Trường quốc tế ở Nhật Bản – Tất cả đặc điểm cần biết khi chọn trường cho con

Có nên cho con học trường quốc tế tại nhật bản

Trong khoảng thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang tranh luận sôi nổi về các vấn đề xoay quanh trường quốc tế. Nhiều vấn đề được đặt ra gây tranh luận trên các trang như: Có nên cho con em mình học ở trường quốc tế hay không? Học phí trường quốc tế như thế nào, lợi ích khi học trường quốc tế là gì?…Không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Nhật Bản, Hoa cũng nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến trường quốc tế tại Nhật. 

1. Các loại hình trường quốc tế tại Nhật  

Các loại hình trường quốc tế tại Nhật  

1.1. Nhóm thứ nhất: Trường Quốc tế chuẩn “xịn”  

Các trường quốc tế này thường là những trường nổi tiếng và có các hệ từ 3 tuổi tới hết lớp 12. Một số trường chỉ có tới hết cấp 2 nhưng số này ít. Những trường này được cho là quốc tế “xịn” vì nó đạt chuẩn do các tổ chức uy tín công nhận trên toàn thế giới như dưới đây:  

  1. WASC (Western Association of Schools and Colleges) 
  2. CIS (Council Of International) 
  3. ECIS (European Council of International Schools) 
  4. ACSI (Association of Christian Schools International) 
  5. IB (International Baccalaureate Learning Program) 
  6. Cambridge International Curriculum 

Thường những trường thuộc diện này không chịu sự quản lý (Chỉ định) của Bộ Giáo Dục Nhật Bản (MEXT), họ dạy theo chương trình hoàn toàn quốc tế, nên chương trình học có thể là: Chuẩn Mỹ, Chuẩn Anh, Chuẩn IB chứ không phải chuẩn Nhật. Vì thế không chú trọng dạy tiếng Nhật hay văn hóa Nhật, lịch sử Nhật. Tiếng Nhật thỉnh thoảng được dạy như 1 ngôn ngữ thứ hai. Vì thế,khi tốt nghiệp cấp 3 ở những trường quốc tế chuẩn xịn này thì con bạn lại không đủ điều kiện để đi thi đại học ở Nhật Bản. Nghĩa là Bộ Giáo dục Nhật không công nhận trình độ đó. Vì thế nếu học sinh tốt nghiệp từ trường quốc tế tiêu chuẩn muốn thi đại học tại Nhật sẽ cần tham gia một kỳ thi gọi là chứng chỉ tương đương đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông chính quy tại Nhật, gọi là 高卒認定試験. Kỳ thi này diễn ra 2 lần trong năm (tháng 8 và tháng 11), và từ 16 tuổi trở lên có thể đăng ký tham gia. Chứng chỉ này cũng dễ lấy thôi nếu bạn học trường quốc tế ở Nhật, nhưng phải lấy mới đủ điều kiện. Gần đây một số trường đại học mở rộng cửa với du học sinh và các sinh viên học trường quốc tế có thể nhận ứng viên thi vào mà không cần giấy tương đương tốt nghiệp cấp 3 như nói trên với điều kiện ứng viên đó học theo trương trình IB.  

Về mức học phí của các trường này thường tầm khoảng 250 man – 450 man một năm. Cùng với các chi phí xe buýt, dã ngoại, cơ sở vật chất, học ngoài giờ,… tổng ngân sách một năm có thể lên đến 350 man – 550 man/ năm (700 triệu VNĐ tới 1,1 tỉ VND/ năm).

Có một lưu ý là các thủ tục đăng ký nhập học những trường quốc tế dạng này này khá khắt khe và thường hạn chế số lượng người Nhật được nhập học ( Ví dụ dù người Nhật có xin vào nhiều tới đâu đi nữa thì cũng không vượt quá 30% tổng số học sinh v.v.). Hầu hết các trường quốc tế chuẩn hay yêu cầu học sinh phải là con của người nước ngoài, con lai hoặc người Nhật đã từng sinh sống ở nước ngoài,… Các trường thuộc diện này bên cạnh phỏng vấn học sinh, còn phỏng vấn cả bố mẹ của học sinh đó để hiểu rõ hơn về lý lịch, nghề nghiệp, phương châm giáo dục của gia đình. Với những trường quốc tế chuẩn, họ sẽ hướng đến việc phương châm giáo dục của gia đình có phù hợp với triết lý giáo dục của nhà trường hay không, từ đó lựa chọn những học sinh phù hợp. Họ cũng yêu cầu phụ huynh hỗ trợ nhà trường, tham gia các hoạt động tình nguyện, hoặc phụ huynh cam kết sẽ hỗ trợ và quan tâm việc học của con tại nhà. Chủ yếu trường chọn học sinh là chính, chứ không phải học sinh chọn trường hay có tiền là vào được. Chọi đầu vào của các trường quốc tế nổi tiếng cũng khá khó khăn. Tỉ lệ từ 1 chọi 3 cho tới 1 chọi 10 là bình thường. 

Thông thường, những học sinh học tại trường quốc tế xịn kiểu này sẽ thường hướng đến việc học tập tại các trường đại học tại nước ngoài. Một số trường tốt có chế độ đào tạo giúp học sinh hướng tới việc thi đỗ các đại học lớn như Stanford, Harvard, Oxford, Cambridge, đại học thuộc khối Ivy League.  

1.2. Nhóm thứ hai: Trường Quốc tế gần chuẩn/ Song ngữ Nhật – Anh 

Các trường quốc tế này mặc dù không được công nhận bởi các tổ chức toàn cầu quốc tế, nhưng cơ sở vật chất và chất lượng dạy học của những trường quốc tế cấp trung khá tốt. Hầu hết những trường này thường chịu sự quản lý và có chương trình học thiết kế của Bộ Giáo Dục Nhật Bản (MEXT) và có pha trộn các yếu tố giáo dục nước ngoài. Vì vậy, nếu tốt nghiệp ở những trường quốc tế gần chuẩn này thì học sinh có thể đủ điều kiện để thi đại học tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu có nguyện vọng ra nước ngoài du học, thì giấy tốt nghiệp từ những trường này có giá trị thấp hơn so với trường quốc tế loại 1 ở trên. 

Tại những trường quốc tế gần chuẩn này, chương trình học thường được đi theo hướng song ngữ (Bilingual) Anh – Nhật. Theo Hoa, Bilingual có thể coi là một trong những điểm mạnh của trường quốc tế cấp trung. Con em theo học trường này có thể nói cả 2 thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Nhật. Ngoài ra, chương trình học cũng lồng ghép rất nhiều  điểm tinh hoa giáo dục Nhật – Hoa khá thích điểm này vì giáo dục Nhật cấp 1 rất tốt. Trường thuộc diện này thì không có hạn chế về quốc tịch của học sinh.   

Về học phí sẽ thường không quá đắt nếu so sánh với các trường quốc tế chuẩn xịn, thường dao động từ 100 man đến 200 man/ năm, cũng tương đương với học phí của nhiều trường tư thục cao cấp tại Nhật. Đương nhiên, đây cũng vẫn là một con số khá cao với nhiều gia đình, và nếu so sánh với các trường công lập khác. 

Như vậy, ưu điểm khi cho con học trường này đó là: Học Anh – Nhật song song, sau khi tốt nghiệp vẫn có đủ tư cách thi đại học cả ở Nhật lẫn quốc tế. Tuy nhiên có nhiều phụ huynh Nhật cho rằng, có một số trường loại này chưa đủ chất lượng, khiến trẻ thường thích nói tiếng Nhật nhiều hơn tiếng Anh. Cô giáo giảng tiếng Anh học sinh hiểu được, nhưng lại giao tiếp với bạn ngồi cạnh bằng tiếng Nhật, vì tiếng Nhật dễ dàng hơn với chúng. Điều này theo Hoa là một điểm trừ. Vì vậy khi Hoa chọn trường quốc tế chon con, lúc nào cũng phải xem kĩ các bé giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ gì, như thế nào? Các bé có tự do đưa ra ý kiến của mình hay không? Mấy tuổi thì các bé đạt được trình độ và có những output gì? 

1.3. Nhóm thứ ba là trường có yếu tố ngoại ngữ – quốc tế tự xưng 

Các trường thuộc nhóm này thường có một số yếu tố quốc tế như: cung cấp khóa học và dịch vụ tiếng Anh, hoặc ngoại ngữ khác, dạy một số tiết học bằng tiếng nước ngoài, hoặc các lớp học sau giờ học (After school). Họ chưa hẳn là một trường có các cấp từ mẫu giáo tới hết trung học, nhưng họ vẫn có biển gọi international school, nên Hoa tạm phân loại là quốc tế tự xưng. Hiểu đúng hơn nó là 1 dịch vụ giáo dục bằng tiếng Anh. Giáo viên ở đây thường không từ Âu Mỹ mà thường là giáo viên Philippine, thậm chí giáo viên người Việt Nam cũng có.  
Đặc điểm nhận diện của những trường này là học phí khá rẻ và là một loại dịch vụ giáo dục ngoại ngữ ngoài giờ dành cho trẻ nhỏ hoặc học sinh cần bổ túc. Học sinh học những trường này thường không bị bắt buộc học tất cả các buổi trong tuần mà chỉ 2 -3 buổi/ tuần và được tự do lựa chọn thời gian học. 

Với những gia đình có mức thu nhập tầm trung mà muốn đầu tư cho con cái tiếp cận sớm với ngoại ngữ ngoài tiếng Nhật, đây là một sự lựa chọn tương đối hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn kì vọng con bạn giỏi tiếng Anh ở trình độ song ngữ thì bố mẹ phải cố gắng kèm thêm rất nhiều.  

2. Ưu và nhược điểm của trường quốc tế 

Sau khi tham khảo và tự mình trải nghiệm qua quá trình tìm trường cho con, Hoa đã tổng kết được những ưu/ nhược điểm của trường quốc tế tại Nhật. Đây chỉ là ý kiến từ cá nhân của Hoa, các bạn đọc và tự đánh giá xem có nên lựa chọn trường quốc tế làm điểm khởi đầu cho con em mình không nhé.  

Ưu và nhược điểm của trường quốc tế 

2.1. Về ưu điểm  

  1. Phù hợp với người nước ngoài và nói tiếng Anh: Đây là ưu điểm mà Hoa nghĩ rằng là rất phù hợp với con em Việt Nam chúng ta. Nếu con em đã từng học tập tại Việt Nam và chuyển sang Nhật, trường quốc tế là lựa chọn tốt nhất để giúp con em không bị quá bỡ ngỡ với môi trường hoàn toàn mới, nền văn hoá mới. Hơn thế nữa, tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới hiện nay nên cho con em tiếp xúc và học tập tiếng Anh từ nhỏ sẽ tạo nền tảng tốt cho tương lai của trẻ nhỏ. 
  2. Chất lượng giảng dạy được đảm bảo đặc biệt ở các trường quốc tế chuẩn xịn loại 1: Giáo trình học và chương trình dạy học thường có sự đảm bảo của các quy chuẩn quốc tế như Hoa đã đề cập ở trên. Và giáo viên tại các trường này thường được tuyển chọn rất khắt khe cả bằng cấp và kĩ năng dạy học. 
  3. Đào tạo các ngôn ngữ khác: Ngoài tiếng anh, tiếng Nhật, các trường quốc tế còn chuẩn bị các lớp ngôn ngữ thứ 3 cho học sinh như tiếng Trung, Đức, Pháp … 
  4. Cơ hội cho tương lai lớn: Các học sinh tốt nghiệp từ các trường quốc tế hoàn toàn có thể vào các trường đại học nổi tiếng trên toàn thế giới như Cambridge, Stanford,…

2.2. Về nhược điểm 

  1. Học phí cao: Học phí trường quốc tế tại Nhật có thể cao gấp nhiều lần so với các trường công lập hoặc tư lập. Và kèm theo đó là các phụ phí nhiều không thể tưởng như phí đồng phục, phí hoạt động ngoại khoá, phí đóng góp cho nhà trường,… 
  2. Tuyển sinh gắt gao: Khác hoàn toàn với Việt Nam, các trường quốc tế tại Nhật thường có các quy trình tuyển sinh cực kì gắt gao không chỉ đối với học sinh và với cả các phụ huynh học sinh. Hầu hết các trường quốc tế chuẩn thường có buổi phỏng vấn riêng với các phụ huynh học sinh về cách dạy con, môi trường sinh hoạt của con và thậm chí yêu cầu phụ huynh viết đơn nhập học bằng tay, không được phép đánh máy để thể hiện sự quan tâm với giáo dục của con em mình. Với lý do đó, tiền không phải là vấn đề tiên quyết khi đăng ký cho con học trường quốc tế.
  3. Hạn chế về số lượng học sinh và quy mô nhỏ: Vì đảm bảo chất lượng giáo dục, nhiều trường quốc tế thường hạn chế số lượng học sinh và số lượng lớp học (một năm học chỉ 2-3 lớp, mỗi lớp khoảng trên dưới 20 em học sinh). Do đó, nhiều gia đình vì vấn đề học tập của con đã phải chuyển nhà hoặc phải đưa đón con đi học khá xa.
  4.  Tiếng Nhật: Cho trẻ học tại trường quốc tế thì việc đầu tiên mà Hoa nghĩ chúng ta phải suy nghĩ kỹ đó là năng lực tiếng Nhật của con sẽ bị hạn chế. Do đó, tương lai muốn phát triển và tìm việc tại Nhật sẽ gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ. Hoặc bạn phải có chương trình dạy kèm tiếng Nhật cho con ngoài thời gian học ở trường quốc tế.  

3. Vậy, có nên hay không cho con học trường quốc tế? 

 Như Hoa đã từng chia sẻ, không có một chế độ giáo dục nào là hoàn hảo. Việc yêu thương và dành niềm tin cho con của mình chính là phương thức giáo dục tốt nhất mà cha mẹ có thể làm được. Bậc làm cha mẹ như chúng ta nên tìm ra hướng giáo dục phù hợp với tính cách và sở trường của con mình từ đó tạo nên môi trường học tập giúp con có thể phát triển khả năng tốt nhất.  

Vậy, có nên hay không cho con học trường quốc tế? 

 

Bản thân Phi Hoa lựa chọn cho con học trường quốc tế là bởi vì Hoa định vụ cuộc sống của mình sẽ rất global. Hoa yêu Nhật vô cùng nhưng không muốn con mình quá khép kín như một người Nhật bình thường, cũng không muốn con mình bập bẹ tiếng Anh của người Nhật. Hoa muốn con sống ở xã hội Nhật để học được đức tính tiết kiệm, khiêm tốn, tuân thủ nguyên tắc và yêu thiên nhiên của người Nhật, nhưng Hoa muốn con mình được học trong môi trường là đề cao cái tôi, cái cá nhân và tư duy độc lập, sáng tạo (Giáo dục Nhật đề cao cái chung, cái tập thể nhiều, còn giáo dục phương Tây thì ngược lại).  

Rất mong những chia sẻ trên đây của Hoa giúp mọi người có cái nhìn mới hơn về trường quốc tế. Nếu mẹ nào đọc rồi mà vẫn quá lăn tăn thì liên lạc tới: [email protected] hoặc để lại bình luận, Hoa sẽ tổng hợp rồi chọn dịp nào đó trả lời chi tiết nhé.   

1 thoughts on “Trường quốc tế ở Nhật Bản – Tất cả đặc điểm cần biết khi chọn trường cho con

  1. Nguyễn Thị Thanh Bình

    Chào chị
    Em đã đọc bài viết của chị rất hay và sâu sắc . Nếu theo điều kiện của em thì e muốn cho con học trường loại 2. Không biết chị có thể giúp em cho tên của vài trường kiểu này được không ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *