Tại sao tỷ lệ tự tử và phạm tội ở Nhật Bản bắt đầu tăng?

Ở bài viết này, Hoa xin chia sẻ với các bạn những tâm sự và quan điểm của mình về lý do mà Nhật Bản lại là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất nhì thế giới. Và đặc biệt hơn lý do là số lượng người phạm tội ở Nhật cũng đang tăng cao trong những năm gần đây.

Tỷ lệ phạm tội tại Nhật tăng cao

Đã gần 1 năm từ ngày Cựu thủ tướng Abe Shinzo qua đời do bị ám sát (7/2022), thế giới xung quanh đã dần chấp nhận sự thật đau lòng mà không ai muốn tin tưởng. Bên cạnh sự đau lòng vô hạn của bao người, đã có nhiều tiếng nói cất lên hoài nghi an ninh của Nhật Bản đang đi xuống một cách trầm trọng.

Hãy nghĩ kỹ lại xem trong những năm gần đây, Nhật Bản có một loại tội phạm lặp đi lặp lại nhiều lần. Hung thủ thường có đặc điểm nhận dạng là một người ít nói, vẻ ngoài hiền lành hay sống cô đơn, luôn được đánh giá tốt bởi người xung quanh thì lại nảy sinh lòng thù hận với xung quanh và muốn trả thù cả thế giới.

Năm 2008, Vụ thảm sát Akihabara- một thanh niên đã cầm dao đâm liên tiếp làm chết 7 người và hơn 10 người khác bị thương ngay giữa trung tâm Tokyo, Nhật Bản, gây ra vụ án mạng nghiêm trọng nhất xứ mặt trời mọc vào bấy giờ. Phát ngôn viên cảnh sát Tokyo cho biết: “Thủ phạm nói mình tới Akihabara để giết người vì đã quá mệt mỏi với cuộc sống”.

Tháng 12 năm 2018, một tài khoản Twitter có tên Ryuu đã đăng thông điệp dọa sẽ giết 10 người bất kì tại ga Tokyo. Thông điệp này có nội dung: “Tôi nghĩ có lẽ cuộc sống của mình sắp kết thúc, thế nên tôi sẽ hành động để không phải hối tiếc. Tại ga Tokyo ngày mai hay ngày kia (có nghĩa là ngày 13 hoặc 14), chưa rõ ngày nào, không rõ khi nào, tôi sẽ thực hiện trò giết người hàng loạt với bất kỳ ai. Tôi cũng sẽ chết sau khi giết 10 người. Mục tiêu là để trả thù những người đi làm công sở và phụ nữ. Các người sẽ phải la hét trong biển máu. Tôi đang mong chờ điều đó. Hãy bảo trọng, người dân Tokyo”.

Năm 2019, Vụ phóng hỏa xưởng phim hoạt hình tại thành phố Kyoto (Nhật Bản) đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sự kiện này “kinh khủng đến mức không thể diễn tả bằng lời!”.

Đặc biệt là có 2 sự kiện xảy ra vào năm ngoái mà có lẽ chúng ta còn nhớ rất rõ:

Tháng 8 năm 2021, Người đàn ông Nhật đâm 10 phụ nữ trên tàu điện. Nghi phạm vụ đâm dao trên tàu điện ngầm ở Tokyo cho biết cảm thấy tức giận khi nhìn thấy những phụ nữ trông hạnh phúc và muốn giết họ. “Từ 6 năm trước, tôi bắt đầu cảm thấy mình muốn giết những người phụ nữ trông hạnh phúc. Bất kể ai cũng được, tôi chỉ muốn giết thật nhiều người”, báo Sankei của Nhật Bản dẫn lời nghi phạm nói với cảnh sát.

Tháng 10 năm 2021, chuyến tàu tốc hành Keio buộc phải dừng khẩn cấp vào khoảng 20 giờ tối sau khi xảy ra sự kiện đốt lửa trên tàu. Theo đó, một người đàn ông đã hoá trang thành nhân vật Joker, đâm dao và gây hoả hoạn trên một chuyến tàu. Tổng cộng đã có 17 người bị thương trong vụ việc này, nghi phạm đã bị bắt ngay tại chỗ.

Và rồi đây tới tháng 7 năm 2022, loại tội phạm này lại một lần nữa lặp lại. Nhưng không ai khác Cựu thủ tướng Abe Shinzo lại là nạn nhân của chính con dân nước mình.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia thực hiện vào tháng 10/2022, 67,1% số người được hỏi cảm thấy an toàn công cộng ở Nhật Bản đã suy giảm trong 10 năm qua.

Tỷ lệ tự tự ở Nhật cao ngất ngưỡng

Theo nghiên cứu của hãng thông tấn Kyodo, đại dịch COVID-19 đã góp phần dẫn đến 8.000 vụ tự tử ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2022. Thậm chí, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, con số các vụ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên đã tăng lên hằng năm kể từ năm 2016, và tăng đột biến vào năm 2020 với 499 vụ.

Trầm cảm là lý do chính dẫn đến tỷ lệ tự tử và tội phạm tăng cao

Xã hội Nhật là một xã hội mà chúng ta phải sống và làm việc với một cường độ rất là cao. Công việc rất là bận rộn và đôi khi con người ta rất ít được giao lưu, được trao đổi với nhau. Chính vì vậy, người ta thường hay gặp những bệnh như là trầm cảm, những bệnh mang tính chất về tinh thần. Nói chung là những hội chứng về điên loạn nó nhiều hơn xã hội Việt Nam.  

“Sự cô lập xã hội hoặc thiếu liên kết xã hội là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến phạm tội, như giết người hàng loạt hoặc các tội ác rất nghiêm trọng khác. Họ không có người thân, không có người yêu, không có việc làm hay các mối quan hệ xã hội nào. Họ thất vọng với xã hội và rất thù ghét xã hội. Họ cũng muốn tự tử”, giáo sư Takayuki Harada, nhà tâm lý học tội phạm thuộc Đại học Tsukuba, bình luận.

Ở Việt Nam của chúng ta, nền kinh tế còn chưa phát triển bằng Nhật Bản, chúng ta chưa có nhiều sự đầy đủ trong cuộc sống bằng Nhật Bản, việc g.i.ế.t người hay là hại người của Việt Nam chúng ta thường mang những tính chất nó vật chất hơn một chút. Ví dụ như là g.i.ế.t người vì c.ư.ớp của, vì tiền, vì tình hay là về cái gì đó, chứ Người Việt Nam chúng ta ít mắc những bệnh liên quan đến sức khỏe về tinh thần và điên loạn. Đó cũng là một mặt trái của bất cứ một cái xã hội phát triển nào, không chỉ Nhật Bản.  

Tuy nhiên, người Nhật Bản có tỷ lệ t.ự s.á.t gần như là cao nhất thế giới. Thời kỳ người Nhật tự sát rất là nhiều, một năm có thể lên đến gần 40.000 người t.ự s.á.t và cái số liệu của năm gần đây nhất thì một năm có tới khoảng 21.000 người.Trong đó, một nửa là những người trẻ tuổi. 

Trầm cảm là lý do chính dẫn đến tỷ lệ tự tử và tội phạm tăng cao tại Nhật

 Các bạn có từng nghĩ rằng thanh niên người Việt Nam của chúng ta thì mọi người đều rất là hừng hực muốn làm việc, muốn kiếm tiền, muốn xây nhà, muốn lấy vợ, còn thanh niên của Nhật thì có rất nhiều bạn sống mà không có mục đích sống, không có mong muốn khát khao gì cả. Đặc biệt là không có giao tiếp gì cả, có thể là gia đình của các bạn ấy không hiểu, bố mẹ anh em cũng không hay nói chuyện với nhau, nên dẫn đến việc là các bạn ấy cảm thấy cô đơn và dễ có những cái hành động mất kiểm soát, mắc những bệnh lý về mặt tinh thần.  

Khi sống ở Nhật có đặc thù xã hội như vậy, người Việt Nam của chúng ta, các bạn trẻ nên có những cái nhìn như thế nào và nên có những hành động như thế nào?  

Hoa cũng xin nói thêm là đầu năm 2021, công ty Hoa đã thực hiện một khảo sát đối với khoảng hơn 600 người Việt Nam đang sống và làm việc ở Nhật để tìm hiểu những cái khó khăn của các bạn. Kết quả khảo sát cho rằng rất nhiều những bạn trẻ người Việt Nam chúng ta đang sống ở Nhật có nhu cầu giao lưu với nhau và đặc biệt là nhu cầu giao lưu trao đổi, tham gia các sự kiện với cộng đồng người Việt và với người Nhật.  

Điều này có thể thấy rằng, khi chúng ta làm việc ở Nhật, chúng ta sống ở Nhật rồi, nhưng chúng ta vẫn ít có cơ hội được giao lưu, được học hỏi từ người Nhật. Chính vì vậy, rất nhiều bạn gặp những vấn đề về tinh thần như cảm thấy cô đơn, cảm thấy stress, cảm thấy sống không có ý nghĩa gì cả. Chính những cái cô đơn, stress, khó khăn nhưng không được ai giúp đỡ sẽ khiến cho tinh thần của các bạn có thể đôi khi trở nên hoang mang, nếu lên đến cực độ có thể khiến chúng ta có những hành động mất kiểm soát đáng tiếc.  

Cộng đồng người Việt tại Nhật cần chú ý hơn về sức khỏe tinh thần

Hoa mong rằng, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật của chúng ta có thể rút ra một bài học để chúng ta tôi luyện được tinh thần của chúng ta vững vàng hơn. Sống ở một đất nước đầy trách nhiệm như Nhật Bản, chúng ta có thể vượt qua được những rào cản về ngôn ngữ, chúng ta có thể giao lưu nhiều hơn với những người Nhật, tìm kiếm nhiều sự giúp đỡ hơn để chúng ta không bị những gánh nặng và không mắc những vấn đề về tinh thần dẫn đến những kết quả đáng tiếc.  

Xã hội nào cũng có những vấn đề mặt trái của nó. Vì thế, Hoa mong rằng những người Việt Nam sống ở Nhật chúng ta hãy hiểu đặc thù của xã hội Nhật, hãy hiểu các vấn đề của xã hội Nhật, hãy học từ điều đó để cố gắng mình thích nghi, để cố gắng mình hòa nhập, đối phó được với những khó khăn và để cố gắng bảo vệ bản thân mình không mắc những vấn đề về bệnh lý, không bị trầm cảm. Chúc các bạn bảo vệ bản thân mình thật tốt và chúc các bạn luôn an toàn, có một cuộc sống tốt ở Nhật, các bạn nhé.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *