Du học không chỉ nên là học!!!

Phi Hoa - Du học Nhật Bản

Dưới đây là những trải nghiệm và cảm nhận của Hoa khi trải qua quãng thời gian du học Nhật từ học bổng MEXT. Cố gắng học tập, đạt thành tích tốt khi đi du học là một điều cần nhưng không phải là tất cả! Trải nghiệm du học sẽ có giá trị hơn nếu bạn mở lòng khám phá!

Sinh viên Việt Nam trong mắt sinh viên quốc tế

Sinh viên Việt Nam là những con người rất đặc biệt?!

Trong mắt các sinh viên và giáo viên quốc tế, sinh viên Việt Nam là những con người đặc biệt. Vì tính cạnh tranh rất cao. Có bạn người nước ngoài cùng trường đã nói với Hoa ấn tượng của họ về sinh viên Việt Nam như sau: “Một đứa ít nói, ít hòa nhập, học giỏi nhất lớp. Chỉ hay chơi với hội Việt Nam xung quanh. Yêu một đứa Việt Nam khác cũng học giỏi nhất lớp khác. Nhất định chỉ thích vào trường đại học nổi tiếng. Sống kiểu đó”.

Những điểm mạnh yếu của du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản mà Hoa cảm nhận được

Quả thực, sau nhiều năm quan sát, so sánh và gặp gỡ nhiều sinh viên Việt Nam và nước ngoài, Hoa nhận ra điểm chung, điểm mạnh, điểm yếu của sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản nói riêng và ở nước ngoài nói chung. Sinh viên Việt Nam thường có điểm chung là rất chăm chỉ học tập, ít giao lưu hoạt động xã hội, có lòng tự hào dân tộc cao.

Điểm mạnh của sinh viên Việt Nam là rất giỏi các môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Kinh tế… Vì nền giáo dục của Việt Nam nặng lý thuyết và đào tạo sâu các kiến thức này từ bậc phổ thông…

Điểm yếu là khả năng tư duy sáng tạo, khả năng hòa nhập cộng đồng, hoạt động ngoại khóa và tiếng Nhật. (Sinh viên Việt Nam yếu tiếng Nhật hơn so với sinh viên các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Đài Loan nhưng nhiều thuận lợi hơn so với sinh viên các nước Phương Tây).

Điểm mạnh có thể trở thành yếu điểm của sinh viên Việt Nam khi du học bậc Đại học ở Nhật

Nếu bạn học cao học, tiến sĩ…

Với điểm mạnh và điểm yếu như trên, nếu bạn đi du học theo bậc cao học (thạc sĩ, tiến sĩ) thì sinh viên Việt Nam thường đạt nhiều thành tích cao và được đánh giá cao. Bởi học cao học đồng nghĩa với việc chuyên tâm nghiên cứu và cần giỏi các môn lý thuyết.

Nhưng nếu bạn du học bậc đại học,…

Tuy nhiên nếu bạn đi học bậc đại học, cao đẳng thì việc chỉ học giỏi lý thuyết theo kiểu phổ thông ở Việt Nam sẽ không còn là điểm mạnh nữa. Vì việc học đại học, cao đẳng ở Nhật không chú trọng nhiều vào việc học lý thuyết. Mà ngoài học tập, còn có nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Cũng như sau này phải tìm việc làm sau khi ra trường. Nếu chỉ chăm chỉ học lý thuyết thôi trong khi khả năng giao tiếp và làm việc nhóm kém; thì dù có thành tích học tập cao bao nhiêu bạn cũng khó lòng được một công ty uy tín hàng đầu của Nhật tuyển dụng.

Nhớ lại một năm đầu tiên học tập ở Tokyo, vì môi trường cạnh tranh cao và tốc độ học quá nhanh, để vượt qua các đối thủ, Hoa và các bạn Việt Nam khác đã có những ngày gian khổ chỉ ngủ tầm ngủ 3-4 tiếng một ngày. Đặc biệt trước những kì thi! nhưng giờ đây nghĩ lại, Hoa thấy mình đã sống thực sự phong phú để trưởng thành trong suốt giai đoạn đó ngoài việc học tập ở trường.

Nên sống thế nào khi du học?

Cuộc sống du học hằng ngày chỉ miệt mài học và học có thực sự tốt không?

Theo Hoa, du học là đi học trong môi trường và văn hóa khác với nơi chúng ta sinh ra. Việc học trên trường lớp chỉ là một phần, còn việc học ở những môi trường khác là phần không thể thiếu. Từng trải nghiệm trong môi trường mới ấy giúp chúng ta: Hiểu được cuộc sống của người bản địa, hiểu họ khác nước mình cái gì? Tại sao lại khác? Tại sao họ suy nghĩ và sống như vậy?…. Chính những trải nghiệm đó sẽ giúp các bạn có các kiến thức xã hội thiết yếu để sau này đi tìm việc và làm việc trong một công ty nước ngoài hay với đối tác nước ngoài.

Du học không chỉ để bạn lấy kiến thức, còn những giá trị khác mà bạn nên khai thác!

Một người bạn nói với Hoa, họ đi học MBA ở Đại Học Harvard không phải chỉ để lấy kiến thức. Mà một nửa mục đích là để kết nối và xây dựng mối quan hệ với những con người ở Harvard. Điều này đúng với tất cả chúng ta!

Đi du học, một nửa để học. Nửa còn lại nên tìm hiểu cuộc sống và xây dựng mối quan hệ với những người bản địa hay sinh viên quốc tế xung quanh. Vậy xây dựng như thế nào? Theo Hoa, bắt đầu đơn giản nhất là quan tâm tới người khác! Có hứng thú với sự khác biệt của người từ nền văn hóa khác! Tích cực tham gia những buổi giao lưu, tiệc, tham quan dã ngoại khi có thể.

Mục tiêu đi du học của bạn là gì?

Nếu bạn xác định ngay từ đầu rằng mình sang Nhật để nghiên cứu sau đại học, bạn có thể dành cả ngày ngồi trong phòng thí nghiệm, theo đuổi đam mê của riêng mình và không cần để ý nhiều đến xung quanh. Lúc này, việc chỉ vùi đầu vào việc học cũng mang lại thành công trong sự nghiệp nghiên cứu.

Nhưng, nếu bạn xác định sang Nhật để học tập như một người Nhật. Sau đó, bạn sẽ tìm kiếm việc làm tại Nhật, hoặc cho các công ty Nhật tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Hoa khuyên bạn nên cân bằng giữa việc học tập trên sách vở và giao lưu, học hỏi ngoài cuộc sống. Ngay từ trước khi đi du học, bạn cần phải xác định cho mình: Mục tiêu du học là gì? Và nên vạch ra cách sống sao cho phù hợp với mục tiêu ấy. Nếu không vạch rõ mục tiêu cho mình và để hoàn cảnh xô đẩy hay sự khó khăn làm bạn chuyển hướng thì thật đáng tiếc.

Đừng giới hạn sự lựa chọn nghề nghiệp của mình chỉ vì chưa đủ trải nghiệm!

Hoa quan sát thấy ở Nhật có rất nhiều người Việt Nam học lên đến tiến sĩ. Đặc biệt là những người có học bổng tài trợ. Hoa đã gặp nhiều tiến sĩ cũng không hẳn đam mê nghiên cứu nhưng đơn giản nghĩ rằng có học bổng nên cứ học lên cao đã, sau này tính tiếp. Vô tình, họ trở thành tiến sĩ trước khi biết mình thực sự muốn gì và phù hợp với công việc gì. Những người “vô tình thành tiến sĩ” ấy là những người đầu óc rất tốt. Việc học đối với họ thực ra là con đường an nhàn hơn so với việc lăn xả ra ngoài xã hội tìm kiếm việc làm. Đây là một dẫn chứng Hoa quan sát thấy rằng nếu không trải nghiệm nhiều thứ ngoài việc học bạn sẽ tự giới hạn sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Và vì thế, sẽ mất đi cơ hội tìm ra đâu là điều mình thực sự đam mê trong cuộc đời.

Kết lại

Bạn có thể trải nghiệm những thứ ngoài việc học khi đi du học như: Tham gia hoạt động tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ, chơi thể thao, đi làm thêm…Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các hoạt động ngoài việc học cũng chỉ nên chiếm nhiều nhất là một nửa cuộc sống của bạn. Phần quan trọng nhất vẫn là học tập khi bạn là sinh viên!

Có thể bạn cũng quan tâm

🌻 Du học Nhật hay Xuất khẩu lao động Nhật? Đừng sang Nhật theo trào lưu!

🌻 Bạn có hối hận vì đã không theo đuổi đam mê không? Bài học thành công hay Hoa nhận được từ nhà sáng lập Amazon!

🌻 Du học Nhật: Chuyện sinh viên ngủ gật trong giờ học!

🌻 7 cách luyện nói tiếng Nhật hay và chuẩn như người Nhật!

🌻Một số lỗi hay mắc khi sử dụng tiếng Nhật trong kinh doanh, làm việc ở Nhật!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa tại các kênh sau nhé:

🌻 Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

🌻 Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

🌻 Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *