Tất tần tật kinh nghiệm sinh con ở Nhật – Từ lúc mang thai đến lúc sinh con

Việc mang thai và sinh con ở Nhật là chuyện không hề đơn giản với người nước ngoài. Có rất nhiều khó khăn mà các ông bố, bà mẹ nước ngoài phải đối mặt khi sinh con ở Nhật như: rào cản ngôn ngữ, thủ tục giấy tờ phức tạp, không nắm rõ các chính sách và quyền lợi được hưởng. Ở bài viết này, Hoa sẽ chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm sinh con ở Nhật của bản thân bao gồm quá trình thủ tục cần thiết trước và sau khi sinh con, các chi phí tối thiểu cũng như các chế độ chính sách được hưởng. 

1. Quy trình và thủ tục cần thiết TRƯỚC & SAU khi sinh con ở Nhật 

1.1. Khi mang thai 

a. Nộp giấy khai báo báo mang thai – 妊娠届 

Đầu tiên, khi biết mình có thai, mọi người cần đến các cơ quan hành chính khu vực mình đang sinh sống để nộp 妊娠届 (Giấy khai báo mang thai).  

Tờ giấy này các bạn có thể nhận được ở 窓口 “Quầy giao dịch”. Tùy vào mỗi khu vực mà có những nơi hỗ trợ cả dịch vụ hướng dẫn đa ngôn ngữ dành cho người nước ngoài mang thai đang sinh sống ở Nhật. Để biết thêm thông tin chi tiết, mọi người có thể xác nhận với các cơ quan hành chính ở khu vực mình sinh sống. 

Khi nộp Giấy khai báo mang thai, bạn sẽ có một buổi gặp mặt trao đổi với chuyên gia tư vấn y tế của địa phương, cùng nhau thảo luận những khó khăn, bất an mà bạn đang gặp phải cũng như những vấn đề về chuyện gia đình, chuyện chọn bệnh viện để sinh con. 

 Nộp giấy khai báo báo mang thai - 妊娠届 

b. Nhận “Sổ tay sức khỏe mẹ và con” –   母子健康手帳 

Ngay sau khi bạn nộp Giấy khai báo mang thai, cơ quan hành chính địa phương sẽ phát cho bạn母子健康手帳 (Sổ tay sức khỏe mẹ và con). “Sổ tay sức khỏe mẹ và con” là cuốn sổ ghi chép lại kết quả kiểm tra sức khỏe của mẹ và con, lưu lại quá trình tăng trưởng và phát triển của em bé. 

  • Đề mục ghi chép liên quan đến tình trạng sức khỏe của mẹ 
  • Dinh dưỡng trong thời gian mang thai 
  • Ghi chép về việc kiểm tra sức khỏe trong thời gian mang thai 
  • Tình trạng khi sinh và quá trình sau khi sinh 
  • Ghi chép về thay đổi cân nặng trong thời gian mang thai và sau khi sinh con 
  • Ghi chép về việc tham gia các lớp học dành cho mẹ. 
  • Đề mục ghi chép liên quan đến tình trạng sức khỏe của bé 
  • Ghi chép của phụ huynh về việc quan sát sự phát triển và tình hình sức khỏe của bé. 
  • Ghi chép về việc tiêm phòng, chích ngừa 
  • Ghi chép về những bệnh đã mắc phải cho đến bây giờ 
  • Sơ đồ về sự phát triển thân hình của bé 
  • Sơ đồ về chiều cao cân nặng của bé 

Ngoài tiếng Nhật, rất nhiều cơ quan hành chính chuẩn bị sẵn Sổ tay sức khỏe mẹ và bé bằng nhiều thứ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc, tiếng Bồ Đào Nha, v..v.. 

c. Khám thai 

Trong thời gian mang thai, hãy nhớ ăn uống và nghỉ ngơi đều đặn. Ngoài ra, khi nhận được Sổ tay sức khỏe mẹ và bé, bạn sẽ được nhận kèm theo phiếu hỗ trợ khám thai. Vì vậy, đừng quên chú ý đến lịch khám thai định kỳ để có thể theo dõi được sức khỏe của cả mẹ lẫn bé một cách tốt nhất.  

Tùy vào mỗi khu vực, mà tiền khám thai cũng khác nhau, bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc đến cơ quan hành chính của địa phương. 

d. Tham gia các lớp học dành cho cha mẹ 

Tại các địa phương thường có mở những lớp học giảng dạy những kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết liên quan đến việc mang thai, sinh con và nuôi con. Tất cả những người mang thai và gia đình đều có thể tham gia hoàn toàn miễn phí. 

1.2. Sau khi sinh con 

a. Thủ tục sau khi sinh con tại cơ quan hành chính Nhật 

  • NỘP GIẤY KHAI SINH – 出生届 

Trong vòng 14 ngày sau khi sinh con, bạn cần phải nhanh chóng khai báo, nộp giấy khai sinh cho con tại các cơ quan chính quyền địa phương. Thông thường, tờ khai nay sẽ được đính kèm luôn theo giấy chứng sinh mà bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi bạn sinh con cung cấp. 

NỘP GIẤY KHAI SINH – 出生届 

Khi đi làm thủ tục khai sinh, bạn cần mang theo giấy đăng ký khai sinh, giấy chứng sinh, con dấu của người mang đi nộp ( hoặc chữ ký), sổ tay sức khỏe mẹ và con,

thẻ bảo hiểm sức khỏe quốc dân ( nếu bạn có tham gia bảo hiểm). Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo hộ chiếu, thẻ tư cách lưu trú, tùy vào mỗi địa phương mà một số yêu cầu về thủ tục giấy tờ có thể khác nhau.  

Ngoài ra, sau khi đăng ký giấy khai sinh, bạn có thể đăng ký luôn 住民票 (Phiếu cư dân) và 出生届け受理書 

(Giấy chứng nhận đã thụ lý thủ tục đăng ký xin con) mỗi loại 2 bản. Sau này bạn sẽ cần những giấy tờ này để tiếp tục làm thủ tục khai sinh cho con tại Đại sứ quán Việt Nam và làm visa cho con tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. 

  • ĐĂNG KÝ THẺ BẢO HIỂM ― 健康保険証 

Trong vòng 1 tháng sau khi sinh con, bạn nên đăng ký làm thẻ bảo hiểm cho con sớm nhất có thể. Cũng giống như đăng ký giấy khai sinh, bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký thẻ bảo hiểm tại cơ quan hành chính nơi mình đang sinh sống. Thành viên đại diện làm chủ hộ (bố hoặc mẹ) sẽ có trách nhiệm đóng tìm bảo hiểm cho cả gia đình bao gồm phần của các con. 

  • ĐĂNG KÝ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP Y TẾ CHO TRẺ ― 乳幼児医療費助成制度 

Với chế độ này, trẻ sẽ được miễn phí hoàn toàn hoặc miễn giảm một phần chi phí khám bệnh trong trường hợp phải nhập viện hoặc cần đi khám. Để được hưởng chế độ này, bạn cần phải đăng ký ở các cơ quan hành chính địa phương, mang theo con dấu cá nhân, sổ tay Sức khỏe mẹ và con, thẻ bảo hiểm của trẻ và sổ tiết kiệm ngân hàng. Đăng ký xong bạn có thể nhận ngay tại chỗ. 

  • ĐĂNG KÝ TRỢ CẤP NHI ĐỒNG ― 児童手当金 

Bất kể mang quốc tịch gì đi nữa, chỉ cần con bạn sinh ra ở Nhật và có đăng ký cư trú đầy đủ, bé sẽ được nhận trợ cấp nhi đồng hàng tháng với một khoản tiền nhất định. ( Khoản tiền này có thể thay đổi tùy theo chính sách từng năm và được chuyển thẳng vào tài khoản đăng ký của bố mẹ 3 tháng/ lần). Lưu ý rằng, nếu bạn không đăng ký trợ cấp này trong đúng thời hạn thì rất nhiều trường hợp bạn sẽ không nhận được tiền trợ cấp. 

 b. Thủ tục sau khi sinh con tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật  

Sau khi làm xong thủ tục tại cơ quan hành chính địa phương, bố mẹ cần lên Đại sứ quán Việt Nam hoặc Lãnh sự quán Việt Nam để đăng ký khai sinh và làm hộ chiếu bằng tiếng Việt cho bé. Tốt nhất là nên đăng ký càng sớm càng tốt, trước khi làm thủ tục trên Cục quản lý cư trú và Xuất nhập cảnh.   

2  thủ tục cần đăng ký bao gồm:  

  • Ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh  
  • Làm hộ chiếu cho con  

Các loại giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm : 

  • Giấy chứng nhận thụ lý việc thông báo khai sinh (出生届受理証明書).  
  • Phiếu cư dân (住民票)  
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bố mẹ (bản chính)  
  • Hộ chiếu, thẻ cư trú của bố mẹ.  
  • 2 ảnh chụp con (3,5 x 4,5, nền trắng, chụp chính diện)  
  • Tờ khai xin ghi vào sổ hộ tịch  
  • Tờ khai xin cấp hộ chiếu lần đầu  

Cả 2 thủ tục ghi vào sổ hộ tịch và làm hộ chiếu sẽ được làm cùng một lúc, thời gian chờ đợi sẽ vào khoảng  5 ~ 7 ngày làm việc. Tuy nhiên nếu bố mẹ nộp thêm phí (khoảng 150% lệ phí) sẽ được ưu tiên làm luôn trong ngày.  

 Hiện nay, do tình hình dịch Corona nên Đại sứ quán/Lãnh sự quán sẽ hạn chế số lượng người đăng ký mỗi ngày. Bố mẹ có thể làm thủ tục cho bé bằng cách gửi hồ sơ qua đường bưu điện theo hướng dẫn trên trang chủ của Đại sứ quán/Lãnh sự quán.  

Link hướng dẫn cách đăng ký cụ thể trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật:   

Thủ tục cấp giấy khai sinh | Embassy of the Socialist Republic of Vietnam in Japan (vnembassy-jp.org) 

c. Thủ tục sau khi sinh con tại Cục quản lý cư trú và Xuất Nhập cảnh  

Sau khi đăng ký thủ tục trên Đại sứ quán Việt Nam xong, bố mẹ cần lên Cục quản lý cư trú và Xuất nhập cảnh để đăng ký tư cách lưu trú cho bé. Tại mỗi khu vực có Cục quản lý riêng, các bạn tra theo từ khóa “入国管理局+ Tên vùng” để biết thông tin đường đi tới Cục nhé.  

Tư cách lưu trú của con sẽ thuộc loại 家族滞在, theo bố hoặc mẹ. Trước đó cần quyết định xem bố hay mẹ sẽ là người bảo lãnh cho con. Kinh nghiệm nên chọn người có tư cách lưu trú dài hơn, vì thời hạn lưu trú của con thường sẽ được cho tương ứng với thời hạn lưu trú của người bảo lãnh. Trong trường hợp bố hoặc mẹ có tư cách vĩnh trú thì bé cũng được nhận tư cách vĩnh trú.  

Giấy tờ cẩn chuẩn bị:  

  • Tờ khai xin cấp tư cách lưu trú.  
  • Giấy chứng nhận thụ lý việc thông báo khai sinh (出生届受理証明書).  
  • Phiếu cư dân (住民票) có đủ thông tin cả gia đình.  
  • Hộ chiếu của con ( nếu vẫn trong thời gian làm hộ chiếu thì điền vào tờ khai là đang   trong quá trình làm)   
  • Hộ chiếu, thẻ cư trú của người bảo lãnh (bố hoặc mẹ).  
  • Giấy chứng nhận bảo lãnh (身元証明書), do người bảo lãnh điền, đóng dấu.  
  • Giấy chứng nhận làm việc (在職証明書) của người bảo lãnh, xin ở công ty.  
  • Giấy chứng nhận đóng thuế (課税証明書) của người bảo lãnh, lấy ở Combini hoặc xin ở 区役所 (hoặc 市役所).  
  • Phiếu câu hỏi: điền các thông tin của bố và mẹ.  

Phí xin tư cách lưu trú thông thường là 4000 yen nhưng nếu là bé đầu sẽ được miễn phí.  

2. Chi phí sinh đẻ khi mang thai và sinh con ở Nhật. 

2.1. Chi phí khi mang thai   

a. Chi phí khám thai định kỳ   

Thông thường sản phụ sẽ được 14 lần “khám thai định kỳ” cho đến khi sinh đẻ. Vì mang thai không thuộc chi phí chi trả của bảo hiểm, nên chi phí cho 1 lần khám thai sẽ rơi vào khoảng 5.000 ~ 8.000 yên, tùy theo bệnh viện và nội dung khám.   

Tuy nhiên, theo chính sách miễn giảm chi phí khám thai cho bà bầu của Nhật Bản hiện nay, chính quyền mỗi địa phương phát một vé trợ giá cho khoảng 14 lần khám. Vậy nên, nhất định hãy đăng ký với Ủy ban Quận/Huyện để nhận “Sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em” (tiếng Nhật là 母子健康手帳) và nhận được các gói hỗ trợ cho sản phụ. Số tiền và nội dung hỗ trợ khác nhau tuỳ từng địa phương vì vậy các bạn hãy thử xác nhận nội dung qua văn phòng hỗ trợ hoặc trang web của ủy ban hành chính địa phương nhé.  

Chi phí thăm khám mà người mang thai tự chi trả cũng có thể được hoàn trả lại phần nào đó khi các bạn kê khai thuế vào năm sau vì vậy các bạn hãy giữ cẩn thận các hoá đơn, bản kê chi tiết khi đến bệnh viện nhé.  

Ngoài ra, bạn có thể được cung cấp một vé phụ để khám khi cần thiết trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu chi phí khám thai của sản phụ vượt quá số tiền của vé trợ giá, sản phụ sẽ tự trả phần thiếu ấy. Ngoài ra, mặc dù chi phí khám thai là miễn phí, nhưng nếu được kê đơn thuốc  thêm thì bạn sẽ phải tự chi trả. Bên cạnh đó, chi phí đi lại mỗi khi đi khám thì sản phụ sẽ phải tự chi trả.  

b. Chi phí tham gia các khóa học cho bà bầu, khóa học cho bố mẹ  

Tại Nhật, chính quyền mỗi địa phương sẽ tiến hành tổ chức “Lớp học dành cho bà mẹ” và “Lớp hướng dẫn dành cho cha mẹ”. Tại những buổi học đó, các nữ hộ sinh và y tá sẽ hướng dẫn và dạy những kiến thức về chăm sóc em bé như phương pháp tắm và thay tã cho những người sẽ trở thành ông bố bà mẹ tương lai.  

 Về cơ bản, các buổi học như trên được tổ chức ở các chính quyền địa phương và bệnh viện đỡ đẻ, và hầu hết là được miễn phí hoặc chi phí rất thấp. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin cụ thể hơn ở từng Ủy ban Quận/Huyện nơi bạn sinh sống.  

c. Chi phí quần áo, trang phục khi sinh cho bà bầu  

Khi chuẩn bị sinh và sinh xong, sản phụ cần tối thiểu một số trang phục và đồ dùng như sau:  

・Váy/ Áo khi sinh  

・Áo ngực dành cho bà bầu ( Sinh xong bà bầu sẽ tiết sữa nên cần áo chuyên dụng)  

・Quần đùi cho bà bầu  

・Miếng lót sau sinh  

・Tấm lót dành cho phụ nữ trong thời kỳ cho con bú  

Bạn có thể cân nhắc mua đồ cũ thì chi phí có thể rẻ hơn. Nếu mua mới, chi phí sẽ rơi vào khoảng 20.000~30.000 yên.  

d. Đồ dùng cho em bé  

Các bố mẹ sẽ phải chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết cho em bé sau sinh.  

Trung bình, nếu mua đồ mới, bạn sẽ chi trả khoảng 100.000~150.000 yên cho đồ của em bé. Nếu bạn mua ở cửa hàng đồ cũ thì chi phí sẽ giảm nhiều hơn so với mua mới. Ghế trẻ em đắt tiền có thể được thuê miễn phí tại đồn cảnh sát. Bạn có thể kiểm tra trên trang chủ của đồn cảnh sát gần nơi bạn ở.  

Khăn lau và tã lót là những vật dụng rất cần thiết trong tương lai, vậy nên các bạn nên mua trước và dự trữ trước khi sinh.  

 Về quần áo cho bé, các đồ tối thiểu gồm: Đồ lót, quần áo, tất, mũ, yếm , chăn và vỏ bọc. Về tã lót, sản phụ nên chuẩn bị sẵn nhiều tã và khăn lau. Một số bà mẹ có thể chuẩn bị bình sữa, nhiệt kế, đồ tắm… cho bé.  

2.2. Chi phí khi sinh con 

Tùy vào địa điểm bạn đăng ký sinh con mà chi phí khi sinh con cũng sẽ có phần thay đổi. Chi phí khi sinh con trung bình ở Nhật thông tường rơi vào khoảng 400,000 yên đến 500,000 yên. Ngoài ra, giá phòng bệnh sẽ khác nhau tùy theo phòng riêng hay phòng lớn và tùy bệnh viện, nhưng nếu chọn phòng riêng thường có giá từ 5000 đến 10,000 yên một đêm.  

Bên cạnh đó, các phương pháp sinh khác nhau như sinh không đau và sinh mổ có chi phí sinh khác nhau. Nếu phải đẻ mổ hoặc sản phụ chọn đẻ không đau thì chi phí sẽ tăng thêm khoảng 100,000 ~ 200,000 yên  

Chi phí sinh đẻ cũng khác nhau tuỳ từng khu vực. Tokyo là nơi được cho là đắt nhất Nhật Bản có chi phí bình quân khoảng 620,000 yên, tỉnh Tottori là nơi được cho là rẻ nhất có chi phí bình quân khoảng 390,000 yên.  

Tuy nhiên, chính phủ Nhật có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho sản phụ, có chế độ hô trợ lên đến hơn 400,000 yên. Về vấn đề này, Hoa xin chia sẻ ở phần sau của bài viết. 

2.3. Chi phí sau sinh con 

Ngay sau khi sinh con, bạn phải đối mặt với một số chi phí khác cần được chi trả như thăm khám định kỳ, tiêm vắc-xin, đồ dùng, áo quần cho trẻ sơ sinh cũng như chi phí ăn uống. Ngoài ra, trường hợp cả hai vợ chồng đều bận rộn với công việc thì việc gửi bé đến nhà trẻ ngay từ khi còn nhỏ hoặc phải thuê người chắm sóc cũng đáng được cân nhắc. 

Chi phí phải chi trả sau khi sinh sẽ khác nhau tuỳ thuộc theo từng người. Nhưng theo điều tra chung, chi phí chăm sóc bé trong năm đầu tiên rơi vào khoảng 500,000 yên. Vì vậy các bạn nên lập kế hoạch chi tiêu ngay từ trước khi sinh nở. 

3. Các khoản trợ cấp và chính sách hỗ trợ 

3.1. Tiền trợ cấp sinh con nuôi con trao một lần – 出産育児一時金 

Thời hạn đăng ký: Tùy thuộc vào hình thức nhận tiền mà bạn đăng ký. (Trước khi chính thức nhập viện hoặc trong vòng 2 năm sau khi sinh được 1 ngày) 

Nơi đăng ký: Bệnh viện hoặc tại quầy tư vấn của các hiệp hội bảo hiểm sức khoẻ.

Về cơ bản, chính sách này hỗ trợ cho sản phụ một khoản tiền trợ cấp lên đến 420,000 yên/ 1 bé. Đặc biệt, chính sách này không phân biệt người có quốc tịch Nhật Bản hay nước ngoài, chỉ cần bạn sinh con ở Nhật, tham gia bảo hiểm sức khỏe thì đều có thể nhận được số tiền này. 

Thông thường, có 2 cách để nhận số tiền này là 直接支払制度 (Chế độ trả trực tiếp) và 受取代理制度 (Chế độ trả thay) . Chế độ trả trực tiếp nghĩa là bệnh viện sẽ làm việc trực tiếp với công ty bảo hiểm để tiến hành tất cả các thủ tục cần thiết, sau đó công ty bảo hiểm sẽ thay bạn trả tiền thẳng đến bệnh viện và bạn không cần phải thực hiện một thủ tục nào cả. Trong khi đó, với chế độ trả thay, bạn sẽ là người đứng ra thực hiện các thủ tục với công ty bảo hiểm để yêu cầu họ trả cho bệnh viện. Nghe có vẻ hơi bất tiện, nhưng trên thực tế, giấy tờ để đăng ký cho Chế độ trả thay không quá phức tạp đến thế, bạn buộc phải lựa chọn cách nhận tiền này trong trường hợp bệnh viện nơi bạn sinh chưa áp dụng Chế độ trả trực tiếp nhưng phía bệnh viện sẽ hướng dẫn cho bạn cách thức điền các giấy tờ liên quan để nộp cho công ty bảo hiểm. 

3.2. Trợ cấp nhi đồng ― 児童手当金 

Thời hạn đăng ký: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày sau khi sinh 

Nơi đăng ký: Chính quyền địa phương ( Đối với công nhân viên chức có thể đăng ký tại cơ quan làm việc) 

Đây là loại chính sách hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ từ lúc mới chào đời cho đến khi học hết cấp bậc Trung Học Cơ Sở. Tùy vào số tuổi của trẻ mà tiền trợ cấp cũng sẽ thay đổi, cụ thể: 

+ Trẻ dưới 3 tuổi: 15,000 yên/tháng 

+ Trẻ em trên 3 tuổi đến khi tốt nghiệp Trung Học Cơ Sở: 10,000 yên/tháng. (Từ con thứ 3 trở đi sẽ là 15,000 yên/tháng) 

3.3. Trợ cấp sinh con ― 出産手当金 

Thời hạn đăng ký: Sau khi sinh 57 ngày, trong vòng 2 năm (Cần xác nhận với nơi làm việc) 

Nơi đăng ký: Nơi làm việc. 

Trong quá trình nghỉ sinh, nhiều công ty thường không trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu có tham gia vào bảo hiểm sức khỏe, bạn sẽ được một khoản tiền trợ cấp sinh con thay cho tiền lương.  

Về cơ bản, đối tượng thời gian chi trả sẽ gồm 98 ngày = 42 ngày trước khi sinh con và 56 ngày sau khi sinh. Nếu bạn sinh vào một ngày khác so với dự kiến ban đầu, tổng số ngày được hưởng trợ cấp này cũng sẽ thay đổi theo. 

Bạn có thể chia ra hai đợt “Trước khi sinh” và “Sau khi sinh” để đăng ký, tuy nhiên Hoa khuyên mọi người nên gộp chung nhận luôn một lần sau khi sinh để đỡ mất thời gian đăng ký nhiều lần. Tiền trợ cấp sẽ được gửi vào khoảng 1 đến 2 tháng sau khi đăng ký. 

Kết

Đây là kinh nghiệm riêng được đúc kết trong quá trình mang thai và sinh 2 thiên thần nhỏ của Hoa. Những thủ tục và giấy tờ trên chỉ là những bước đi đầu tiên trong quá trình nuôi dạy con cái tại Nhật. Hoa cũng hiểu rằng nuôi con chưa bao giờ là dễ dàng và tương lai có lẽ chúng ta còn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn và nhiều thủ tục phức tạp hơn. Tuy nhiên, Hoa tin rằng mọi công sức bỏ ra cho con luôn vô cùng đáng giá.

Rất hi vọng những bài viết của Hoa có thể giúp ích được các ông bố, bà mẹ đang và chuẩn bị sinh con tại Nhật. Và Hoa cũng sẽ cố gắng chia sẻ nhiều hơn những kinh nghiệm rất riêng của chính bản thân trong quá trình nuôi con sắp tới. Nếu gần đây các thủ tục hay giấy tờ đã có thay đổi, các bạn hãy cùng chia sẻ với Hoa nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *