Có nên cho con theo học trường Tiểu học ở Nhật? Loại trường Tiểu học nào ở Nhật sẽ phù hợp nhất với con?
Không ít ông bố bà mẹ người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật cảm thấy khó khăn trong việc chọn trường cho con vào lớp 1. Ở bài viết này, Hoa sẽ chia sẻ tất tần tật những kinh nghiệm của bản thân trong việc chọn trường Tiểu học ở Nhật cho con bằng cách so sánh 4 loại trường Tiểu học ở Nhật Bản.
Những loại trường tiểu học tiêu biểu ở Nhật
Khác với Việt Nam, năm học của các trường học ở Nhật sẽ bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau. Đối với những gia đình có con đã đủ tuổi vào lớp 1, từ tháng 10, chính quyền địa phương của từng khu vực sẽ gửi Đơn đăng ký và giấy hướng dẫn nhập học đến từng hộ gia đình.
Hoa cũng có con đang theo học Hoikuen 4 tuổi, tháng 4 tới đây bé sẽ lên lớp 5 tuổi. Thời điểm này, có lẽ nhiều gia đình cũng đã chọn xong trường cho các con rồi, tuy nhiên gia đình Hoa vẫn còn đắn đo cân nhắc chưa biết nên cho con theo học loại trường Tiểu học nào.
Ở Nhật, có rất nhiều loại trường Tiểu học, tùy thuộc vào mỗi loại trường mà đặc điểm nổi bật cũng như ưu nhược điểm sẽ khác nhau. Vì vậy, việc nắm rõ sự khác nhau giữa các loại trường để đưa ra định hướng phù hợp nhất cho con của bạn là vô cùng cần thiết.
Về cơ bản, các phụ huynh Việt Nam đang sinh sống tại Nhật có thể cân nhắc cho con em mình theo học 1 trong 4 loại trường Tiểu học tiêu biểu sau: Trường Tiểu học Công lập (公立小学校,) Trường Tiểu học Quốc Lập (国立小学校), Trường Tiểu học Tư lập (私立小学校) và cuối cùng là Trường Quốc Tế (gọi tắt làインタースクール).
Sau đây, Hoa sẽ phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật và so sánh ưu nhược điểm của 4 loại trường Tiểu Học này nhé! Mọi người có thể xem video dưới đây hoặc theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn về các loại trường này!
Trường Tiểu Học Công Lập 公立小学校
2.1 Đặc điểm nổi bật:
Đây là loại trường Tiểu học phổ biến, thông dụng và cơ bản nhất ở Nhật. Chỉ cần đủ tuổi là có thể đăng ký nhập học mà không cần phải tham gia một kỳ thi xét tuyển nào. Về cơ bản, các con sẽ được Hội đồng giáo dục chỉ định luôn trường mà các bạn sẽ theo học ngay từ đầu, thường là những trường Tiểu học gần nhà, ngay trong khu vực đang sinh sống. Ngoài ra, hệ thống giáo dục khá phổ thông, bám sát chương trình giảng dạy đã được quy định sẵn, vì thế con bạn có thể nhận được sự giáo dục đồng nhất mà không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa các trường với nhau, các giáo viên cũng được thay đổi định kỳ.
Chính vì thế, cá nhân Hoa nhận thấy rằng, hệ thống giáo dục của Trường Công lập khá cơ bản, không có gì quá xuất sắc, những người Nhật có điều kiện một chút thường sẽ ít khi cho con em mình theo học các trường Công lập.
2.2 Ưu điểm:
Miễn phí học phí, sách giáo khoa – giảm gánh nặng về tài chính
Đầu tiên phải nói đến là học phí hoàn toàn miễn phí. Ở Nhật, Chính phủ áp dụng hình thức giáo dục phổ cập bắt buộc, được thực hiện trong thời gian 9 năm (từ 6 đến 15 tuổi). Nhà nước Nhật Bản sẽ miễn phí học phí và hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa vào đầu năm học mới.
Không cần thi đầu vào
Như Hoa đã đề cập, các trường Công lập sẽ không có kỳ thi đầu vào, tuyển chọn gắt gao các em học sinh. Chính vì vậy, nếu cho con em vào học trường Công lập thì bạn sẽ không tốn nhiều tiền và thời gian để cho con đi học các lớp học thêm, lớp luyện thi.
Gần nhà – dễ dàng di chuyển và kết bạn
Ngoài ra một ưu điểm nổi bật dễ dàng nhìn thấy ở trường Tiểu học Công lập chính là vị trí các trường thường rất gần nhà hoặc nằm quanh khu vực gia đình sinh sống. Như vậy các em có thể dễ dàng tự đến trường mà phụ huynh cũng an tâm hơn rất nhiều.
Để rèn luyện thói quen tự lập từ nhỏ thì trẻ em Nhật sẽ phải đi học một mình thay vì được bố mẹ đưa đón như ở Việt Nam. Việc cho con em đi học trường Tiểu học Công lập gần nhà sẽ giúp con dễ dàng đi lại, dễ thích nghi với môi trường và ghi nhớ đường đi một cách đơn giản nhất. Đồng thời, các con dễ giao lưu kết bạn và các bạn trong khu vực hơn.
Con được cọ xát với nhiều kiểu bạn khác nhau
Không những thế, việc các trường Tiểu học Công lập không tuyển chọn đầu vào của học sinh một cách gắt gao và thường có xu hướng tiếp nhận học sinh trong vùng sẽ giúp cho môi trường học đường của trường Tiểu học Công lập ở Nhật trở nên đa dạng với nhiều kiểu học sinh hơn. Nếu nhìn theo hướng tích cực, con em chúng ta cũng sẽ được cọ xát với nhiều kiểu người, dễ dàng phát triển sự mềm dẻo về mặt tâm lý và tinh thần hơn.
2.3 Nhược điểm:
Học lực trung bình thấp hơn trường Quốc Lập và Tư Lập
Theo kết quả khảo sát điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, học sinh trường Tiểu học Công lập có học lực trung bình thấp hơn so với trường Quốc lập và Tư lập. Nguyên nhân của sự chênh lệch này được xem là có thể xuất phát từ việc các trường Công lập không tuyển chọn học sinh ở đầu vào.
Sự chênh lệch học lực giữa các em học sinh
Việc các trường Tiểu học Công lập không có kỳ thi tuyển chọn đầu vào, tiếp nhận mọi đối tượng học sinh là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trong vấn đề học lực giữa các học sinh.
Trường Công lập thường tổ chức việc dạy học sao cho ngay cả một em học sinh khó tiếp thu vẫn có thể trở nên hiểu bài. Điều này có thể khiến lượng kiến thức của những học sinh có tiềm năng phát triển bị thu hẹp và hạn chế hơn rất nhiều so với các trường Tư lập.
Thay đổi giáo viên định kỳ – khó nhất quán hình thức giảng dạy
Các giáo viên, thậm chí là hiệu trưởng của trường Công lập sẽ thay đổi đơn vị công tác định kỳ. Chính vì vậy mà mỗi khi trường thay đổi hiệu trưởng, thì cũng rất có thể phương châm giảng dạy và các chính sách, chế độ giảng dạy cũng bị thay đổi theo một phần nào đó.
Trường tiểu học Quốc Lập 国立小学校
3.1 Đặc điểm nổi bật:
Trường Tiểu học Quốc lập cũng được xem là “trường Công”, nói một cách chính xác hơn, những trường Tiểu học Quốc lập chính là 国の教育研究機関 (Cơ quan nghiên cứu giáo dục của quốc gia), được nhà thành lập và tổ chức dạy học dựa trên phương châm đào tạo, lý luận nghiên cứu giáo dục một cách chuyên sâu mà nhà nước đề xuất.
Khác với đường lối giáo dục tiêu chuẩn của trường Tiểu học Công lập, các giáo viên của trường Tiểu học Quốc lập đòi hỏi phải có tư duy về phương pháp giảng dạy tối ưu nhất để đào tạo nhân tài. Chính vì vậy, để được vào trường Tiểu học Quốc lập, các em học sinh phải tham gia và đỗ kỳ thi đầu vào mới được nhập học.
Tuy nhiên, vì số lượng học sinh đăng ký quá đông, nên rất nhiều trường Tiểu học Quốc lập phải tiến hành tổ chức kỳ thi tuyển chọn khá gắt gao. Ngoài ra, những điều kiện để tham gia ứng tuyển cũng bị giới hạn về khu vực và thời gian đi học.
3.2 Ưu điểm
Không cần đóng học phí, chi phí phát sinh rẻ hơn trường Tư Lập
Cũng giống như trường Tiểu học Công lập, đi học ở trường Tiểu học Quốc lập cũng không cần đóng học phí. Tuy nhiên, vì đặc điểm của các trường Quốc lập nằm khá xa và số lượng không có quá nhiều, nên tiền chi phí đi lại cũng khá tốn kém, cộng với việc trường hay tổ chức nhiều sự kiện, thế nên chi phí phát sinh hàng tháng cho các hoạt động bên lề sẽ tốn kém hơn so với trường Tiểu học Công lập, nhưng lại chỉ là một con số rất nhỏ so với chi phí mà phụ huynh phải bỏ ra nếu cho con em đi học trường Tiểu học Tư lập.
Nhiều phụ huynh nhiệt tình trong việc giáo dục con cái
Chuyện thi vào cấp 1 cũng có thể coi như là chuyện thi cử của các ông bố bà mẹ, hơn cả con cái, chính phụ huynh là những người cần phải rất nỗ lực trong chuyện cân nhắc và định hướng giúp đỡ con để vào được trường Tiểu học Quốc lập.
Chính vì vậy, các phụ huynh của trường Tiểu học Quốc lập được đánh giá khá cao trong chuyện quan tâm đến vấn đề học hành của con cái, hầu như không có ai tỏ thái độ thờ ơ hay bỏ mặc chuyện học hành của con cái mình. Theo đó, nhiều phụ huynh có con em theo học trường Tiểu học Quốc lập có rất nhiều mong muốn và yêu cầu đối với giáo viên giảng dạy.
Giáo viên ưu tú- Chương trình giảng dạy chất lượng cao
Vấn đề này thì không cần phải bàn cãi quá nhiều, giáo viên của trường Quốc lập có trình độ và phương pháp giảng dạy vô cùng ưu tú. Chương trình giáo dục cũng được đầu tư kỹ lưỡng, nghiên cứu kỹ càng trước khi được đưa vào áp dụng thực nghiệm. Ngoài ra, các trường Tiểu học Quốc lập thường tổ chức nhiều sự kiện để các giáo viên trường khác đến tham gia dự lớp học và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau nâng cao trình độ giảng dạy.
Ngoài ra, các trường Tiểu học Quốc lập cũng tích cực áp dụng những loại hình tiết học mới mẻ, đẩy mạnh việc học ngoại ngữ hay tích cực áp dụng việc thực hành trải nghiệm thực tế nhiều hơn vào giờ học. Ví dụ như, một số trường sẽ không yêu cầu học sinh sử dụng sách giáo khoa hay tập vở mà sẽ phát cho các con những tài liệu mà giáo viên đã biên soạn sẵn.
3.3 Nhược điểm
Trường học xa nhà, mất thời gian di chuyển
Như Hoa đã chia sẻ, các trường Quốc lập không phải có mặt khắp mọi nơi, vì vậy việc các con phải vác theo một chiếc balo ランドセル nặng trĩu trên vai và đi tàu điện đến trường là một điều khá vất vả. Đặc biệt, vào những buổi sáng tàu điện đông người, cơ thể các con cũng không quá lớn nên nhìn cảnh những bạn học sinh nhỏ tuổi chen chúc trên tàu điện Hoa thấy rất vất vả cho các con. Vì vậy, những vấn đề như tiền tàu đi lại, tiền điện thoại cho con để liên lạc cũng là một nhược điểm của trường Tiểu học Quốc lập so với trường Tiểu học Công lập.
Nhiều sự kiện ở trường cần phụ huynh hợp tác
Một nhược điểm nổi bật của trường Tiểu học Quốc lập là số lượng các sự kiện ở trường khá nhiều và thường phải có sự góp mặt của các bậc phụ huynh. Ngoài ra những sự kiện liên quan đến Hội phụ huynh cũng được tiến hành khá thường xuyên. Thậm chí ở vòng thi phỏng vấn, một số trường còn hỏi các phụ huynh là: “Cha mẹ có tích cực tham gia những sự kiện của Hội Phụ Huynh được không?”. Trong những trường hợp như thế này thì rất khó để mà các bố mẹ từ chối.
Không có nhiều bạn bè gần nhà
Chính vì đi học xa nhà, con cũng sẽ có ít cơ hội để tiếp xúc và chơi đùa với các bạn hàng xóm. Ở trường công lập, thường các con sẽ đi học về cùng nhau, tuy nhiên với trường Quốc lập, sau khi tan học mỗi em sẽ đi mỗi hướng, ít có cơ hội để chơi đùa với nhau. Chính vì không thể gặp mặt bạn bè thường xuyên và dễ dàng như thế, ngoại trừ việc các bố mẹ thân quen hay gặp gỡ nhau thì rất khó để các con có thể giao lưu được với nhau.
Chuyện tự học ở nhà và học thêm là không thể thiếu
Các trường Tiểu học Quốc lập thường tập trung đẩy mạnh sự tự chủ của học sinh, chính vì vậy dù cho ngày thường hay kì nghỉ hè, số lượng bài tập về nhà so của trường Tiểu học Quốc lập khá ít so với trường Công lập. Chính vì vậy các con sẽ rất khó để theo kịp tiến độ bài giảng nếu không chủ động học thêm ở nhà.
Ngoài ra, trường Tiểu học Quốc lập được coi là trường học thực nghiệm, chính vì mục đích giảng dạy học sinh mang tính chất nghiên cứu nên rất nhiều trường hợp giáo viên không tiến hành giảng dạy đúng như sách giáo khoa, thi thoảng sẽ “nhảy vọt” một vài kiến thức, không theo thứ tự từng bài. Vì vậy, việc đi học thêm cũng như tự luyện tập thêm ở nhà là vô cùng cần thiết. Nếu bố mẹ cứ nghĩ rằng việc học có thể yên tâm giao cho phía trường học lo liệu, thì sau này rất có khả năng con sẽ không theo kịp bài vở.
Trường tiểu học Tư Lập 私立小学校
4.1 Đặc điểm nổi bật:
Không giống như trường Tiểu học Công lập, các trường Tiểu học Tư lập Nhật Bản cũng đòi hỏi kỳ thi đầu vào với độ khó dễ tùy vào mỗi trường. Ngoài ra, từng trường sẽ có những phương châm giáo dục và mục tiêu giảng dạy khác nhau, giáo viên cũng chủ động dựa theo đó để giảng dạy. Tuy có xét chọn cẩn thận đầu vào những trường Tư lập không hỗ trợ miễn giảm học phí, phụ huynh phải tự chi trả học phí và các chi phí liên quan. Chính vì thế mà những người Nhật có điều kiện cũng hay cân nhắc cho con em theo học trường Tư lập.
Ngoài ra, một điểm nổi bật của các trường Tiểu học Tư lập là tính ổn định trong phương châm dạy học, vì hầu như các giáo viên trường Tư lập sẽ gắn bó lâu dài với trường thay vì chuyển công tác định kỳ như trường Tiểu học Công lập.
4.2 Ưu điểm:
Năng lực nền tảng của học sinh rất cao
Chính vì đa số học sinh các trường Tiểu học Tư lập toàn là các bạn xuất sắc vượt qua kỳ thi mới được nhập học vào trường, nên ngay từ lớp 1, các bạn học sinh Tư lập đã được yêu cầu phải ổn định chỗ ngồi một cách ngay ngắn trước khi buổi học bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên.
Ngoài ra, chất lượng của các buổi học so với mặt bằng chung được đánh giá khá cao vì các bạn học sinh đều có kiến thức cơ bản về khái niệm chữ số, phương pháp ghi nhớ cũng như tư duy suy nghĩ.
Tính ổn định cao
Việc các giáo viên chuyển công tác định kỳ hầu như là không có, giáo viên của trường Tiểu học Tư lập cũng được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm cũng như sự gắn bó lâu dài với công tác dạy học. Vì vậy, các con có thể yên tâm học hành trong một môi trường giáo dục ổn định mà không phải thích nghi với sự thay đổi quá nhiều.
4.3 Nhược điểm
Mất thời gian và tiền bạc cho việc đi lại
Tùy vào địa điểm của từng trường mà việc mất nhiều thời gian để di chuyển cũng như chi trả chi phí đi lại được xem là khá tốn kém. Có những em mùa đông phải dậy từ rất sớm để đi học, di chuyển bằng tàu điện 1 tiếng là bình thường, có những em còn mất cả 1 tiếng rưỡi. Ngoài ra, cũng giống như trường Quốc lập, vì đi học xa nhà nên chuyện ra về cùng bạn bè hay giao lưu với các bạn hàng xóm hầu như khá hiếm.
Chi phí đắt đỏ, tốn kém
Điều khác biệt nổi bật nhất của trường Tư lập so với các trường khác chính là học phí. Nếu phụ huynh không phải trả tiền học phí cho trường Công lập và Quốc lập thì với trường Tư lập, tiền học mỗi năm lên đến hơn cả 70.000JPY. Tính luôn cả những vật dụng được chỉ định phải mua sắm như đồ dùng học tập, đồng phục hay quyên góp thì ít nhất cũng phải mất đến 100 MAN một năm.
Ngoài ra, một nhược điểm nữa phải kể đến đó chính là nhiều trường Tiểu học liên thông lên thẳng từ cấp 1 đến cấp 2, cấp 3 nên học sinh không cần phải thi chuyển cấp, không cần phải học hành hay ôn thi vất vả đề có thể đậu được trường mình mong muốn. Điều này dẫn đến một số học sinh trở nên lười học và ham chơi.
Trường Quốc Tếインタースクール
5.1 Đặc điểm nổi bật
Trường Quốc Tế có học phí rất cao, có khi phải tốn 300 đến 500 man 1 năm cho tiền học phí và các loại chi phí liên quan. Tuy nhiên, đổi lại, cho con đi học trường Quốc Tế bạn sẽ được đảm bảo một môi trường giáo dục toàn diện, đạt chuẩn Quốc Tế, cam kết giúp con có một năng lực ngoại ngữ ổn định để định hướng đi du học nước ngoài sau này. Ở trường Quốc Tế, con cũng có nhiều cơ hội trải nghiệm với nhiều bạn bè quốc tế, tiếp xúc các nền văn hóa khác nhau, góp phần vào quá trình phát triển tư duy hội nhập quốc tế sau này.
5.2 Ưu điểm:
Trình độ tiếng anh vượt trội
Ưu điểm nổi bật nhất của các trường Quốc Tế chính là việc đảm bảo rằng con em chúng ta sẽ có một trình độ tiếng Anh vượt trội. Hầu hết các lớp học đều tổ chức bằng tiếng Anh, một số trẻ em Nhật khi vào học cũng cảm thấy khó khăn thời gian ban đầu, nhưng dần dần, rất nhiều em học sinh có thể trở nên đối thoại, giao tiếp một cách tự tin.
Việc đạt được trình độ 英検1級,TOEIC 950 điểm, TOEFL hơn 100 điểm trước khi bước vào Đại Học cũng không có gì là quá khó khăn. Ngay từ khi vào trường, các con sẽ được phân chia theo trình độ và năng lực của bản thân, nhà trường sẽ tích cực thúc đẩy việc học ngoại ngữ của các con.
Ngoài ra, có một số trường Quốc Tế áp dụng tiếng Nhật là môn học bắt buộc nên con em không mang quốc tịch Nhật sẽ có năng lực Đa ngôn ngữ (Bilingual ). Ngược lại, cũng có những trường quốc tế dạy tiếng Nhật như một môn ngoại ngữ 2 thôi, với trường hợp này thì bé thường có khuynh hướng không quá giỏi tiếng Nhật.
Chất lượng giáo dục quốc tế
Vì là trường Quốc Tế nên mô hình giảng dạy và chất lượng giáo dục cũng được định hướng theo tầm quốc tế, với chương trình học phong phú đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều trường Quốc tế với những đặc điểm như: Trường của Anh Quốc thì hay áp dụng chương trình học của Oxford hay Cambridge, trường Mỹ thì theo chuẩn của Mỹ, Trường Ấn độ thì mang thế mạnh các môn về toán và máy tính…
Ngoài ra, các con được phát triển khá toàn diện không những về mặt kiến thức mà còn về những kỹ năng khác như âm nhạc, hội họa, thuyết trình, đóng kịch,… Có nhiều trường Quốc tế còn nhận dạy các bé từ 3 tuổi. Bé được dạy hết các môn âm nhạc, hội hoạ, học chữ… Như vậy, bố mẹ không cần phải dạy gì nhiều thêm ở nhà, chỉ giao tiếp với con là đủ.
Nhiều trường Quốc Tế dạy các bé từ cấp độ Tiểu học lên đến Cấp 3. Nhưng tới cấp bậc Đại học thì sẽ có xu hướng tiến cử cho học sinh theo học Đại học của nước ngoài. Thực tế, ít ai cho con học trường Quốc Tế rồi lại định hướng cho con học Đại học tại Nhật Bản. Tuy nhiên, có một vài trường đại học top đầu của Nhật Bản tích cực thành lập những khoa nhận riêng cho sinh viên quốc tế hoặc học sinh học Trường quốc tế trong nước Nhật.
Giao lưu, kết bạn với nhiều bạn bè quốc tế
Việc các con có cơ hội kết bạn với người nước ngoài ở Nhật không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, ở trường Quốc Tế, các em sẽ có nhiều cơ hội để tiếp xúc và giao lưu với nhiều bạn bè đến từ nhiều quốc gia trên thế giới ngay tại trường học. Việc tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế mỗi ngày cũng giúp khả năng phản xạ với ngoại ngữ của con trở nên tốt hơn.
Học được cái nhìn đa chiều, có tính quốc tế
Một điểm nổi bật của trường Quốc Tế mà các trường học ở Nhật không dạy cho học sinh là những vấn đề mang tính quốc tế và cái nhìn đa chiều, đa văn hóa. Ở trường Quốc Tế, với đặc điểm tập trung nhiều học sinh đến từ đa quốc gia, nên các em học sinh cũng được học nhiều điều mới lạ về thế giới xung quanh, từ các nước bạn thay vì bó hẹp phạm vi trong đất nước Nhật Bản. Trong thời đại toàn cầu hóa như bây giờ, việc có những cái nhìn đa chiều đa văn hóa từ còn nhỏ là vô cùng quan trọng
Cơ hội có được “tấm vé” vào các trường đại học Quốc Tế
Rất nhiều học sinh theo học ở trường Quốc Tế ngay từ nhỏ, có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiến thức đa văn hóa, đa quốc gia cũng như có cho mình một trình độ tiếng Anh ổn định. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp các em mở ra cánh cửa cơ hội bước chân đi du học trong tương lai, có tự tin để tham gia ứng tuyển vào các trường Đại Học nổi tiếng trên toàn thế giới.
Đặc biệt, nhiều trường Quốc Tế sẽ định hướng và đào tạo để học sinh tham gia Chương trình Tú tài Quốc tế IB (International Baccalaureate Diploma Programme – gọi tắt là Chương trình IB). Nếu dành được điểm cao trong kỳ thi này, các con không những có cơ hội dễ dàng tham gia vào các trường Đại Học hàng đầu trên khắp thế giới mà cơ hội được tuyển thẳng vào các Đại Học Top đầu ở Nhật là vô cùng cao.
5.3 Nhược điểm:
Học phí cao – Trung bình 1 năm đến 300 man
Học phí của các trường Quốc Tế cũng sẽ thay đổi khác nhau tùy trường, nhưng nhìn chung đều khá đắt đỏ. Trung bình học phí 1 năm của trường Quốc Tế rơi vào độ khoảng tầm 200 -300 man 1 năm. Thêm vào đó là các khoản chi phí phát sinh cho tiền sách giáo khoa, đi kiến học ở nước ngoài,…cũng chiếm một phần không nhỏ.
Nếu phụ huynh nào dự định cho con em mình theo học trường Quốc tế suốt 3 cấp bậc trong vòng 12 năm thì số tiền phải bỏ ra có thể lên đến 3000 man. Số tiền này thì hoàn có thể đầu tư để mua một căn hộ hoặc một chiếc xe hơi cao cấp. Vì vậy, vấn đề học phí là một trong những yếu tố chính mà rất nhiều phụ huynh cân nhắc khi cho con học theo học trường Quốc Tế.
Con đường đi lên đại học khá hạn hẹp
Về cơ bản, các trường Quốc tế không hướng dẫn học sinh những phương pháp học luyện thi phù hợp với kỳ thi đầu vào của Đại Học. Vì vậy, tương lai khi quyết định thi vào trường Đại Học của Nhật, những học sinh trường Quốc Tế có thể coi là khá bất lợi so với các học sinh bình thường khác. Trừ khi các con hoàn thành xuất sắc và đạt được kết quả trong chương trình IB, cơ hội được đặc cách vào thẳng các Đại Học liên thông trong nước là khá cao.
Di chuyển xa, quy mô trường còn ít
Số lượng trường Quốc Tế ở Nhật vẫn còn khá hạn chế, và không phải ở đâu cũng có. Vì vậy các em học sinh phải chấp nhận đi học xa nhà và di chuyển khá mất thời gian. Ngoài ra quy mô trường Quốc Tế khá nhỏ, một cấp độ chỉ có tầm 2 – 3 lớp, điều này sẽ gây hạn chế trong việc con em có cơ hội va chạm với những tập thể lớn. Tuy nhiên, vì lớp học ít người nên giáo viên sẽ dễ dàng quản lý và theo sát con hơn. Ngoài ra, các điều kiện để thi vào các trường Quốc Tế cũng còn khá khắt khe và không phải dễ dàng.
———-
Đối với gia đình của Hoa thì đang có một sự mâu thuẫn nhỏ giữa hai vợ chồng trong việc lựa chọn trường cho các con. Chồng Hoa có mong muốn để con tự do tự tại, vô lo, không quá áp lực chuyện học hành nên muốn định hướng cho con vào trường Công lập. Còn cá nhân Hoa thì lại cân nhắc chọn lọc kỹ càng để cho con theo học một trong 3 loại trường còn lại: trường Quốc lập, trường Tư lập hoặc trường Quốc tế, mong muốn con có thể học tập và phát triển trong một môi trường tốt nhất.
Thời gian trước, Hoa cũng có tìm hiểu và tham khảo một số kỳ thi đầu vào của những trường Quốc Tế. Hoa nhận thấy bài thi khá khó, không những các con phải thi chữ hay IQ,… mà còn phải thi cách cư xử cơ bản trong cuộc sống như: Bé có biết dọn dẹp hay không? Lễ phép hay không? Rồi muốn vào được trường thì phải cần xin Thư giới thiệu của nhiều bên mới có phần thuận lợi hơn. Mặc dù có khá nhiều trở ngại ở đầu vào nhưng khi cân nhắc và tính toán đến các ưu điểm như: lộ trình học tập, trình độ giảng dạy cũng như bố mẹ không cần can thiệp hoặc cho con đi học thêm bên ngoài thì trường Quốc tế chắc chắn là lựa chọn vô cùng tốt cho trẻ.
Hiện tại, hai bé nhà Hoa đang khá tự do tự tại, rất năng động và vô tư, mình cũng không có ý định ép con học hành khi con chưa đến tuổi. Nhưng bố mẹ nào cũng vậy, ai cũng muốn chọn cho con môi trường tốt nhất để con vừa tự do phát triển kỹ năng riêng mà vẫn có thể đảm bảo việc tiếp thu kiến thức toàn diện.
Trên đây, Hoa đã nêu ra những đặc điểm nổi bật cũng như so sánh chi tiết ưu nhược điểm của các trường Tiểu học ở Nhật Bản. Hy vọng các phụ huynh Việt Nam đang sinh sống ở Nhật sẽ chọn được định hướng phù hợp nhất cho con của mình khi bé vào lớp 1 để bé có thể phát huy kỹ năng tiềm ẩn và kiến thức toàn diện một cách tốt nhất.