Vấn đề “nhảy việc” liên tục là tốt hay xấu được khá nhiều người tranh luận. Người bảo vệ thì nói đó là khi cá nhân không phù hợp với môi trường doanh nghiệp hoặc tìm kiếm được một vị trí có mức lương tốt hơn, người phản đối thì nói nhảy việc nhiều sẽ khiến nhà tuyển dụng thiếu tin tưởng vào cá nhân hay thay đổi môi trường, hôm nay Hoa sẽ chia sẻ góc nhìn của Hoa về vấn đề có đôi chút nhạy cảm này.
Hoa luôn cho rằng, mỗi vấn đề đều tồn tại 2 mặt tốt và xấu. Vậy nhảy việc nhiều sẽ có lợi ích và bất cập gì? Và khi nào thì nên nhảy việc?
1. Lợi ích của việc nhảy việc nhiều
Về mặt lợi ích, Hoa cho rằng một người nhảy việc nhiều sẽ cho bản thân họ cơ hội làm quen nhiều người, đồng nghĩa với việc có cơ hội tiếp xúc và phát triển “không gian mới” cho bản thân. Có thể những mối quan hệ trong quá trình nhảy việc sẽ đem lại những luồng thông tin mới, cũng như cơ hội kinh doanh bất chợt sau này.
Nhảy việc cũng sẽ giúp cho bạn có thêm cơ hội khám phá thêm năng lực của bản thân. Nếu bạn dũng cảm bước ra khỏi vòng an toàn khi có một công việc quen thuộc đến nhàm chán, mức lương ổn định để tìm một vị trí mới phù hợp hơn…. thì điều đó chứng tỏ bạn đang không ngừng nỗ lực thử thách và thay đổi bản thân. Nhảy việc nhiều cũng có nghĩa bạn đang tìm kiếm một môi trường phù hợp với cá tính của mình, cũng như tìm kiếm một “tổ chim mới” để cất cánh bay xa hơn trong tương lai.
Hoa cho rằng, nhảy việc liên tục sẽ giúp người trẻ rèn luyện được việc thích nghi ở nhiều môi trường, văn hóa khác nhau, giúp nâng cao kỹ năng mềm giao tiếp mà nó còn giúp rèn luyện những kỹ năng cứng như kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty khác nhau về quy mô lẫn cách thức vận hành.
Nhảy việc cũng giúp bạn có cơ hội cải thiện thu nhập. Các công ty có những chế độ thu nhập hấp dẫn, chính sách đãi ngộ và phúc lợi đầy đủ luôn là miếng bánh thơm thu hút các bạn trẻ hướng đến. Không thể phủ nhận rằng đây là một trong những lý do khiến nhiều bạn trẻ nhảy việc liên tục để tìm kiếm chế độ đãi ngộ xứng đáng với năng lực của bản thân.
2. Bất cập của việc nhảy việc nhiều
Bên cạnh lợi ích thì nhảy việc nhiều cũng có những bất cập nhất định. Bất cập đầu tiên mà Hoa cần phải nhắc đến đó chính là tâm lý e ngại từ những nhà tuyển dụng. Rất nhiều doanh nghiệp trong đó có Hoa luôn luôn đề cao sự gắn bó của một nhân viên với công ty. Một ứng viên tiềm năng khiến Hoa thu hút thì ngoài những kinh nghiệm “bóng bẩy” trình bày trong CV thì thời gian gắn bó với những công ty cũ cũng là yếu tố khiến Hoa cân nhắc và đánh giá. Với nhiều nhà tuyển dụng, một ứng viên nhảy việc nhiều mang lại cảm giác thiếu an toàn, cũng như khó giữ chân cá nhân ở lại với doanh nghiệp.
Bất cập thứ hai mà Hoa đề cập đến đó là lãng phí thời gian của chính bạn. Việc tìm kiếm thông tin, phỏng vấn và thử việc tốn rất nhiều thời gian. Nếu bạn ổn định tại một công ty bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm tại nhiều dự án của công ty, đồng thời trở thành nhân viên quan trọng, khó có thể thay thế với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục trong trạng thái thử việc bạn sẽ khó có thể thể học hỏi được về chuyên môn và hiểu rõ về công việc của mình. Một nhân viên sẽ cần từ 6 tháng trở lên để có thể hoàn toàn quen thuộc và thành thạo với công việc hiện tại của mình. Vì vậy, việc liên tục trong trạng thái thử việc ở các công ty sẽ là một bất lợi cho bạn.
Hoa cũng cho rằng, nhảy việc nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình bạn xây dựng networking của riêng mình. Bởi để đạt được thăng tiến và thành công trong sự nghiệp bạn cần phải cần duy trì các mối quan hệ trong ngành để hỗ trợ lẫn nhau trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, nhảy việc thường xuyên khiến bạn khó duy trì và khiến các mối quan hệ trong công việc trở nên thân thiết.
3. Những lý do khiến chúng ta cần cân nhắc việc nhảy việc
Làm ở bất kỳ môi trường nào, ta cũng sẽ có những niềm vui, những bất mãn nhất định. Tuy nhiên, không phải lúc nào có bất mãn là ta có thể quyết định nghỉ và nhảy việc ngay lập tức. Hoa sẽ chia sẻ một số điểm mấu chốt mà bạn nên cân nhắc nghỉ việc như sau:
Thứ nhất là quan hệ đồng nghiệp. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến mà nhân viên thường quyết định nghỉ việc: không hợp với sếp, bị đồng nghiệp bắt nạt, không được tin tưởng… Ở trong môi trường này, ta khó thể phát triển hết khả năng và có được những sự chỉ dẫn tận tình từ đồng nghiệp. Nếu bạn đánh giá môi trường làm việc đang trong tình trạng này thì Hoa nghĩ rằng bạn nên cân nhắc việc nhảy việc.
Thứ hai là nội dung công việc. Đã đi làm chúng ta nên có một kế hoạch lâu dài cho công việc, có thể là 5 năm, 10 năm… Khi đó, bạn sẽ dễ dàng đánh giá nội dung công việc hiện tại của bạn có phù hợp với kế hoạch tương lai hay không? Nếu không, thì nhảy việc là một sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, Hoa cũng biết có nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn chưa xác định được định hướng của bản thân, mình muốn gì, làm gì hay điểm mạnh của mình là gì. Thì Hoa khuyên rằng các bạn nên thử thách hết mình ở cty hiện tại ở nhiều vị trí khác nhau (muốn có đc cái này thì khi có vấn đề thì cần trao đổi với leader trực tiếp hoặc lãnh đạo công ty). Cố hết sức, thử thách chính mình nhưng mà vẫn cảm thấy không phù hợp thì ta mới nên tìm môi trường mới phù hợp hơn. Đừng chưa thử cố gắng, đã bỏ cuộc thì rất không nên nhé.
Thứ ba là phúc lợi xã hội và lương. Đây là một trong số ít các lý do mà các bạn nên cân nhắc trước khi quyết định nghỉ việc. Ở Nhật hay cả Việt Nam, đều sẽ có một số công ty mà ta hay gọi là “Black Company”. Những công ty này thường ép nhân viên làm việc quá sức, hay chèn ép lương, không trả bảo hiểm vv… Nếu xảy ra các trường hợp trên, thì các bạn hãy nhớ nói chuyện với cấp trên của mình để giải quyết rõ mâu thuẫn. Đôi khi chỉ là sự hiểu lầm đơn giản cũng sẽ khiến motivation của chúng ta hạ xuống “không phanh” các bạn nhỉ!
4. Lựa chọn thời điểm nghỉ việc phù hợp
Thời điểm: Dù bạn có muốn nghỉ việc đến đâu đi nữa thì hãy cố gắng tìm thời điểm mà khi bạn nghỉ việc gây ít ảnh hưởng nhất đến công ty. Vì khi làm ở môi trường đấy, thì những việc hay vai trò bạn đang phải đảm nhiệm sẽ cần một thời gian để bàn giao cho người khác. Việc nghỉ việc đột xuất sẽ làm gián đoạn tất cả các công việc của team hay của công ty. Đây cũng là trách nhiệm của các bạn đối với công việc đang làm dở dang và là một cách ứng xử có đạo đức mà một nhân viên nên có.
Khoảng thời gian làm việc: Không nên nghỉ việc khi mới làm việc chỉ trong một khoảng thời gian quá ngắn. Nhảy việc nhiều chỉ trong khoảng thời ngắn sẽ khiến các nhà tuyển dụng không có ấn tượng tốt với bạn. Họ sẽ nhìn nhận rằng bạn là một người rất dễ bỏ cuộc, không có kiên nhẫn làm lâu dài hay không phải đối tượng phù hợp để đồng hành lâu dài. Vì vậy Hoa có một lời khuyên cho các bạn rằng “Khi mình mới vào một môi trường mới, hãy cố gắng làm lâu nhất có thể, ít nhất cũng phải trên 1 năm”.
Thông báo trước khi nghỉ: Tuỳ vào hợp đồng hay cam kết lao động khi mới vào công ty, sẽ có yêu cầu thông báo trước khi nghỉ ít nhất vài tháng. Nếu nghỉ đột xuất, bạn sẽ vi phạm hợp đồng lao đồng và công ty hoàn toàn có quyền kiện hay không trả lương cho bạn trong tháng gần nhất đó. Nhớ kiểm tra kỹ hợp đồng lao động trước khi có quyết định nghỉ việc nhé!
Thú thật, trong quá trình Hoa gây dựng và phát triển ONE-VALUE, Hoa thấy rằng, một nhân sự nhảy việc nhiều sẽ gặp nhiều bất lợi hơn. Hoa cũng biết cực chẳng đã các bạn mới phải nhảy việc nhưng trước khi nhảy việc, Hoa mong các bạn có thể suy nghĩ thật kỹ về lợi và hại trước khi chọn cho mình lối đi mới. Khó khăn hay cơ hội là tùy thuộc và con mắt bạn nhìn nhận sự việc.
Ý kiến của bạn về vấn đề nhảy việc là gì, hãy cùng chia sẻ với Hoa quan điểm của bạn nhé!
Chúc bạn thành công!