Du học Nhật: 9 nét đặc trưng khi học Đại học Nhật!

Tiếp nối chủ đề Du học Nhật Bản của Hoa, hôm qua Hoa sẽ chia sẻ những nét đặc trưng của Đại học Nhật cũng như sinh viên ở đây. Mong rằng nó sẽ hữu ích với những bạn đã và đang có ý định Du học Nhật từ bậc Đại học!

Nội dung chính

Một năm học ở Đại học Nhật diễn ra như thế nào?

Một năm học ở Nhật bắt đầu từ tháng tư và kết thúc vào cuối tháng hai năm sau.

Một năm học có hai kỳ. Kỳ mùa xuân bắt đầu từ tháng tư, và kỳ mùa Thu bắt đầu từ tháng Mười. Giữa năm học có kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Kết thúc năm là nghỉ xuân. Nghỉ hè thường dài khoảng hai tháng từ tháng tám đến tháng Mười. Kỳ nghỉ đông kéo dài khoảng hai tuần vào dịp năm mới. Từ tháng ba đến tháng tư là kỳ nghỉ xuân.

Mọi thứ bắt đầu từ tháng 4 – Điểm đặc thù của văn hóa Nhật!

Phần lớn các nước đều bắt đầu năm học từ tháng Chín, còn bắt đầu năm học từ tháng tư là đặc thù của văn hóa Nhật bản. Tháng tư đồng nghĩa với mùa hoa Sakura đến, vì thế Sakura là loài hoa tượng trưng cho là mùa tựu trường. Tháng tư cũng là mùa nhập công ty, mùa chuyển nhà, là tháng bắt đầu một năm tài khóa mới của Nhật nên là mốc quan trọng trong một năm của người Nhật.

Sự khác biệt giữa đại học quốc lập và đại học tư lập ở Nhật?!

Ở Nhật, giáo dục trong đại học quốc lập và tư lập khá khác nhau.

Đại học quốc lập, công lập ở Nhật

Nói chung đại học quốc lập và và công lập thường có học phí thấp hơn. Tuy nhiên, số lượng sinh viên cũng ít hơn, có chọn lọc hơn. Các trường quốc lập cũng có uy tín hơn các trường tư. Đặc biệt những trường đại học quốc lập lâu đời gắn với mỗi địa danh như Đại học tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, Đại học Nagoya, Đại học Tohoku, Đại học Hokkaido là những trường hàng đầu.

Đại học tư lập ở Nhật

Các trường tư ở Nhật được xếp hạng cao phải kể đến Đại học Keio và Đại học Waseda. Học phí ở các trường này thường gấp đôi các trường công.

Sinh viên sẽ trải qua quá trình học như thế nào trong những năm ở Đại học Nhật?

Giới thiệu một chút về Khoa kinh tế đại học Osaka – Nơi Hoa học Đại học ở Nhật

Mỗi năm khoa Kinh tế bậc đại học ở trường Osaka có khoảng 300 người. Trong đó khoảng 20 người là lưu học sinh (bậc cao học của khoa Kinh tế chủ yếu là lưu học sinh). Khoa không phân chia thành các lớp hay khối. Mà sinh viên tự do đăng ký môn học và đi thi kết thúc học phần.

Đến năm thứ ba trở đi, sinh viên sẽ chọn tham gia Seminar hoặc Lab

Các sinh viên xã hội sẽ chọn và tham gia Seminar của một giáo sư nhất định. Sinh viên kỹ thuật thì thay vì Seminar sẽ vào phòng thí nghiệm (Lab). Giáo sư này sẽ là người gắn bó với sinh viên đó và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Mỗi Seminar hay Lab tùy quy mô có từ vài người đến mấy chục người.

Seminar của Hoa từ năm thứ ba đại học là Seminar về Business Model (Mô hình kinh doanh). Trong đó, gồm khoảng 30 người. Đây là Seminar khá đông trong khoa. Trong Seminar các sinh viên gắn bó với nhau như một lớp nhỏ. Quan hệ giữa sinh viên năm trước và năm sau (Sempai-kohai) cũng khăng khít hơn chứ không tự do như khi học các môn khác.

Các hoạt động câu lạc bộ ở trường Đại học Nhật

Ngoài học tập, hoạt động câu lạc bộ ở trường đại học Nhật rất sôi động.

Một trường đại học bình thường có hàng trăm câu lạc bộ khác nhau theo nhiều quy mô. Có cái quy mô nhỏ vài chục người. Có cái quy mô lớn hơn và nội quy tham gia cũng rất nghiêm ngặt. Những câu lạc bộ có nội quy nghiêm khắc thường là các câu lạc bộ thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bắn cung, các môn võ. Những câu lạc bộ nhẹ nhàng hơn như: thư pháp, trà đạo, phim ảnh, âm nhạc, ngoại ngữ…

Sinh viên Nhật rất coi trọng hoạt động trong các câu lạc bộ!

Việc này có khi còn quan trọng hơn là học tập. Vì thế, việc nghiêm túc lựa chọn câu lạc bộ nào để mình gắn bó thường kéo dài sau cả tháng nhập học. Trong những ngày đầu năm, thành viên của các câu lạc bộ đi phát tờ rơi chiêu mộ thành viên mới và quảng bá rầm rộ hoạt động của mình. Trong những ngày hội ở trường thì các câu lạc bộ có thể thuê quầy biểu diễn, vui chơi.

Chọn câu lạc bộ cho mình cũng chính là chọn môi trường để mình tìm kiếm bạn bè. Vì đại học ở Nhật không xếp lớp nhỏ. Nếu không thuộc một câu lạc bộ nào cả thì bạn sẽ có rất ít bạn bè. Bởi những người bạn gặp trên giảng đường lớn rất đông và thường không có nhiều thời gian tiếp xúc với họ.

Về vấn đề làm thêm của sinh viên Nhật

Sinh viên Nhật hầu như ai cũng đi làm thêm!

Cùng với hoạt động câu lạc bộ, sinh viên Nhật hầu như ai cũng đi làm thêm. Các công việc làm thêm phổ biến thường là: làm gia sư hay làm việc trong các quán ăn, làm việc trong các cửa hàng tiện lợi (Combini).

Sinh viên Nhật kiếm tiền làm thêm để trang trải sinh hoạt phí. Đôi khi là để trả tiền thuê nhà. Thường thì sinh viên Nhật từ các tỉnh thành khác nhau đến xung quanh các trường đại học thuê nhà. Và họ sẽ đi làm thêm để trang trải mọi chi phí đó. Học phí thường sẽ được các bậc phụ huynh trả bằng chuyển khoản trực tiếp. Còn sinh viên sống tự lập bằng việc đi làm thêm trang trải các khoản khác.

Học tập chỉ là một phần trong cuộc sống sinh viên!

Thực tế thì các nhà tuyển dụng Nhật bản cũng coi trọng kinh nghiệm xã hội như làm thêm, tình nguyện của ứng cử viên hơn là thành tích học tập. Vì thế, nhiều sinh viên Nhật trau dồi kinh nghiệm ở những mảng đó chứ không chú trọng nhiều đến học tập lắm.

Học đại học ở Nhật có khó không?!

Vào một trường Đại học tốt của Nhật không phải là điều dễ dàng…

Nhật bản là một xã hội trọng bằng cấp, chứng chỉ. Xếp hạng của các trường đại học cũng rất quan trọng khi đi xin việc. Thường thì để thi vào một trường đại học nổi tiếng, học sinh Nhật phải ôn luyện rất vất vả ngay từ cấp một. Để vào những trường quốc lập hàng đầu, học sinh thường phải đi học thêm và ôn luyện nhiều. Bởi vậy sau khi đã vào được những trường đại học tốt, nhiều sinh viên có tâm lý nghỉ giải lao sau nhiều năm vất vả. Vì thế họ thích hoạt động xã hội, hoạt động câu lạc bộ và làm thêm nhiều hơn là cắm đầu vào học như hồi phổ thông.

Nhưng để tốt nghiệp Đại học Nhật thì lại rất dễ!

Chỉ cần lấy đủ tín chỉ là có thể tốt nghiệp. Có tín chỉ rất khó lấy, nhưng cũng có những môn học rất dễ. Điều này khác với giáo dục ở Mỹ. Ở Mỹ, vào đại học không quá khó, nhưng tốt nghiêp đại học thì rất khó. Thế nên mới có chuyện sinh viên sáu, bảy năm không tốt nghiệp được đại học. Ở Nhật ít khi có trường hợp đó nên chỉ cần cố gắng vào được một trường danh tiếng thì kiểu gì cũng sẽ tốt nghiệp được. Đó là tâm lý chung của sinh viên Nhật.

Việc học đại học Nhật khá tự do nhưng không dễ lấy điểm A và A+

Với các lý do như trên, việc học đại học ở Nhật khá tự do. Việc thu nạp được bao nhiêu kiến thức là do bản thân bạn. Để đạt điểm C (điểm qua một môn học) ở Nhật khá dễ dàng. Nhưng để đạt A hoặc A+ thì khó. Hệ thống giáo dục này tạo điều kiện tốt nghiệp cho những người không mấy chú tâm vào học tập bằng việc dễ dàng lấy được điểm C. Nhưng đối với những người muốn đào sâu tìm tòi nghiên cứu lấy điểm A hoặc A+ thì cần nhiều nỗ lực.

Hai kiểu sinh viên ở đại học Nhật

Vì thế sinh viên cũng hình thành hai kiểu. Kiểu học để lấy bằng chỉ để thi qua các môn, tập trung thời gian vào các hoạt động khác và sau khi ra trường đi làm. Kiểu học lấy kiến thức, tập trung thời gian đào sâu vấn đề, sau khi ra trường thi thường học lên cao học.

Nói cách khác, nếu bạn đặt mục tiêu đi học để lấy kiến thức thực sự, bạn sẽ thu nạp được nhiều kiến thức. Nhưng đổi lại bạn không có thời gian hoạt động xã hội, câu lạc bộ hay làm thêm nhiều. Còn nếu bạn đặt mục tiêu không cần lấy điểm cao mà chỉ cần học qua các môn thì bạn sẽ học khá dễ dàng và có nhiều thời gian làm việc khác.

Hình thức học tín chỉ ở đại học Nhật

Để tốt nghiệp khoa Kinh tế, Hoa cần lấy khoảng 130 tín chỉ trong vòng bốn năm. Thường thì nếu chăm chỉ học tập, một sinh viên sẽ có thể lấy đủ 130 tín chỉ trong vòng ba năm đầu.

Có những môn học bắt buộc phải học ở một thời gian nhất định. Và có môn học tự chọn nhưng thường cho đến năm cuối sinh viên sẽ không đăng ký các môn học nhiều nữa. Thay vào đó, dành thời gian chuẩn bị ôn luyện thi tuyển dụng. Các công ty Nhật tuyển dụng sinh viên một năm trước khi ra trường.

Tầm quan trọng của những môn Đại cương ở Nhật

Ở Nhật, rất coi trọng những môn giáo dưỡng trong những năm đầu Đại học!

Thường thì ngoài các môn chuyên ngành, những năm đầu sinh viên phải học những môn giáo dưỡng. Ở Việt Nam gọi là môn học đại cương, cơ sở. Những môn này gồm ngoại ngữ hay các môn học về văn thể mỹ, triết học khác. Giáo dục Nhật rất coi trọng những môn học đại cương này. Họ tin rằng, thành công trong cuộc sống không hẳn phụ thuộc vào việc bạn giỏi chuyên môn đến đâu. Mà nó còn phụ thuộc vào việc bạn có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực không phải là chuyên môn.

Năm đầu Đại học của Hoa

Hồi năm thứ nhất ở Đại học Osaka, Hoa có học một môn về đánh giá phim ảnh. Ngoài ra, Hoa còn học một môn văn hóa các nước Đông Nam Á. Những môn học như vậy không gắn liền với điều Hoa quan tâm trước mắt trong thời điểm đó. Nhưng giờ đây nghĩ lại, nó lại cung cấp cho Hoa khung tư duy và kiến thức rất hay về văn hóa, nghệ thuật.

——————–

Trên đây là những trải nghiệm của Hoa trong quá trình Du học ở Nhật từ học bổng chính phủ MEXT. Bạn có thắc mắc Hoa đã Kế hoạch học tập ở Đại học Nhật như thế nào không? Đón xem các bài sau nhé!

Có thể bạn cũng quan tâm:

🌻 Chuyện du học: Quá trình Hoa thi đỗ học bổng MEXT!

🌻 Du học không chỉ nên là học!!!

🌻 Du học Nhật hay Xuất khẩu lao động Nhật? Đừng sang Nhật theo trào lưu!

🌻 Một số lỗi hay mắc khi sử dụng tiếng Nhật trong kinh doanh, làm việc ở Nhật!

🌻 7 cách luyện nói tiếng Nhật hay và chuẩn như người Nhật!

🌻 Giám đốc Nhật xuất thân từ trường Đại học nào?


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa tại các kênh sau nhé:

🌻 Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

🌻 Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

🌻 Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *