Cuộc sống ở Nhật: 10 bước giúp bạn chuyển nhà êm xuôi ở Nhật

đièu tra người việt ở nhật

Chuyển nhà (引っ越し hikkoshi hay 転居 tenkyo) là một quá trình đầy mệt mỏi và căng thẳng. Đặc biệt là đối với những bạn đang ở Nhật – đất nước của những thủ tục. Để giúp các bạn đỡ bỡ ngỡ, Hoa xin chia sẻ checklist 10 bước chuyển nhà, tránh trường hợp quên trước quên sau nhé!

Bước 1: Tính toán thời gian chuyển nhà

Có một số bạn đợi đến gần hết hợp đồng cũ mới rục rịch đi tìm nhà mới. Điều này dẫn đến việc chuẩn bị gấp và đôi khi căn nhà mới mà bạn chọn vội không được như ý. Nếu không có ý định gia hạn hợp đồng nhà cũ, bạn nên bắt đầu tìm nhà mới trước khi hết hạn hợp khoảng 3 tháng nhé!

Bước 2: Tham khảo giá nhà và đến xem nhà

Hoa biết có nhiều bạn hay nghe theo giới thiệu của bạn bè. Hoặc là chuyển đến nhà cũ của sempai để đỡ mất phí đầu vào. Tuy nhiên làm như vậy là bạn đang hạn chế những lựa chọn của mình. Và rất có thể bạn phải đóng phí đền bù tổn thất cho những hỏng hóc trong nhà mà sempai để lại.

Hiện nay cũng có rất nhiều chỗ môi giới nhà đất, đưa ra những cái giá rất rẻ, cam kết rằng có thể ở nhiều người trong những căn hộ quy định ở 1~2 người. Tuy nhiên, khi bị phát hiện thì họ lại trốn tránh trách nhiệm. Tốt nhất là tìm chỗ môi giới uy tín, đọc kỹ hợp đồng. Và lưu ý, bạn cần đến xem nhà trước khi thuê nhé! Nhớ đi xung quanh xem gần đó có siêu thị rẻ hoặc cửa hàng tiện lợi không nhé!

Bước 3: Ước lượng chi phí chuyển nhà

Ở Nhật có rất nhiều chi phí chuyển vào nhà như tiền lễ (礼金 reikin) và tiền cọc (敷金 shikikin). Tiền lễ là tiền tặng chủ nhà nên không lấy lai được. Nhưng tiền cọc được sẽ trả lại sau khi khấu trừ chi phí dọn vệ sinh, sửa hỏng hóc nhà cửa. Thường các bạn sẽ phải đóng phí môi giới và tiền nhà của 1~2 tháng đầu. Vì thế, bạn cần chuẩn bị trước số tiền này nhé!

Bước 4: Cắt hợp đồng nhà cũ

Trong hợp đồng cho thuê nhà thường quy định phải báo trước 1 tháng. Nếu báo gấp bạn có thể phải chịu thêm 1 tháng tiền nhà. Nên bạn phải kiểm tra kỹ hợp đồng nhé! Gần đây xuất hiện nhiều khuyến mãi đầu vào, thoạt nhìn tưởng như mình sẽ hời. Nhưng thực chất lại có những ràng buộc về thời hạn hợp đồng và số tiền phạt thì nhiều một cách vô lý. Nên các bạn phải hết sức lưu ý nhé! Nếu bạn đã hết hạn hợp đồng (thường là 2 năm) và định chuyển nhà thì vẫn phải thông báo không gia hạn hợp đồng cũ nhé!

Bước 5: Cắt hợp đồng điện, nước, ga, internet

Một số nơi chấp nhận làm thủ tục hủy hợp đồng online (công ty điện). Nhưng một số nơi khác (công ty ga) phải hẹn đến nhà làm thủ tục. Nhân viên các công ty trên sẽ đến nhà bạn vào ngày chuyển nhà để xem đồng hồ để tính tiền. Số điện thoại cần liên hệ có ghi ngay trên hóa đơn. Thủ tục này các bạn cũng nên làm sớm nhé!

Bước 6: Thông báo chuyển ra khỏi tỉnh/thành phố hiện tại

Nếu bạn chuyển nhà nhưng vẫn ở 区/市 cũ, thì chỉ cần mang thẻ ngoại kiều, thẻ my number, bảo hiểm quốc dân (nếu có), con dấu đến 区役所 / 市役所 (tòa thị chính) làm thủ tục 転居届 (thay đổi địa chỉ) trong vòng 14 ngày từ khi chuyển nhà là được. Nếu chậm hơn 14 ngày có thể bị phạt đến 20man nên đừng tốt nhất là làm sớm nhé các bạn!

Nếu bạn chuyển nhà khác 区/市 thì bạn cần đến tòa thị chính gần nơi ở cũ để làm giấy khai báo thay đổi địa chỉ trước khi chuyển nhà 14 ngày. Sau đó bạn sẽ được nhận 転出証明書 (giấy chứng nhận chuyển địa chỉ cũ). Tiếp theo bạn đến tòa thị chính nơi ở mới để nộp giấy 転出証明書 và làm thủ tục 転入届 (chuyển đến địa chỉ mới). Bạn nhớ làm trong vòng 14 ngày sau khi chuyển nhà nhé!

Nếu bạn đang có bảo hiểm quốc dân (国民健康保健 kokumin kenkou hoken) thì bạn cũng cần làm luôn thủ tục xuất lại bảo hiểm quốc dân với địa chỉ mới nhé.

Bước 7: Sắp xếp hành lý

Trước ngày chuyển nhà 2 tuần, bạn nên lên kế hoạch đóng đồ, dọn đồ và vứt đồ. Hoa nghĩ là bạn sẽ cần choáng trước lượng đồ mà mình sở hữu đấy. Hãy vứt hết rác! Và đừng quên chụp lại tình trạng căn nhà để tránh bị phạt tiền oan nhé!

Bước 8: Xử lý rác

Đối với đồ bạn không cần dùng nữa nhưng chưa hỏng thì có thể thanh lý đồ trên các group Facebook; hoặc liên hệ với các tiệm bán đồ cũ (リサイクルショップ) ở gần nhà. Nếu như bạn thải ra nhiều rác cùng lúc mà không có chỗ vứt, bạn cần liên lạc tới tòa hành chánh địa phương nhờ đến lấy nhưng phải mất tiền. Đối với rác lớn như đệm, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt,… thì bạn cần đăng ký vứt rác lớn tới trung tâm xử lý rác thải. Thủ tục này gọi là 粗大ごみの処分 (sodaigomi no shobun) nhé!

Bước 9: Gửi đồ đến nhà mới

Hiện nay có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ chuyển nhà, tuỳ vào khoảng cách và số lượng đồ mà bạn cơ thể lựa chọn nhé. Nếu bạn có ít đồ thì có thể cân nhắc gửi bưu điện. Còn nếu bạn có nhiều đồ cồng kềnh thì có thể thuê dịch vụ chuyển nhà trọn gói. Hoa biết rằng dạo gần đây cũng có một số người VN mở dịch vụ này đấy!

Bước 10: Làm thủ tục dọn vào nhà

Trước ngày chuyển vào nhà mới, bạn hãy đăng ký các dịch vụ điện, nước, ga, internet,… để mọi thứ hoạt động bình thường khi bạn chuyển vào nhé! Đồng thời, hãy kiểm tra xem đồ của bạn đã được chuyển đến đầy đủ chưa nhé!

Hoa chúc các bạn chuyển nhà thành công! ?

Có thể bạn cũng quan tâm về Cuộc sống ở Nhật

🌻 Tại sao người Nhật ít nói? Cảm nhận của Phi Hoa khi ở Nhật

🌻 5 điều Hoa cực không thích ở người Nhật!

🌻 3 trở ngại lớn khi người nước ngoài lập nghiệp ở Nhật?!

🌻 Bí quyết ứng xử hay khi làm việc ở Nhật: Đừng chỉ xin lỗi khi bị mắng, mà hãy cảm ơn!

🌻 Cuộc sống ở Nhật: 1001 các trò lừa đảo lẫn nhau của người Việt ở Nhật!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé:

🌻 Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

🌻 Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

🌻 Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

[wpforms id=”151″]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *