanh nghiệp Nhật vừa và nhỏ có nắm kĩ thuật sản xuất máy móc cao. Việt Nam tương lai cũng có thể làm thế để chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản về Việt Nam.
7. Lợi Ích Giảm Thuế
Trong một số trường hợp, việc mua lại hoặc sáp nhập một công ty mục tiêu đang có khoản lỗ lớn về thuế sẽ tạo nên lợi ích cho các công ty mua đang có lợi nhuận lớn trong kinh doanh. Bởi vì điều này sẽ giúp bên mua ngay lập tức được giảm bớt đi các nghĩa vụ về thuế.
8. Cross Border M&A – Công Cụ Gia Nhập Thị Trường Nước Ngoài
Hoạt động mua bán, sáp nhập có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược để mở rộng thị trường quốc tế cho doanh nghiệp. Việc giảm bớt các quy định và gia tăng tính thống nhất trong chế độ kế toán của các quốc gia sẽ là những lý do để thúc đẩy các thương vụ M&A phổ biến hơn trong tương lai.
Sau đợt covid-19, sẽ có 1 làn sóng M&A từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Đây không những là chiến lược mà còn là một xu hướng tất yếu khi đầu tư tài chính có lợi hơn là hoạt động sản xuất thuần tuý. Các công ty Việt gặp khó khăn trong Covid sẽ rẻ hơn tương đối so với thời kì bình thường và các công ty có tài chính vững sẽ dễ mua và xâm nhập thị trường hơn.
Ngược lại, dân số tại Nhật Bản đang già hoá, có tới gần 1,3 triệu doanh nghiệp Nhật có chủ hơn 70 tuổi và không có người kế nghiệp. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam mua lại.
Phi Phi sẽ dành thêm thời gian viết về những chủ đề thế này và đưa ra nhiều ví dụ gần gũi hơn. Cảm ơn mọi người đã đón đọc!