Doanh nghiệp đen – Góc khuất trong văn hóa làm việc tại Nhật Bản

Doanh nghiệp đen” hay “ブラック企業” là một thuật ngữ Nhật Bản thường được dùng để chỉ các doanh nghiệp sở hữu môi trường làm việc “độc hại”. Thuật ngữ “doanh nghiệp đen” thường được sử dụng một cách mơ hồ vì hiện nay chưa có bất cứ một văn bản hành chính nào tại nước Nhật đề cập đến nó.

Bạn đang băn khoăn không biết doanh nghiệp mình đang làm có phải là một doanh nghiệp đen hay không? Hay phải xử trí như thế nào nếu bạn vô tình “lọt bẫy”? Theo dõi bài viết sau và cùng Phi Hoa tìm hiểu rõ hơn về loại hình doanh nghiệp này nhé!

Doanh nghiệp đen là gì?

Doanh nghiệp đen là tên gọi phổ biến thường được dùng để chỉ các doanh nghiệp bóc lột quá mức sức lao động của nhân viên, bắt ép nhân viên phải làm việc trong môi trường “độc hại”. Trong những năm gần đây, “Giải thưởng Doanh nghiệp Đen” – một cuộc bình chọn trên Internet về những doanh nghiệp bị liệt vào danh sách “đen” cũng đã được tổ chức. Theo “Giải thưởng Doanh nghiệp Đen”, các doanh nghiệp đen được định nghĩa như sau:

  • Thứ nhất, doanh nghiệp đen là một doanh nghiệp cố ý và tùy tiện ép buộc nhân viên làm việc trong điều kiện không đảm bảo, có thể vi phạm luật lao động và các luật khác.
  • Thứ hai, doanh nghiệp đen có thể là các doanh nghiệp và tập đoàn bao gồm các doanh nghiệp trường học, doanh nghiệp phúc lợi xã hội, văn phòng chính phủ, tập đoàn công cộng, cơ sở y tế, sử dụng bạo lực, cưỡng bức, quấy rối nhân viên,…

Dấu hiệu của các doanh nghiệp đen

Nếu những định nghĩa kể trên còn khá mơ hồ với bạn, trong việc xác định xem doanh nghiệp của mình có phải là doanh nghiệp đen hay không thì hãy kiểm tra ngay những dấu hiệu sau đây để có được một phán đoán chính xác:

  • Theo quy định, thời gian 残業時間 (làm thêm giờ) mà các công ty Nhật được phép cho nhân viên của mình làm là 45 tiếng/tháng. Nếu 1 tháng bạn đi làm 22 ngày, thời gian trung bình làm thêm là 2 tiếng/ngày, giả sử bạn phải làm thêm giờ mỗi ngày, thì như vậy 1 tháng bạn phải làm thêm tổng cộng là 44 tiếng. Những công ty bắt nhân viên làm quá 45 tiếng làm thêm 1 tháng thì rất có thể là “Doanh nghiệp đen”.
Thời gian làm việc căng thẳng kéo dài là dấu hiệu cơ bản của “Doanh nghiệp đen”
Thời gian làm việc căng thẳng kéo dài là dấu hiệu cơ bản của “Doanh nghiệp đen”
  • Mức lương thấp so với yêu cầu công việc: Mức lương của doanh nghiệp đen trả cho người lao động thường thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với từng loại hình công việc.
  • Những sai phạm mang tính hệ thống: Doanh nghiệp đen thường sẽ cắt giảm thời gian nghỉ thai sản hoặc thời gian chăm sóc con cái, thậm chí cắt luôn thời gian nghỉ phép, nghỉ lễ của bạn.
  • Có thái độ thù địch với nghiệp đoàn: Nghiệp đoàn hay còn gọi là công đoàn, là nơi bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động. Doanh nghiệp có thái độ không tốt với nghiệp đoàn thường có nguy cơ lớn là một doanh nghiệp đen.
  • Có hồ sơ về nạn quấy rối tình dục, lạm dụng quyền lực: Quấy rối tình dục hay lạm dụng quyền lực là một vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và lợi ích của người lao động chốn công sở tại Nhật Bản. Một doanh nghiệp có dấu hiệu xảy ra hành vi trên chắc chắn là một doanh nghiệp đen.
  • Nhân viên phải làm việc thêm giờ nhưng không có lương hoặc có những tất khuất về việc trả lương ngoài giờ trong các bài đăng tuyển dụng.
  • Đơn phương giảm lương mà không cần giải trình, giải thích: Vấn đề lương, thưởng là quyền, nghĩa vụ và lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Một khi có những thay đổi về lương – thưởng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo kịp thời đến với người lao động.

Trên đây là một số dấu hiệu của doanh nghiệp đen, ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể cho là độc hại nếu có thêm một số hành vi tiêu cực khác như: phân biệt đối xử với freelancer hoặc lao động theo dự án, buộc làm thêm quá tuổi nghỉ hưu, cách chức không rõ lý do, v.v…

Giải thưởng doanh nghiệp đen và ví dụ thực tế về một doanh nghiệp độc hại

Thêm một cách khác để xác nhận xem doanh nghiệp bạn đang làm có bị gắn mác doanh nghiệp đen hay không chính là rà soát danh sách Giải thưởng doanh nghiệp đen. Giải thưởng này diễn ra mỗi năm một lần và  lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, do một nhóm phóng viên, luật sư và các giáo sư các trường đại học đề xuất. 

Các ứng viên cho vị trí doanh nghiệp xấu sẽ được thông qua và thẩm định bởi một hội đồng đánh giá. Thông qua kết quả thẩm định, ban tổ chức sẽ công bố và trao giải cho “Doanh nghiệp độc hại nhất”. Bên cạnh đó, công chúng cũng có thể bình chọn và đề cử top doanh nghiệp đen theo ý kiến chủ quan của riêng mình, doanh nghiệp tồi được bầu chọn nhiều nhất sẽ nhận giải “Lựa chọn của công chúng”.

Các yếu tố được xét đến trong quá trình đánh giá xem một doanh nghiệp có nằm trong Blacklist này hay không bao gồm: thời gian làm việc, trả lương không đúng quy định, có hành vi bắt nạt, quấy rối và một số vấn đề khác liên quan đến môi trường làm việc. Những doanh nghiệp thắng “giải thưởng đen” này sẽ nhận được một phần quà là một cuốn từ điển về Luật lao động, nhưng tất nhiên chẳng doanh nghiệp nào lại muốn được tôn vinh ở giải thưởng này.

Năm 2019, doanh nghiệp Mitsubishi Electric Co. lần thứ hai liên tiếp đã nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp xấu xa nhất”. Lý do khiến công ty này được xướng tên đến hai lần bởi lẽ tại đây đã xảy ra các vụ việc người lao động thương vong do phải làm việc quá sức. 2 trong số 5 nhân viên nam ở doanh nghiệp có dấu hiệu bị chèn ép, đồng thời cũng có các cáo buộc cho rằng một nhân viên phụ trách đã có dấu hiệu bị xúi giục tự sát.

Phải làm gì nếu doanh nghiệp bạn đang làm chính là một “doanh nghiệp đen”?

Câu trả lời cho câu hỏi: Phải làm gì nếu bạn phát hiện ra mình đang làm việc cho một doanh nghiệp đen, phụ thuộc vào mục đích của chính bạn. Bạn cần xác định xem, điều mình muốn sẽ là gì: Cải thiện môi trường làm việc? Nghỉ việc tại doanh nghiệp? Hay đòi lại tiền lương và bồi thường thiệt hại?

Phải làm gì nếu bạn phát hiện ra mình đang làm việc cho một doanh nghiệp đen?
Phải làm gì nếu bạn phát hiện ra mình đang làm việc cho một doanh nghiệp đen?

Mục đích cải thiện chất lượng môi trường làm việc

Nếu bạn muốn cải thiện môi trường làm việc của mình, việc bạn cần làm chính là tham khảo ý kiến của những người đồng nghiệp khác. Trước hết, bạn hãy kiến nghị với chủ của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu bạn đang gặp rắc rối vì phải tăng ca quá nhiều, hãy có ý kiến với sếp của bạn: “Tôi lo lắng vì tôi không có đủ thời gian cho gia đình” hoặc “Tôi bị ốm vì tôi không thể ngủ đủ giấc”. Bạn có thể tự giải quyết vấn đề của bản thân bằng cách giải thích cụ thể tình trạng hiện tại của mình.
Với trường hợp vấn đề khó có thể giải quyết trong nội bộ, bạn nên cân nhắc tham khảo ý kiến của các cơ quan bên ngoài, cụ thể ở đây là Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động. Bạn có thể báo cáo các về các trường hợp vi phạm Luật Tiêu chuẩn Lao động như: làm việc liên tục không nghỉ 8 giờ một ngày, làm thêm giờ hơn 45 giờ một tháng,…. 

Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động là nơi tiếp nhận các vi phạm Luật Lao Động!
Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động là nơi tiếp nhận các vi phạm Luật Lao Động!

Trong trường hợp bạn không thể đến Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động để làm việc, bạn có thể cân nhắc đến sự hỗ trợ từ công đoàn. Công đoàn có thể thương lượng với doanh nghiệp để cải thiện môi trường làm việc. Ngay cả khi không có khiếu nại pháp lý, bạn vẫn hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Công đoàn.

Mục đích nghỉ việc tại doanh nghiệp

Để rời khỏi một doanh nghiệp tồi tệ mà vẫn có thể đảm bảo được quyền lợi của mình, bạn cần làm theo 5 bước cụ thể như sau:

  • Bước 1: Thu thập bằng chứng chứng minh đó là một doanh nghiệp đen.

Khi muốn nghỉ việc tại một doanh nghiệp đen, trước tiên bạn nên thu thập bằng chứng minh chính xác về việc đó là một doanh nghiệp đen. Đó có thể là email, ghi âm về hành vi quấy rối, hoặc time card (sổ ghi giờ làm việc, sổ chấm công),… Những bằng chứng này có thể hữu ích khi bạn đưa ra bất kỳ yêu cầu nào sau xin nghỉ việc hoặc trong trường hợp cần giải trình với Tổ chức Bảo hiểm thất nghiệp.

  • Bước 2: Nộp đơn xin nghỉ việc

Để nghỉ việc tại một doanh nghiệp đen, hãy gửi đơn xin nghỉ việc cho doanh nghiệp. Đơn xin nghỉ việc phải được nộp ít nhất hai tuần trước ngày nghỉ dự tính. Bạn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua thư bảo đảm, với hình thức nộp đơn trực tiếp, hãy giữ lại một bản sao của đơn xin nghỉ việc. Hãy ghi rõ các mục sau vào đơn xin nghỉ việc của bạn:

  1. Ý định nghỉ việc và ngày bắt đầu nghỉ
  2. Yêu cầu hoàn trả đủ lương
  3. Lý do xin nghỉ việc (không bắt buộc)
  4. Đơn xin nghỉ việc có lương (không bắt buộc)
  • Bước 3: Nhận phiếu xác nhận nghỉ việc của bạn từ doanh nghiệp

Khi nhận được phiếu xác nhận nghỉ việc, bạn cần kiểm tra thật kỹ để đảm bảo rằng “ngày nghỉ việc”, “mức lương” và “lý do nghỉ việc” là chính xác.

  • Bước 4: Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp

Sau khi được phiếu xác nhận nghỉ việc, hãy tới làm thủ tục để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền này có thể giúp bạn trang trải cuộc sống trong khi tìm một công việc mới.

  • Bước 5: Tìm việc mới tại một doanh nghiệp bạn cảm thấy an toàn

Nếu bạn nghỉ việc ở một “doanh nghiệp đen”, thì đã đến lúc bạn phải tìm kiếm việc làm ở một nơi tốt hơn gọi là “doanh nghiệp trắng”. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi đi xin việc để xác định xem doanh nghiệp đó có thực sự tốt hơn hay không:

  1. Kiểm tra xem có công khai điều kiện làm việc hay không
  2. Kiểm tra xem có tính phí làm thêm cố định trong thời gian dài không
  3. Kiểm tra xem chấm công có minh bạch hay không
  4. Kiểm tra xem có quá ít lao động so với lượng công việc hay không
  5. Đảm bảo rằng số lượng người lao động được thuê không quá lớn so với số lao động đăng ký.

Mục đích đòi tiền lương chưa thanh toán và tiền bồi thường thiệt hại

Tại Nhật Bản, việc yêu cầu tiền lương và bồi thường thiệt hại không được trả thường dẫn đến các vấn đề pháp lý vì thế phải tiến hành các thủ tục và xử lý dựa trên phán quyết của tòa án. Nếu bạn muốn đòi lại tiền lương chưa được thanh toán hoặc tiền bồi thường thiệt hại, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia pháp lý.

Đặc biệt hơn cả, khi bạn tham khảo ý kiến của luật sư, bạn có thể bỏ qua tất cả các thủ tục như đàm phán với doanh nghiệp hay chuẩn bị các loại tài liệu liên quan để nộp cho tòa án. Ngoài ra, trong lần tư vấn đầu tiên với luật sư, bạn sẽ được hoàn toàn miễn phí. Chính vì vậy, không có lý do gì để từ chối sự trợ giúp từ phía luật sư phải không nào!

Trên đây là một số thông tin về doanh nghiệp đen và hướng giải quyết vấn đề với doanh nghiệp đen mà Phi Hoa muốn gửi tới bạn đọc. Hy vọng, bài viết này sẽ hữu ích với những ai đã và đang vô tình lọt phải cái bẫy mang tên: “doanh nghiệp đen”!


Tôi là Phi Hoa. Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Mẹ của hai thiên thần nhỏ. Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Cùng kết nối và theo dõi những chia sẻ mới nhất của Hoa về Hành trình chinh phục Nhật Bản tại các kênh sau nhé:

 🌻Page Phi Hoa – Chinh phục Nhật Bản https://bit.ly/30pdhas

 🌻Cộng đồng Cùng chinh phục Nhật Bảnhttps://bit.ly/3hm6pBH

 🌻Youtube những chia sẻ của Hoahttps://bit.ly/2E4Po0z

Bạn cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc từ Hoa? Đừng ngại gởi đến Hoa những câu hỏi tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *