Tại sao cần kỹ năng quản lý cấp trên trong công việc?

Trong bài viết này, Hoa sẽ chia sẻ cho các bạn một kỹ năng vô cùng quan trọng khi đi làm đó là kỹ năng quản lý cấp trên.

Nếu bạn là chủ hoặc là cấp quản lý doanh nghiệp, bạn sẽ hiểu hơn về cách xây dựng một đội ngũ nhân viên chất lượng và cách định hướng cho họ để hoàn thành các mục tiêu doanh nghiệp. Nếu bạn đang ở vị trí nhân viên, qua bài viết này, Hoa hi vọng bạn sẽ hiểu cấp trên của mình hơn và có định hướng cụ thể để phát triển bản thân trong công việc hơn. Về kỹ năng quản lý cấp trên sẽ có 6 phần như sau: 

1. Hiểu được mục tiêu của cấp trên

Để có thể phối hợp ăn ý với sếp trong công việc thì nên trực tiếp hỏi sếp về mục tiêu sắp tới của công ty. Nếu như cấp trên của bạn là sếp tổng của công ty, bạn sẽ biết được tầm nhìn, định hướng, KPI… phát triển của toàn công ty. Nếu cấp trên là trưởng phòng, bộ phận thì bạn sẽ nắm được mục tiêu, kế hoạch , doanh thu cần đạt của tháng tiếp theo là gì. Nếu biết trước được những mục tiêu này, chúng ta sẽ có sự đồng cảm với sếp, nếu có lỡ bị sếp mắng thì mình cũng dễ dàng đưa ra những đề xuất để giải quyết vấn đề cùng sếp.  

2. Trao đổi về phong cách làm việc với cấp trên

Bạn cứ thẳng thắn hỏi sếp về cách thức, hình thức làm việc của sếp và nói cho sếp biết phong cách của bản thân mình như thế nào để có sự điều chỉnh phù hợp. Cấp trên thường thích nhân viên báo cáo ngày, tuần, tháng, quan tâm đến thời gian có thể dễ dàng liên lạc để chỉ đạo. Còn bạn, nếu bạn nói rõ phong cách làm việc của mình thì sẽ thuận lợi hơn trong công việc.

Chẳng hạn trong việc nhận chỉ thị từ sếp, bạn thích và phù hợp với chỉ thị gián tiếp (high context) hay chỉ thị trực tiếp (low context). Nếu bạn chỉ cần sếp đưa ra mục tiêu, và sau khi có kết quả thì trình lên sếp, còn cách thực hiện thì bạn có thể tự làm theo cách của chính mình thì phong cách làm việc của bạn là high context. Ngược lại, nếu bạn cần cấp trên chỉ dẫn tận tình từ cách thực hiện cụ thể thì bạn phù hợp với low context. Hãy nói cho cấp trên biết bạn thoải mái nhất khi làm việc là cách nào nhé. 

Trao đổi về phong cách làm việc với cấp trên

3. Thể hiện được năng lực của bản thân

Khi bạn đã hiểu được mục tiêu của sếp, hiểu được sếp cần phải đạt được cái gì trong năm nay, thì bạn sẽ hiểu được rằng mình có thể đóng góp điều gì trong đó. Nếu bạn hiểu được điều đó thì bạn hãy tích cực chia sẻ với sếp, rằng việc bạn đang muốn thực hiện, muốn đóng góp vào mục tiêu là gì. Và như thế, cấp trên cũng sẽ dễ dàng giao việc cho bạn hơn và dĩ nhiên là sẽ đánh giá thái độ làm việc của bạn là vô cùng tốt.

Ai cũng muốn được cấp trên giúp đỡ, ai cũng muốn công ty, đội nhóm cùng hướng về một mục tiêu chung nên bạn thể hiện sự giúp đỡ của mình đối với team và đối với sếp là một điều luôn luôn được cấp trên mong mỏi ở một người nhân viên. 

4. Hiểu được mục tiêu mà cấp trên đang kỳ vọng của bản thân mình

Như Hoa vừa nói ở trên: việc hiểu mục tiêu của sếp và việc thể hiện rằng mình sẽ giúp sếp được cái gì là quan trọng. Nhưng theo đó, bạn cũng phải làm rõ được mục tiêu của bạn trong công việc chung và các bạn cần phải xác nhận với sếp về mục tiêu đó đã phù hợp với kỳ vọng của sếp hay chưa.

Nếu như chúng ta xác nhận được cái kỳ vọng đó ngay từ thời điểm chúng ta mới bắt đầu dự án hoặc là mới vào công ty thì chúng ta sẽ có một định hướng vô cùng rõ ràng và khi mà sếp đánh giá kết quả làm việc của các bạn thì sẽ có một cái chuẩn để chúng ta có thể đối chiếu.

Nếu như chúng ta không dành cái thời gian ngay từ thời điểm ban đầu để trao đổi với sếp về cái mục tiêu của mình thì sau 6 tháng, sau một năm, chúng ta nhìn lại thì sẽ rất khó để đánh giá thành quả của bạn suốt thời gian qua. Hơn cả là, chúng ta có cảm giác là chúng ta bị đánh giá sai. Hoặc sếp của bạn cũng không nhớ là đã giao việc gì cho bạn hay đã phải dạy các bạn những gì. Cho nên, việc bạn tự đặt ra cho mình một mục tiêu 6 tháng, 1 năm, 3 năm là điều quan trọng các bạn nhé. 

5. Hiểu được hoàn cảnh, bối cảnh trong công việc

Để nhận thấy việc bạn làm ý nghĩa hơn và công việc của bạn sẽ đóng góp một cách tích cực hơn trong công việc chung thì việc nắm bắt được hoàn cảnh toàn diện của công việc là vô cùng quan trọng.

Khi được sếp giao cho một nhiệm vụ cụ thể nào đó, có thể là bạn không nắm được toàn bộ bối cảnh, không nắm được ý nghĩa công việc của mình, đóng góp cho cái chung như thế nào, bạn chỉ nhìn thấy nhiệm vụ công việc của mình rất là nhỏ và đôi khi sẽ cảm thấy chán nản, không biết rằng ý nghĩa của công việc mình làm là gì. Vì vậy, để làm việc một cách chủ động, bạn hãy tìm hiểu bối cảnh của công việc, bối cảnh của công ty đang triển khai. Nếu như chúng ta không thể tự tìm hiểu được hoặc công ty không còn buổi orientation (định hướng) cụ thể nào để bạn tham gia, hãy bày tỏ nguyện vọng này với cấp trên. 

6/ Chia sẻ với cấp trên về phương hướng và các kỹ năng phát triển của bản thân

Để sếp có thể tạo điều kiện và hỗ trợ, đưa ra cho bạn những định hình, những nấc thang thăng tiến theo đúng định hướng phát triển bản thân của bạn. Hãy chia sẻ với sếp hoặc phòng nhân sự: trong năm tới bạn muốn đạt được mục tiêu gì, muốn có được kỹ năng gì, muốn được hướng dẫn những vấn đề gì, muốn được tiếp xúc nhiều hơn với cái gì… 

Trong bài viết này, Hoa đã chia sẻ với các bạn 6 điều để có thể quản lý cấp trên. Là một người sếp, Hoa cảm thấy rất là thích nếu như có một người cấp dưới luôn luôn hiểu được mục tiêu của Hoa, hiểu được mục tiêu của công ty, hiểu được phong cách làm việc của mình, chia sẻ với Hoa về định hướng, những suy nghĩ cũng như những khó khăn của bạn ấy.

Nếu bạn có một người cấp trên như vậy, bạn sẽ cảm thấy rất yên tâm khi làm việc. Hãy cố gắng chia sẻ với cấp trên của mình, quản lý của mình vì giúp đỡ sếp của mình thành công chính là giúp các bạn thành công đấy. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *