Cuộc đời của Ayukawa Yoshisuke – nhà sáng lập NISSAN?!

Ayukawa Yoshisuke - Nhà sáng lập Nissan

Ayukawa Yoshisuke sinh ngày 6/11/1880 tại tỉnh Yamaguchi trong một gia đình Samurai của Nhật. Bản thân ông từ thời còn nhỏ cũng tham gia huấn luyện trong quân đội. Tuy nhiên, cơ thể của Ayukawa Yoshisuke vốn yếu đuối. Ông không đủ sức khỏe để duy trì những buổi tập nghiêm khắc đó.

Trong thời gian đó, bố của ông cũng chuyển sang làm việc cho một tòa soạn báo. Gia đình của Yoshisuke là một gia hình nghèo đói điển hình của khu vực Choshu thời bấy giờ. Ông là con trai cả trong một gia đình có 7 người con (trên ông còn có 1 chị gái). Dù nghèo khó, nhưng bố mẹ ông rất chú tâm đến việc nuôi dạy con cái. Yoshisuke cũng đã được cho đi học từ hồi 6 tuổi.

Yamaguchi là một trong những tỉnh trọng tâm của Nhật thời bấy giờ trong cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân. Trường mà Yoshisuke theo học từ hồi 6 tuổi cũng có tới 2 giáo viên đã tốt nghiệp đại học nữ sinh Tokyo. Tuy nhiên, khi còn nhỏ Yoshisuke nổi tiếng là một học sinh nghịch ngợm hơn là một học sinh ưu tú.

Nội dung chính

Con đường khởi nghiệp của Ayukawa Yoshisuke

Cuộc sống nghèo khó thuở nhỏ của Ayukawa Yoshisuke

Ayukawa Yoshisuke hồi trẻ. Ayukawa Yoshisuke hồi trẻ

Gia đình Ayukawa Yoshisuke là một gia đình nghèo khó. Cứ mỗi lần thêm một người trong gia đình là cuộc sống của ông lại trở nên khó khăn hơn.

Thời kì ông còn là học sinh cấp 2 có một loại áo choàng rất phổ biến thời bấy giờ gọi là “Inverness”. Đó là một chiếc áo choàng mặc vào mùa đông. Mẹ của ông rất muốn mua nó để tặng cho chồng mình. Nhưng việc mua chiếc áo choàng đó là không thể đối với gia đình ông thời bấy giờ. Khi đó, mẹ ông đã nhờ ông viết một bức thư cho người cô của mình tức là em gái ruột của mẹ ông. Em gái của mẹ ông khi đó là vợ của một người trong gia tộc Hoàng gia Inoue nên rất giàu có.

Một thời gian sau khi gửi thư, một bưu phẩm đã được gửi đến nhà ông; và mở ra là một chiếc áo choàng “Inverness”. Và nó cũng là một chiếc áo choàng cũ giống như mẹ của ông yêu cầu. Cha ông cũng đã rất vui mừng và mặc nó đi làm hàng ngày. Tuy nhiên, riêng bản thân Ayukawa Yoshisuke thì không hề cảm thấy thoải mái. Và tâm trạng ông trở nên rất phức tạp. Ông đã nghĩ “Nếu mình là người gửi thì mình sẽ không gửi đồ cũ. Mình sẽ gửi đồ mới hoặc gửi tiền để mua đồ mới. Đúng là những người giàu có không bao giờ hiểu và có được sự cảm thông với người nghèo.”

Quyết tâm trở nên giàu có

Có thể người cô của Yoshisuke có một lý do nào khác khi chỉ gửi chiếc áo cũ theo đúng yêu cầu của mẹ ông. Thế nhưng chính việc này đã làm cho Ayukawa Yoshisuke nung nấu một quyết tâm trở nên giàu có. Ông muốn mình trở thành người tặng đồ cho người khác chứ không phải là người nhận đồ. Từ đó ông quyết tâm học tập thật giỏi để thay đổi cuộc đời của mình.

Thời đó, Nhật Bản cũng đã rất tập trung vào giáo dục. Yoshisuke cũng đã được theo học rất nhiều thầy giỏi. Trong đó ông đặc biệt bị ảnh hưởng bởi một người thầy trẻ khi ông đang học cấp 3 tên là Oka Asajiro. Người thầy này cho học sinh mang sách vở vào giờ kiểm tra và có thể mở ra xem tùy thích; cùng với một câu nói “Tôi sẽ ra đề mà các cậu có tìm trong sách cũng không ra được!” Chính người thầy này đã giúp cho Yoshisuke hiểu được sự quan trọng của việc tự suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình.

“Cậu hãy trở thành kỹ sư!” – Định hướng từ một vị tướng nổi tiếng

Vào thời kì đó, những người xuất thân từ gia đình Samurai hầu hết đều muốn vào làm trong quân đội. Nếu không vào được quân đội, họ cũng sẽ cố để làm chính trị. Buôn bán hay kĩ sư là những công việc mà rất ít người nghĩ tới.

Thế nhưng một vị tướng nổi tiếng thời đó của Nhật là Inoue Kaoru đã có một buổi diễn thuyết tại trường cấp 3 – nơi Ayukawa Yoshisuke theo học. Ông phát biểu như sau: “Nhật Bản hiện nay đang thừa chính trị gia. Trở thành chính trị gia là một sai lầm. Hãy trờ thành doanh nhân và làm giàu cho Nhật Bản. Nhật Bản hiện nay đang cần những người như vậy,”

Đặc biệt hơn cả, sau buổi diễn thuyết đó, Inoue Kaoru đã gọi riêng Yoshisuke ra và nói “Cậu hãy trở thành kĩ sư!”. Bản thân Yoshisuke cũng không hiểu tại sao Inoue lại nói với ông như vậy.

Inoue_Kaoru - vị tướng đã định hướng cho nhà sáng lập Nissan

noue Kaoru – vị tướng nổi tiếng đã có những định hướng đúng đắn cho Ayukawa Yoshisuke

Được dìu dắt bởi những người thầy giỏi

Chỉ vài ngày sau đó, Yoshisuke chuyển sang sống tại nhà của một người thầy tên là Hojo để tập trung cho việc học tập. Khi đó đang theo học tại nhà của Hojo còn có 2 người khác là: Futaki Kenzo và Yoshimoto SeitaroFutaki Kenzo sau này đã trở thành một bác sĩ nổi tiếng; từng được đề cử giải Nobel; và là người đi đầu trong việc giới thiệu về ích lợi của gạo lứt đến với mọi người. Yoshimoto Seitaro cũng trở thành một người bác sĩ nổi tiếng của bệnh viện Chữ Thập Đỏ Nhật Bản. Ngoài ra, Hojo còn có 1 người đệ tử khác là Nishida Kitaro – người đã xây dựng “tư tưởng triết học Nishida” nổi tiếng khắp thế giới sau này.

Đáng tiếc là chỉ sau 1 năm, Hojo đã bị chuyển công tác sang Kanazawa. Và Yoshisuke đã phải quay trở lại học với người thầy cũ từ thời cấp 2 của mình. Thời đó ông được học cùng với con trai trưởng của nhiều người nổi tiếng như Kodama Gentaro – tham mưu trưởng trong chiến dịch Mãn Châu của cuộc chiến tranh Nga – Nhật hay Sone Arasuke – Bộ trưởng Bộ tài chính thời đó của Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nghe theo lời khuyên của Inoue Kaoru, Yoshisuke đã vào học khoa Cơ khí của trường đại học công nghệ hoàng gia Tokyo; với mục đích trở thành một người kĩ sư. Ông cũng được Inoue Kaoru cho ăn ngủ ở nhà của mình trong suốt thời gian đi học.

2 quyển sách ảnh hưởng đến đến tư tưởng sau này của Ayukawa Yoshisuke

Thời gian là sinh viên, có 2 quyển sách đã gây ra ảnh hưởng rất lớn cho tư tưởng của Yoshisuke. Quyển sách đầu tiên là “進化論講和” của Oka Asajiro. Đây là quyển sách tóm tắt lại Thuyết tiến hóa của Darwin. Quyển sách thứ 2 là “The Empire of Business” của ông vua ngành thép Andrew Carnegie của Mỹ. Trong cuốn sách này, Yoshisuke ấn tượng nhất đoạn

“Nếu như các bạn không cảm thấy hạnh phúc và thoải mái khi cống hiến cho người chủ hiện nay; thì dù cho các bạn sẽ phải chịu tổn thất đi chăng nữa, hãy rời bỏ người bỏ. Và hãy tiếp tục tìm cho đến khi nào các bạn tìm thấy người mà có thể tạo cho bạn công việc mà các bạn mong muốn”.

Từ chối lời giới làm việc cho Tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản để có thể làm công việc mình yêu thích

Sau khi tốt nghiệp đại học, Inoue Kaoru đã giới thiệu cho Yoshisuke vào làm ở trong Mitsui. Đây là 1 trong những tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản từ thời đó và vẫn còn phát triển đến tận ngày nay. Inoue Kaoru có quan hệ rất tốt với những lãnh đạo cấp cao của Mitsui. Và nếu làm việc cho Mitsui khả năng thăng tiến của Yoshisuke là điều gần như chắc chắn. Thế nhưng Ayukawa Yoshisuke đã từ chối lời giới thiệu đó.

Lý do được Yoshisuke chia sẻ đó là vì từ thời ông còn là sinh viên, ông đã sống tại nhà của Inoue Kaoru. Ở đây ông đã được tiếp xúc gần với rất nhiều người trong giới chính trị và kinh doanh. Ông đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến những người này thay đổi 180 độ từ lúc trước khi gặp so với sau khi gặp Inoue. Ông đã cảm thấy khi con người trở nên giàu có, họ thường có xu hướng trở nên ích kỉ và chấp nhận làm những việc đi ngược với đạo đức chỉ vì mục tiêu có lợi cho bản thân. Ông nhận ra rằng nếu con người muốn cống hiến hết khả năng thiên bẩm của mình cho một công việc gì đó, tiền bạc là một trở ngại lớn. Từ đó ông đã quyết tâm để có được thành công trong cuộc đời của mình với mục tiêu “Cả đời sẽ làm công việc mình yêu thích và không trở thành người giàu.”

Bắt đầu công việc tại Shibaura (Toshiba) từ vị trí một người công nhân

Yoshisuke đã chia sẻ suy nghĩ của mình với Inoue và Inoue cũng rất vui mừng khen “Đó là một suy nghĩ tuyệt vời!”. Inoue đã giới thiệu cho Yoshisuke làm việc tại công ty Shibaura (nay là tập đoàn Toshiba). Tháng 7/1903, Yoshisuke đã che giấu thân phận phận, trường học mình đã tốt nghiệp để vào Shibaura làm như một người công nhân với mục đích tích lũy kinh nghiệm. Trong khoảng thời gian ở đây, Yoshisuke đã được làm việc ở rất nhiều bộ phận như máy móc, rèn, dập, lắp ráp và cuối cùng là đúc.

Tinh thần hiếu học, không ngừng mày mò tìm hiểu tận tường từ thực tiễn chứ không chỉ lý thuyết

Không chỉ dừng lại ở đó, những người nổi tiếng thời bấy giờ của Nhật như Shibusawa Eiichi, Inoue Kaoru còn thành lập một hội và lập ra một bản danh sách gọi là “Nhật ký tham quan nhà máy” của hầu hết những công xưởng thời bấy giờ của Nhật. Yoshisuke cũng đã mượn để đọc nhưng không hài lòng với những trang giấy. Cứ chủ nhật hàng tuần ông lại đến gõ cửa những nhà máy quanh khu vực Tokyo và xin họ cho tham quan. Trong khoảng 2 năm, ông đã thăm được hơn 80 nhà máy.

Thời gian đầu còn có một vài người bạn đi cùng Yoshisuke. Nhưng hồi đó phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn, hầu hết phải đi bộ đến từng nhà máy do đó cuối cùng chỉ còn lại một mình ông duy trì được hoạt động này. Sau hơn 80 lần đi thăm các nhà máy, Kiyosuke đưa ra được một kết luận là “Những nhà máy đang thành công tại Nhật hiện nay đều đang bắt chước Mỹ. Những doanh nghiệp có bản sắc của riêng mình thì cũng chưa phát triển được.”

Điều này đúng cả trong lĩnh vực đúc mà ông đang làm việc.

Từ đó, ông đã quyết định sang Mỹ để học tập.

Đầu tiên ông muốn học về cách sản xuất ống thép và gang dẻo.

Năm 1905, ông nghỉ việc ở Shibaura và lên tàu đến bang Seattle của Mỹ từ cảng Yokohama.

Nhà máy sản xuất ống thép đã không nhận ông làm việc vì sợ rò rỉ kĩ thuật. Nhưng ông đã được nhận vào làm trong 1 nhà máy sản xuất gang dẻo. Ông đã làm việc cho một công ty tên là Grud Capura ở ngoại ô thành phố Buffalo; với mức lương khoảng 5 USD/ tuần.

Công việc ban đầu của ông vô cùng nặng nhọc là nhận những vật liệu sắt vừa được nung chảy từ lò nung rồi chuyển qua khuôn. Đó là một công việc hết sức vất vả vì thể hình người Nhật khi đó chỉ bằng một nửa người Mỹ. Cũng đã không ít lần ông bị bỏng khi đang làm việc.

Về nước và bắt đầu khởi nghiệp

Tìm ra phương pháp làm việc một các hiệu quả tại Mỹ

Cũng trong thời kì đó, ông nhận được tin thắng trận của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga -Nhật; và tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn. Chỉ mất có hơn 2 tuần để ông hoàn toàn quen với công việc mới. Không phải là do kĩ năng của ông đã tăng lên; mà ông đã tìm ra phương pháp để làm việc hiệu quả. Chính phương pháp này cũng đã giúp cho ông trở nên thành công sau khi trở về Nhật.

Chỉ sau một thời gian ngắn làm việc ở Mỹ, Yoshisuke đã nhận ra rằng người Nhật không hề thua kém người phương Tây về năng suất lao động. Không những vậy, người Nhật còn một đôi bàn tay khéo léo, khả năng điều khiển máy móc thuần thục hơn. Do đó dẫu cho thể hình có thấp bé hơn người phương Tây đi chăng nữa; thì người Nhật cũng hoàn toàn có thể làm việc với năng suất cao hơn người phương Tây.

Ông cũng hiểu rằng Nhật Bản là một đất nước có diện tích lãnh thổ nhỏ. Dân số thì ngày một tăng. Trong khi đó, Nhật lại không có tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, chỉ có công nghiệp chế tạo rồi xuất khẩu mới có thể giúp đời sống nhân dân trở nên tốt hơn.

Những điều Ayukawa Yoshisuke học được ở Mỹ

Thêm một vấn đề nữa Yoshisuke đã học được ở Mỹ đó là sự trân trọng công cụ buôn bán của con người. Ví dụ những người nông dân Mỹ họ rất trân trọng cái xẻng. Sau mỗi ngày làm việc, họ đều rửa và lau chùi nó một cách sạch sẽ. Người Nhật hồi đó thì hoàn toàn chưa được như vậy. Việc coi trọng những công cụ giúp mình làm việc cũng chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta coi trọng công việc của mình.

Trở về và bắt đầu khởi nghiệp tại Nhật

Sau khi học tập ở Mỹ, Yoshisuke trở về Nhật sớm hơn dự kiến và đã quyết tâm tự xây dựng một doanh nghiệp ở nước nhà. Ông đã thuyết phục thành công Inoue Kaoru về những hi vọng về ngành công nghiệp đúc trong tương lai cũng như sự khéo léo của lao động Nhật Bản. Không chỉ Inoue mà rất nhiều người nổi tiếng ở Nhật khi đó đã đồng ý đầu tư cho Yoshisuke.Ayukawa-Yoshisuke - Cha đẻ của NissanAyukawa Yoshisuke

Sau khi khởi nghiệp

Mở đầu với một công ty chuyên về công nghiệp đúc

Năm 1910, với số vốn ban đầu Yoshisuke đã mở một công ty chuyên về công nghiệp đúc tại tỉnh Fukuoka. Ông đảm nhiệm vị trí phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kĩ thuật. Đây là công ty có khả năng sản xuất gang dẻo đầu tiên tại Nhật.

Công ty ngay lập tức đi vào quỹ đạo và phát triển mạnh mẽ trong thời kì chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến năm 1926, năng lực của Yoshisuke được công nhận; và ông đã được Kuhara Fusasuke giao cho công việc tái cơ cấu lại một trong những công ty công nghiệp lớn nhất Nhật khi đó là  Công ty khai thác Kuhara Kougyo (ngày nay Công ty khai thác và kim loại Nippon) tiếp quản từ anh rể Kuhara Fusasuke; và tạo ra một công ty Cổ phần gọi là Nihon Sangyo, hoặc Nissan gọi tắt.

Đảm nhiệm việc tái cơ cấu một công ty đang đứng trước bờ vực phá sản

Hồi đó tình hình kinh doanh của Kuhara Kougyo đi xuống. Và công ty đang phải đứng trước bờ vực phá sản. Yoshisuke đã đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và bắt đầu công việc tái cơ cấu công ty. Đầu tiên tách riêng bộ phận sản xuất ra; và lập riêng pháp nhân cho trụ sở chính với tên gọi công ty cổ phần Nihon Sangyo.

Tuy nhiên việc kinh doanh theo mô hình Concern – chào bán công khai cổ phần, mua bán, sát nhập những công ty nhỏ chưa phổ biến thời bấy giờ. Cộng thêm đó, việc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới đã làm cho Yoshisuke gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu. Đến năm 1931 khi xảy ra sự kiện Mãn Châu (quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc), giá vàng tăng cao. Và nhờ đó tình hình công ty được cải thiện. Năm 1933, Nihon Sangyo đã bán một phần vốn cho Hitachi; và thu về một lượng tiền lớn

Đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh

Sau khi có được số vốn này cộng với lợi nhuận từ các công ty con không ngừng tăng lên; từ năm 1931 công ty đã bắt đầu thực hiên đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Theo đó, công ty đã mua lại phần lớn cổ phần của những công ty đang hoạt động tốt trên nhiều lĩnh vực. Đến năm 1937, Yoshisuke đã đưa tập đoàn thành tập đoàn lớn thứ 3 của Nhật Bản chỉ sau Mitsui và Mitsubishi.

Yoshisuke bắt đầu xâm nhập vào thị trường sản xuất ô tô từ năm 1933. Ông đã nhận thấy sự hạn chế của việc sản xuất động cơ nhỏ cho tàu bè; và đã bắt đầu mua lại những công ty sản xuất phụ tùng ô tô từ trước đó.

Ayukawa_yoshisuke_1939

Biến cố ngồi tù và những kế hoạch cho tương lai

Biến cố phải ngồi tù và những suy nghĩ cho tương lai

Năm 1945, Nissan Consern bị Bộ tổng tư lệnh tối cao quân đồng minh (GHQ) yêu cầu giải tán. Bản thân Ayukawa Yoshisuke cũng bị coi là một tội phạm chiến tranh; và phải ngồi tù trong nhà tù Sugamo.

Trong thời gian ngồi tù, Yoshisuke cũng không ngừng suy nghĩ về những phương pháp để giúp đất nước phát triển. Ông đã đưa ra kết luận là: Nhật Bản thời điểm này cần phải cải thiện đường xá, tập trung vào thủy điện và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau khi ra tù

Năm 1947, sau khi ra tù ông cũng đã tập trung toàn bộ sức lực vào 3 mảng này. Đặc biệt, ông còn thành lập một ngân hàng riêng chuyên để hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 1956, để có được tiếng nói với chính phủ, ông đã đứng ra thành lập liên minh những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn nước Nhật.

Nissan Concern sau khi bị quyết định giải thể cũng đã không tái cơ cấu lại. Chỉ riêng bộ phận sản xuất xe ô tô là vẫn giữ nguyên tên NISSAN và còn tồn tại đến ngày nay.

Những năm cuối. đời của Ayukawa Yoshisuke

Vào những năm cuối đời, Yoshisuke dành toàn tâm toàn ý cho những việc cống hiến xã hội và giáo dục.

Năm 1915, khi Inoue Kaoru mất, Yoshisuke được giao nhiệm vụ xử lý di vật của Inoue. Bằng tiền bán những di vật này, năm 1926 ông đã thành lập tổ chức “Inoue Scholarship Foundation”; chuyên hỗ trợ sinh viên, học sinh vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Ngoài ra ông còn thành lập quỹ học bổng cho trẻ mồ côi của những binh lính đã chết trong chiến tranh Mãn Châu; thành lập khoa Công nghiệp trong trường đại học Toyo.

Ngày 13/2/1966 ông qua đời vì bệnh nặng; hưởng thọ 86 tuổi.

Ai cũng biết Nhật Bản là một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên và sản xuất là cách duy nhất để phát triển. Yoshisuke là một trong những người đi đầu và đặt những viên gạch đầu tiên giúp Nhật Bản có được sự phát triển như ngày hôm nay.

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp từ Internet

Có thể bạn cũng quan tâm

🌻 Thông điệp đầy cảm hứng từ cụ già Nhật Bản 118 tuổi rước đuốc Olympic Tokyo 2021!

🌻 Bài học từ 33.000 doanh nghiệp Nhật Bản có tuổi đời hàng thế kỷ

🌻 Tâm sự chuyện khởi nghiệp ở Nhật Bản

🌻 Doanh nhân Nhật: Kunihiko Tanaka – Ông chủ đế chế sushi băng chuyền tỷ đô Kura Corp

🌻 3 Tips hay giúp bạn tiết kiệm khi sống và học tập tại Nhật!

🌻 Doanh nhân Nhật: Kunihiko Tanaka – Ông chủ đế chế sushi băng chuyền tỷ đô Kura Corp


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé!

 🌻Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

 🌻Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bản: https://bit.ly/3hm6pBH

 🌻Youtube những chia sẻ của Hoa: https://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *