Phỏng vấn tuyển dụng cùng CEO: 5 câu hỏi bạn nên chú ý!

Phần 2: Hướng dẫn trả lời câu hỏi EntrySheet và Phỏng vấn khi xin việc ở Nhật

Trong suốt quá trình làm việc với tư cách là giám đốc doanh nghiệp cũng như chuyên gia tư vấn giải pháp tuyển dụng cho doanh nghiệp lớn tại Nhật, Hoa đã có cho mình rất nhiều kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng. Đồng thời, Hoa cũng nhận ra rằng nhiều bạn trẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn, thiếu kỹ năng trong quá trình phỏng vấn. Nhiều bạn đã bỏ lỡ cơ hội quý giá làm việc cho doanh nghiệp yêu thích chỉ vì chưa thể hiện tốt ở vòng phỏng vấn cuối cùng.

Chính vì vậy, hôm nay Hoa sẽ giới thiệu cho các bạn 5 câu hỏi mà Hoa rất thường hỏi đối với các bạn muốn ứng tuyển vào công ty ONE-VALUE của Hoa. Cùng với đó, Hoa sẽ chỉ ra lý do vì sao các CEO thường hỏi những câu hỏi này. Đồng thời tư vấn cho các bạn cách trả lời phù hợp với hoàn cảnh của các bạn nhất nhé!

Nội dung chính

Video chia sẻ từ Phi Hoa

Video của Hoa có hầu hết những chia sẻ về vấn đề này, bạn có thể xem qua nhé! Ngoài ra, phía dưới, Hoa có ghi lại những nội dung chia sẻ cụ thể để các bạn dễ nắm bắt hơn!

Phỏng vấn với CEO – Câu 1: Bạn là người thế nào? Hãy miêu tả ngắn gọn bản thân bằng 3 tính từ?

Tại sao các giám đốc là hỏi câu này?

Mặc dù đã đọc được CV và báo cáo từ lần phỏng vấn trước của các bạn, nhưng giám đốc hay người tuyển dụng vẫn muốn đánh giá bằng trực quan của chính mình. Vậy nên, họ vẫn muốn nghe lời giới thiệu, mô tả từ chính bản thân các bạn.

Đối với câu hỏi này bạn nên trả lời thế nào cho khôn khéo?

Khi nhận được những câu hỏi như thế này, Hoa nghĩ các bạn nên chuẩn bị một số cách PR bản thân. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điểm như không nên trả lời dài dòng, phải xúc tích nhưng chân thật và độc đáo về những điểm mạnh của mình.

Bạn có thể dùng 3 tính từ mang tính miêu tả. Ví dụ như: Tôi là một người rất chăm chỉ, có ý chíluôn đúng hẹn. Các bạn có thể liệt kê ngắn gọn như vậy. Để sâu hơn nữa, bạn nên chỉ ra những sự kiện trong quá khứ để làm minh chứng cho điều đó.

Phỏng vấn cùng CEO – Câu 2: Động lực làm việc của các bạn là gì?

Bạn nên giải quyết câu hỏi này như thế nào?

Câu hỏi này hàm ý là muốn tìm hiểu và có một cái nhìn sâu hơn: Động lực nào khiến bạn nỗ lực làm việc?! Bạn có thể dẫn chứng  những mong muốn thôi thúc bạn ứng tuyển vị trí này. Ví dụ như về vấn đề tài chính chẳng hạn! Bạn mong muốn kiếm tiền, mua nhà trước 30 tuổi.

Nhưng ngoài ra, bạn cũng có thể nêu thêm những động lực khác. Ví dụ như, bạn muốn chứng tỏ bạn thân! Bạn muốn cống hiến cho xã hội! Hoặc bạn thấy đồng bào của mình còn gặp nhiều khó khăn với việc sinh sống ở Nhật và bạn muốn chung tay giúp đỡ cộng đồng mình nhiều hơn! Những độc lực như vậy có thể cho nhà tuyển dụng thấy rõ nhất lý do, mục đích bạn ứng tuyển công việc đang phỏng vấn.

Người phỏng vấn sẽ ưu tiên những câu trả lời nào?

Khi một ứng viên đưa ra câu trả lời một cách logic và có chính kiến về những động lực thúc đẩy họ cố gắng; Hoa sẽ cảm thấy rất tin tưởng và muốn tuyển những người như thế! Bởi vì họ đã nhận thức được bản thân mình muốn gì? Và tại sao họ cần gắn bó với công việc này? Chứ không phải chỉ đơn giản là kiếm sống thôi!

Phỏng vấn cùng CEO – Câu 3: Công việc đó có ý nghĩa với bạn như thế nào?

Mong muốn thực sự đằng sau câu hỏi của nhà tuyển dụng 

Khi hỏi câu này, Hoa và các nhà tuyển dụng thường mong muốn nhìn thấy ứng viên sắp xếp và coi trọng công việc này như thế nào trong cuộc sống. Từ đó có thể hiểu thêm các giá trị quan cũng như là cách nhìn nhận của ứng viên. Bởi vì, mỗi ứng viên sẽ có lối suy nghĩ và nhân sinh quan khác nhau. Theo đó, các nhà tuyển dụng mong muốn tìm hiểu: Liệu nhân sinh quan của ứng viên có giống với giá trị và định hướng chiến lược của công ty hay không?

Mỗi công ty đều có ý nghĩa công việc mong muốn của nhà tuyển dụng khác nhau!

Đối với các công ty nhỏ

Một ví dụ rõ ràng nhất là ở các công ty mới khởi nghiệp (start-up). Họ thường sẽ thích thú hơn với những ứng  coi trọng công việc! Luôn cố gắng cống hiến, học hỏi và phát triển bản thân tốt hơn. Đó là những điều mà các start-up, công ty nhỏ mong muốn nghe được từ ứng viên.

Còn nếu bạn mong muốn việc cân bằng trong cuộc sống hơn! Bạn cần chia sẻ nhiều hơn sự quan tâm cho gia đình, sở thích cá nhân. Có thể điều này sẽ mâu thuẫn với văn hóa ở các công ty khởi nghiệp. Bởi vì những công ty này kỳ vọng nhân viên tương lai của mình có khả năng sẵn sàng làm được nhiều việc. Đặc biệt là có thể giành nhiều thời gian cho công việc.

Ở các công ty lớn

Vậy đối với các công ty lớn, có nhiều mảng business ở nước ngoài thì sao? Các công ty này thường muốn tuyển những ứng viên coi công việc là một bước đệm để thực hiện những hoài bão lớn lao. Họ thường muốn nhìn thấy kỳ vọng tạo thành một thành công, kết quả nào đó cho cuộc đời của các ứng viên.

Ý nghĩa công việc: Đối với góc nhìn của bạn và góc nhìn của công ty?

Tất nhiên, bạn sẽ phải tự suy nghĩ, hỏi bạn thân mình là: Công việc này có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân mình?! Một lưu ý nho nhỏ rằng: Hãy xem ý nghĩa công việc đối với bạn có phù hợp với ý nghĩa của công ty đang ứng tuyển hay không? Từ đó bạn sẽ có được câu trả lời phù hợp nhất nhé!

Phỏng vấn cùng CEO- Câu 4: Bạn muốn trở thành người như thế nào?

Tại sao nhà tuyển dụng muốn hỏi câu này?

Đối với câu này, Hoa mong muốn ứng viên có thể trả lời rõ ràng về định hướng phát triển bản thân của mình. Song song với đó, Hoa cũng muốn nhận được câu trả lời về mục tiêu công việc của họ ở công ty.

Bạn nên suy nghĩ theo hướng như thế nào để trả lời tốt nhất?

Chính vì vậy, khi bạn nhận được những câu hỏi phỏng vấn tương tự như: Bạn muốn định hướng phát triển bản thân như thế nào? Bạn muốn định hướng gắn bó với công việc gì trong tương lai? Các bạn lưu ý rằng: Hãy cố gắng tưởng tượng và suy nghĩ đến định hướng của mình trong 5-10 năm tới. Hãy nghĩ đến: Bạn muốn trở thành một con người như thế nào? Bạn muốn có được những thành tựu gì trong công việc? Và để đạt được những điều này, những kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm bạn có để phát triển bản thân là như thế nào? Hoa tin rằng trả lời theo hướng này có thể sẽ gây được ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.

Đừng trả lời quá chung chung!

Còn nếu bạn chỉ trả lời chung chung như bạn muốn có điều A, B, C,… Nhưng nó hoàn toàn không gắn với định hướng công việc ở công ty mà bạn đang ứng tuyển. Thì câu trả lời này sẽ không đạt yêu cầu! Khi trả lời câu hỏi: Bạn muốn trở thành người như thế nào? Hãy chắc rằng trước khi phỏng vấn, bạn đã tự hỏi, xem xét và phân tích kỹ kỳ vọng về bản thân mình sau này nhé!

Một ví dụ cụ thể nhé!

Có nhiều bạn Việt Nam muốn làm việc ở Nhật để học hỏi và lấy kinh nghiệm. Rồi sau đó, các bạn sẽ trở về Việt Nam lập nghiệp. Trong quá trình phỏng vấn ứng viên, Hoa từng nghe nhiều bạn tâm sự như: Các bạn muốn làm việc tại nhà hàng Nhật một vài năm. Sau đó, trở về Việt Nam, mở một nhà hàng của riêng mình. Hoa thấy những định hướng thế này rất là hay!

Tuy nhiên, khi nói những định hướng như thế này, hãy nói rõ:

Trong quá trình bạn làm việc ở công ty đó, bạn sẽ cố gắng đạt được những gì trong công việc? Đồng thời bạn sẽ cố gắng phát triển bản thân mình như thế nào để đạt được ước mơ của bạn? Đừng chỉ nói về ước mơ của bạn không! Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn mong muốn cống hiến cho công ty như thế nào?

Chính vì thế, bạn hãy trả lời như thế này:

Trong 5 năm nữa, tôi muốn quay trở về Việt Nam để mở nhà hàng riêng của mình. Chính vì thế, tôi cần tập trung phát triển bản thân một cách nhanh và tối ưu nhất. Ban đầu, tôi muốn làm tất cả mọi việc trong cửa hàng. Từ việc tiếp khách, quản lý bếp, rửa chén bát đến những việc quản lý bàn giấy,… Để từ đó tôi có thể nắm bắt được các công việc. Sau đó, tôi muốn dần dần làm việc ở cấp quản lý, trình độ cao hơn. Đồng thời nâng cao kỹ năng quản lý, giao việc cho nhân viên. Sau này, trong thời gian 3-5 năm, tôi có thể học được cách phát triển, quản lý một nhà hàng.

Nếu bạn nói như vậy, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy được: Ước mơ của bạn rất xác thực! Bạn đã có suy nghĩ nghiêm túc về điều đó! Từ đó, họ có thể đánh giá cao ước mơ của bạn!

Phỏng vấn cùng CEO- Câu 5: Bạn có thể tạo được giá trị gì cho doanh nghiệp?

Mong muốn đằng sau của nhà tuyển dụng qua câu hỏi?

Trong câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy được liệu ứng viên đã có sự tìm hiểu nhất định về nghiệp vụ công việc hay chưa?. Đồng thời công ty mong muốn ứng viên thể hiện khả năng của mình phù hợp với công việc yêu cầu. Từ đó, có thể cống hiến cho sự phát triển công ty ở những nội dung cụ thể.

Lời khuyên từ Hoa khi bạn trả lời câu hỏi này!

Nếu như trong câu trả lời, bạn không nói rõ được: Định hướng đóng góp cho công ty như thế nào? Bạn có thể làm được thành công gì cho công ty? Thì những câu trả lời này không đạt chất lượng! Bởi vì bất cứ nhà tuyển dụng nào đều mong muốn ứng viên phải đóng góp được điều gì đó cho công ty. Chứ không phải tuyển dụng một ứng viên để chỉ phát triển bản thân mà không quan tâm những thứ khác!

Trên đây là những câu hỏi chung cho cả những bạn mới bắt đầu đi làm hay những bạn chuyển việc.

Một câu hỏi quan trọng dành cho các bạn chuyển việc!

Có 1 câu hỏi quan trọng mà nhà tuyển dụng nào cũng thường hay hỏi đối với các bạn xin chuyển việc. Đó là: Lý do bạn chuyển việc là gì? Lý do dẫn tới việc rời bỏ công ty cũ của bạn là gì? Thời gian bạn gắn bó với công việc cũ cũng như lý do chuyển việc rất quan trọng.

Mục đích của nhà tuyển dụng đằng sau câu hỏi này là gì?

Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đó để đánh giá xem: Liệu ứng viên này có muốn cống hiến và gắn bó với công ty của mình lâu không? Đây là một câu hỏi phỏng vấn để tránh rủi ro trong tương lai cho nhà tuyển dụng. Bởi liệu trong tương lai, ứng viên này cũng sẽ vì lý do nào đó dễ dàng rời bỏ công ty sang công ty khác? Như vậy, công ty sẽ rất tốn kém về chi phí đào tạo, chi phí cơ hội để tạo cho ứng viên điều kiện phát triển.

Chính vì vậy, các bạn lưu ý nhé: Hãy hạn chế bỏ việc quá sớm! Đặc biệt là trong 6 tháng hay 1 năm đầu tiên! Mà hãy cố gắng đối mặt với khó khăn, thách thức cho đến khi mình hiểu rõ công việc ấy rồi hẵng thay đổi. Chứ đừng gặp phải một ít khó khăn rồi vội vàng bỏ đi.

Lời khuyên của Hoa khi bạn trả lời Lý do chuyển việc!

Lý do khiến nhiều nhà tuyển dụng không ưng ý lắm!

Nói về lý do chuyển việc, nếu các bạn trả lời theo kiểu: “Tôi chuyển việc vì ở công ty cũ, tôi không thể làm việc A việc B. Nhưng tôi chỉ thích làm mỗi công việc này thôi! Còn những công việc không liên quan đến việc này thì tôi không thích làm. Vì thế, tôi chuyển việc!”

Cách trả lời như thế này, đối với 1 số công ty, có thể bạn được chấp nhận. Tuy nhiên, ở một số công ty Nhật thuần túy hay riêng cá nhân Hoa, Hoa cũng không thích những câu trả lời kiểu thế này! Vì như thế, Hoa thấy được rằng ứng viên này là một người có sự chủ động chọn lọc công việc của mình. Nếu công việc không đúng ý họ một chút. Họ có thể dễ dàng bỏ cuộc, nản lòng với công việc.

Những bạn có mindset cứng nhắc sẽ khó được tuyển dụng ở công ty nhỏ

Thật ra, đối với những người có mindset cứng nhắc như vậy là một nhân tài rất khó sử dụng trong công ty. Bởi vì, dù công ty lớn hay nhỏ, sẽ có những việc còn nhiều khó khăn, khúc mắc, những việc mà bạn cần phải làm mới. Nếu bạn chỉ khăng khăng nhất định chỉ làm 1 vài công việc nào đó thôi, thì ở công ty nhỏ nhất định không phù hợp.

Ở công ty lớn, bạn càng khó được chọn!

Bởi vì ở công ty lớn, công việc sẽ có những sự luân chuyển lẫn nhau. Đôi khi, bạn phải nghe mệnh lệnh cấp trên, chứ không vì một lý do nào cả.

Bạn có thể đang là quản lý tại một thị trường ở Việt Nam. Nhưng vì một lý do nào đó, cấp trên có thể bảo bạn sang phụ trách ở thị trường Thái Lan. Nếu đó là công ty lớn, bạn hoàn toàn phải nghe theo mệnh lệnh như vậy. Dù cho bạn có mong muốn cá nhân như thế nào đi chăng nữa! Vì thế, với những ứng viên chỉ nhất định chỉ làm 1 số công việc thôi thì người tuyển dụng rất khó đưa ra quyết định tuyển dụng ngay lập tức.

Vậy nên, khi đi phỏng vấn,  các bạn ứng viên nên có một mindset thực sự tốt! Hãy tìm hiểu kỹ bản thân mình cũng tìm hiểu công ty thì mới có thể “Trăm trận, trăm thắng” được!

Kết lại

Trên đây là những câu hỏi Hoa hay sử dụng đối với các bạn ứng viên trên cương vị là một giám đốc của doanh nghiệp. Ngoài 5 câu hỏi này, bạn có thể gặp thêm nhiều khó khăn ở các câu hỏi khác. Để được giải đáp, bạn hãy cho Hoa biết thêm tại phần bình luận bên dưới nhé! Hoa sẽ xem xét và chia sẻ thêm những kinh nghiệm của Hoa cho các bạn !

Cuối cùng, điều bạn cần khắc ghi trong mỗi cuộc phỏng vấn: Hãy là chính mình! Hãy hiểu công ty! Và hãy cho công ty biết những mong muốn thật của bạn!

Có thể bạn cũng quan tâm khi Làm việc ở Nhật

🌻 Một số đặc điểm tuyển dụng của người Nhật! – Kỳ 1

🌻 Khi mệt mỏi, hãy nhớ về lý do khiến bạn bắt đầu! Một buổi tuyển dụng ở Nhật đầy cảm xúc.

🌻 Làm việc ở Nhật: “Nghệ thuật chuyển việc” để đôi bên đều vui vẻ?!

🌻 Bí quyết ứng xử hay khi làm việc ở Nhật: Đừng chỉ xin lỗi khi bị mắng, mà hãy cảm ơn!

🌻 Một số lỗi hay mắc khi sử dụng tiếng Nhật trong kinh doanh, làm việc ở Nhật!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa tại các kênh sau nhé:

🌻 Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

🌻 Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

🌻 Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *